Thu phí rác thải theo khối lượng ở chung cư: Liệu có khả thi?
Cập nhật lúc: 29/11/2020, 08:00
Cập nhật lúc: 29/11/2020, 08:00
Ngày 17/11, Bộ TNMT đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó có quy định thu phí rác thải theo khối lượng từng hộ gia đình. Các địa phương sẽ tính toán lộ trình. Chậm nhất là trước ngày 31/12/2024 và có thể áp dụng ở thành phố trước.
Theo đó, rác sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại gồm chất thải có khả năng tái chế, sử dụng; chất thải thực phẩm; chất thải khác. Rác có khả năng tái sử dụng và rác thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình nếu phân loại đúng quy định thì không phải chi trả phí. Trường hợp hộ gia đình không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải trả phí cho tất cả các loại rác phát sinh.
Tại nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, phương pháp này đã được thực hiện và đã giảm được lượng lớn rác thải xả ra môi trường. Một số nước trong khu vực không thu phí rác thải theo khối lượng thì lại có cách phân loại rác thải vô cùng thông minh và hữu ích.
Tại “đất nước sạch nhất thế giới” Singapore, các khu chung cư có cách rất khuyến khích là ngày cuối cùng của tháng, Ban quản lý của khu nhà (Residence Committee) tổ chức thu gom giấy, các loại bìa cứng để đem đi tái chế. Các hộ gia đình mang giấy xuống nơi tập kết để đổi lấy tiền mặt hoặc phiếu mua hàng (voucher). Những ai không lấy tiền hay voucher, thì coi đó là hoạt động tình nguyện xã hội.
Còn các chung cư ở trung tâm Jakarta (Indonesia) cũng thực hiện phân loại rác tại nguồn. ban quản lý chung cư phát cho mỗi hộ gia đình 3 túi nilon (có thể tự hủy) để phân loại rác theo tiêu chí 3R. Ban quản lý khu nhà cũng cho đặt các thùng rác theo màu để phân chia rác 3R và đặt cả bảng hướng dẫn bỏ rác đúng quy định.
Nhiều khu đô thị lớn của đất nước này còn có sáng kiến khác rất thú vị là “Đổi rác lấy vàng”. 70kg rác nhôm (khoảng 4.500 lon rỗng) đổi được 1gr vàng tại ngân hàng rác. Không chỉ có vỏ lon nhôm đổi được vàng mà cả đồ nhựa, bìa cứng, những đồ tái chế được đều có thể đổi lấy vàng. Nếu người dân không muốn lấy vàng, có thể quy đổi số rác tái chế ký gửi tại Ngân hàng rác thành tiền mặt.
Trước một hình thức thu phí rác chưa từng được áp dụng ở Việt Nam là thu theo khối lượng như trong dự thảo Luật, nhiều người dân đã bày tỏ băn khoăn và cả nghi ngờ về tính khả thi của luật mới này, nhất là đối với những cư dân sống trong chung cư .
Cho đến thời điểm tại, tất cả các chung cư ở Việt Nam đều đang đổ rác theo tình trạng “đổ đống”, thả ống xuống nhà chứa rác hoặc cho vào thùng chứa rác lớn để nhân viên môi trường đi thu gom.
Chị Thanh - Ở CT2 Văn Khê Hà Đông cho hay “Chung cư tôi ở có cả nghìn người. Chúng tôi bỏ rác vào cùng một chỗ. Vì vậy, chắc chắn sẽ có người phân loại và không phân loại rác. Nếu như tính phí theo rác thải được phân loại mà từ chối thu gom, như vậy những người có phân loại rác đúng quy định cũng sẽ bị vạ lây? Nếu vậy có người đem rác đã phân loại bỏ ở ngoài đường thì sao? Tôi nói thật, muốn xử lý rác thì phải có khâu xử lý đàng hoàng nữa, Nhật Bản, Hàn Quốc người ta có công nghệ xử lý rác bạn nhé. Còn ta có lẽ chỉ có công nghệ... chôn rác. Cái gốc không có, bắt chước cái ngọn chỉ là hình thức. Phân loại rác tại nguồn xong đến bãi rác to cũng nhập lại thôi. Có công nghệ xử lý đâu mà đòi phân loại".
Điều chị Thanh nói cũng không phải không có lý. Đặc thù các chung cư trên địa bàn Hà Nội đều cao từ 10 tầng trở lên, cá biệt có những tòa nhà lên tới 30 - 40, thậm chí, hơn 40 tầng với hàng nghìn người sinh sống. Khối lượng rác thải cần thu gom hàng ngày ước tính lên đến hàng tấn và cư dân không có giờ đổ nhất định nào cả. Khảo sát một loạt chung cư ở Hà Nội như các tòa chung cư Khu đô thị (KĐT) Văn Quán, Linh Đàm, Kim Văn - Kim Lũ, chung cư Viện Bỏng, KĐT Xa La, Cầu Bươu... Chúng tôi nhận thấy, hệ thống thu gom rác ở các nhà chung cư này đều được bố trí theo hình ống (hố) đứng; rác ở mỗi tầng được thả qua ống này vào nhà gom rác tại tầng 1 hoặc tầng hầm của tòa nhà. Một số chung cư khác cao cấp hơn thì có thùng rác phân theo màu. Tuy nhiên, cũng không phải ai cũng phân loại đúng.
Còn nữa, ở các khu chung cư, do không có một khung giờ đổ rác cố định và lượng rác thải xả ra quá lớn và đổ chung, nên việc tính rác theo cân cũng có nhiều khó khăn… Rồi việc phí đổ rác lại nằm trong tổng phí dịch vụ.
Chị Ngọc Mai – Chung cư Central Point Trung Kính cho biết “Hiện tại, chung cư tôi ở đang trả phí vệ sinh trong tổng phí dịch vụ. Nếu như tính phí đổ rác theo khối lượng thì lại phải tách biệt với các loại chi phí khác. Bây giờ tách, tính ra dao động từ 100.000 đồng/tháng, cộng thêm tiền mua bao bì để phân loại rác nữa thì sẽ tốn thêm nhiều chi phí. Hoặc nếu như khối lượng rác nhỏ dưới 500g/ngày thì sẽ tính thế nào, chẳng nhẽ lại để cho nó thối um lên trong nhà à?"
Bàn về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe - Tổng thư ký Hội BVTN&MT Việt Nam cho rằng, luật mới nghe thì có vẻ có lý nhưng thật ra lại tốn khâu quản lý cân đong đo đếm. "Cứ thu theo hộ gia đình thì hộ bao nhiêu người thu bấy nhiêu. Thu đồng cả lứa người này bù người kia thì mới thu được chứ bây giờ cứ mỗi tí rác ai cân? Nhất là ở khu chung cư đông người, người ta đổ rác suốt ngày thì ai ngồi chực cả đêm cả ngày mà cân. Lại tốn thêm tiền cho khâu xử lý cân đo phân loại.
Thậm chí, sinh ra thu phí theo khối lượng lại nảy sinh từ bất công này đến bất công khác. Người ta cho rác vào túi không đầy, người ta không chịu đi cân mà đưa ra thùng rác công cộng thì sao?"
TS. Nguyễn Đình Hòe cho biết, theo ý kiến cá nhân thì ông muốn thu theo nhóm hơn là thu theo khối, "Chẳng cần thu theo khối lượng làm gì cho phức tạp, miễn là anh đổ rác đúng giờ, chung cư thì đổ rác tuần mấy ngày, chia các thùng màu để , hoặc có thể bán cho người ta túi đựng rác để cho rác vào. Hoặc là dùng túi có thể tái chế hoặc phân hủy là được. Đặt ra chế tài, đặt camera rồi phạt nặng vào. Hoặc là chia ra thành nhiều nhóm ngành nghề khác nhau sau đó tính phí trung bình cho các nhóm. Ví dụ như hàng phở sẽ thu một giá, hàng sản xuất hàng mã một giá, hàng chè một giá khác. Như vậy thì sẽ tạo ra được sự công bằng".
Ông đã đi đến nhiều quốc gia và tham khảo cách xử lý rác thải của họ. Tại các quốc gia trên thế giới, luật trước khi được ban hành sẽ có dự thảo luật. Và tất nhiên trong quá trình dự thảo sẽ lên một cơ chế thí điểm tại một số địa phương rồi sau đó lấy ý kiến của người dân, chỉnh sửa rồi phải có chế tài trước sau đó mới ban hành. Bởi vì sự kết hợp nhịp nhàng của chính sách, công nghệ xử lý, tài chính, và ý thức của người dân mới là yếu tố then chốt để luật có được thực thi thành công hay không.
Trước những thắc mắc của người dân và các chuyên gia, Bộ TNMT thông tin, người dân không phải trả phí theo khối lượng cân mà sẽ tính bằng thể tích túi đựng rác. Người dân mua túi đựng rác thay cho trả tiền vệ sinh môi trường hàng tháng hiện nay. Các địa phương sẽ phát hành túi đựng rác thải. Chi phí để mua các túi này sẽ tương đương với chi phí thu gom vận chuyển, xử lý đối với từng khối lượng trong túi này. Tiền mua túi này đã được ứng trước trong giá túi và người dân sẽ không phải trả tiền vệ sinh môi trường như hiện nay. Mức phí ban đầu sẽ bằng mức người dân đang chi trả hiện nay cho phí vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, phí này sẽ nâng lên theo lộ trình và có sự khác nhau giữa đô thị và nông thôn.
Và đương nhiên, nếu không muốn mất nhiều tiền để mua nhiều túi rác, người dân sẽ phải tìm cách hạn chế tối rác thải, thậm chí còn phải đợi đến khi bao rác được lấp đầy mới đem vứt. Lúc đó, lượng rác thải ra môi trường chắc chắn sẽ được giảm thiểu.
GS. TS. Nhà giáo Nhân dân Trần Hiếu Nhuệ bày tỏ ý kiến đồng tình với việc thu phí rác thải. Ông cho rằng tất cả người dân đều như nhau, bình đẳng và đều phải thực hiện điều luật đã được ban hành, người ở chung cư hay người ở các địa phương vùng sâu vùng xa nào cũng phải như vậy "Tất cả người dân đều bình đẳng, đã là quy định thì phải nộp chứ, trừ những người ở vũ trụ. Đối với các khu chung cư, tất nhiên là ban quản lý các tòa nhà sẽ phải cân nhắc lại tiền phí dịch vụ và trừ khoản thu phí rác thải theo khối lượng hoặc tính phí theo cách nào đó phù hợp với cư dân. Tuy nhiên, có điều là các chung cư phải sắp xếp lại cơ chế phân loại và vất rác cho các hộ gia đình".
Sự đồng bộ trong các khâu phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác để trở thành một chu trình khép kín là rất quan trọng. Có như vậy thì vấn đề rác thải khó giải quyết bao nhiêu năm qua mới mở được nút thắt.
07:20, 18/07/2020
07:20, 09/12/2019
13:10, 06/12/2019