19/01/2025 | 21:23 GMT+7, Hà Nội

Những thành công từ mô hình điểm bán hàng Việt

Cập nhật lúc: 12/04/2019, 12:50

Việc xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt giúp người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận tốt hơn với các sản phẩm được người Việt sản xuất, qua đó thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển trong cả nước.

Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (theo Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ), nhiều điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” đã được thiết lập tại khu vực có nhiều khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, hàng hóa chủ yếu phục vụ cho công nhân và người lao động tại các địa phương trên cả nước. Sau thời gian dài thực hiện, Bộ Công thương đã xây dựng được hàng trăm điểm bán hàng tại các địa phương trên cả nước, trong đó rất nhiều điểm bán được đặt gần các KCN với hàng chục ngàn công nhân.

Nói về mô hình Điểm bán hàng Việt Nam, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, xuất phát từ ý tưởng được gợi ý trong quá trình thực hiện đề án, rất nhiều DN sản xuất hàng Việt Nam đã chủ động phối hợp với các đơn vị sản xuất có đông công nhân để đưa hàng hóa của mình vào tận nhà máy, KCN, khu chế xuất phục vụ kịp thời cho nhu cầu sinh hoạt của đội ngũ công nhân, người lao động.

nhung thanh cong tu mo hinh diem ban hang viet
Mô hình điểm bán hàng Việt được xem là kênh phân phối hàng Việt uy tín và có tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Một số điểm bán hàng Việt đã được triển khai tại khu vực các KCN, khu chế xuất ở các địa phương như Hà Nam, Hưng Yên, Đăk Nông, Đồng Nai, Bến Tre... và rất thành công như siêu thị Lan Chi Mart gần KCN Đồng Văn, Hà Nam hay siêu thị Mmart của Tổng Cty May 10… Theo báo cáo của Siêu thị Lan Chi mart, kể từ khi triển khai mô hình điểm bán hàng Việt Nam tại siêu thị, đối tượng mua sắm, tiêu dùng là những người công nhân ngày càng tăng lên về số lượng, họ đã được tiếp cận nhiều hơn với các loại sản phẩm, hàng hóa do các DN Việt Nam sản xuất ra với chất lượng tốt, giá rẻ và các chương trình khuyến mại, kích cầu kèm theo. Trong giai đoạn vừa qua, tốc độ tăng trưởng doanh thu của siêu thị đạt 25%/năm.

Theo báo cáo của Sở Công thương các tỉnh, TP, kể từ khi thành lập, mô hình “Điểm bán hàng Việt” đã có một số kết quả cụ thể như: Sản lượng tiêu thụ hàng hóa, doanh thu của DN tăng đáng kể, người dân nhận diện và biết đến nhiều hơn các hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đồng thời tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm do Việt Nam sản xuất đến người tiêu dùng trong và ngoài địa phương. Không những vậy, mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam” còn thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nâng cao hiệu quả kinh tế và giải quyết công ăn, việc làm cho đội ngũ công nhân, người lao động. Đặc biệt mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam” còn có nhiều ưu đãi thiết thực cho đối tượng công nhân, người lao động, từ đó hình thành thói quen sử dụng và ủng hộ hàng Việt Nam cho người tiêu dùng trên cả nước.

Cùng với việc bán hàng, các đơn vị cũng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao được nhận thức và ý thức của người dân trong việc lựa chọn hàng Việt Nam... Từ đó hình thành thói quen mua sắm, sử dụng và ủng hộ hàng Việt Nam; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng thêm cơ hội kết nối, giao thương giữa các DN sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời, các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh để tránh xảy ra tình trạng đưa những mặt hàng kém chất lượng vào bán trà trộn với hàng chính hãng để trục lợi, gây mất niềm tin trong nhân dân.

UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND về việc triển khai thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn giai đoạn 2015-2020. Theo đó, TP phấn đấu năm 2015, 100% người tiêu dùng và DN Thủ đô biết đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời sẽ tăng thị phần hàng Việt tại các kênh phân phối như chợ, cửa hàng kinh doanh khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên hơn 80%, tại các siêu thị hơn 90%.

 

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ triển khai xây dựng thí điểm các điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững mang tên “Tự hào hàng Việt Nam”. Đến năm 2020, hơn 80% người tiêu dùng, DN Thủ đô biết đến các điểm bán cố định “Tự hào hàng Việt Nam”. Đặc biệt, Hà Nội cũng đặt mục tiêu hỗ trợ người tiêu dùng phân biệt hàng giả, hàng nhái, hỗ trợ các điểm bán hàng cố định “Tự hào hàng Việt Nam”. Và xây dựng chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” trên các kênh truyền thông để tuyên truyền, quảng bá cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.