22/11/2024 | 07:35 GMT+7, Hà Nội

Vụ thu hồi 18.000 chai tương ớt Chin-Su ở Nhật: Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lên tiếng

Cập nhật lúc: 11/04/2019, 02:56

Liên quan đến vụ thu hồi 18.000 chai tương ớt Chin-Su ở Nhật Bản đang gây xôn xao dư luận, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã lên tiếng.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng bộ phận thường trực Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã bày tỏ quan điểm của Hội về vụ việc hơn 18.000 chai tương ớt Chin-Su bị thu hồi tại Nhật Bản.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có câu trả lời tại sao Việt Nam lại cho phép sử dụng axit benzoic nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn, lo lắng.

Tương ớt Chin-Su bị Nhật Bản thu hồi

“Người tiêu dùng cũng ngạc nhiên khi Masan cho rằng, 18.000 chai tương ớt Chin-Su bị Nhật thu hồi nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, trên đó có ghi rõ dành riêng cho thị trường Việt Nam, không dành cho xuất khẩu”, ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, cần phải làm rõ một số vấn đề xung quanh vụ việc. Thứ nhất, axit benzoic có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), cả Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên. Tại Việt Nam, axit benzoic, một loại phụ gia được phép sử dụng trong nhiều loại thực phẩm, trong đó có tương ớt với hàm lượng quy định. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, axit benzoic lại không được phép sử dụng trong tương ớt.

Từ đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đặt câu hỏi: “Phải chăng, benzoic có gốc axit, khi sử dụng trong tương ớt sẽ gây ra chất có hại cho sức khỏe nên Nhật Bản mới cấm?”.

Đơn vị này cũng dẫn khoản 2, Điều 11, Luật Vệ sinh thực phẩm Nhật Bản quy định: "Axit benzoic không được cho phép sử dụng trong tương ớt". Theo lý giải, ớt có hàm lượng vitamin C cao gấp 3 lần cam, nó đứng đầu bảng về hàm lượng vitamin C trên trọng lượng, có khả năng phản ứng với nhau để hình thành benzen, chất độc hại.

"Tại Việt Nam, tuy không bị cấm, nhưng sức khỏe của người tiêu dùng ở đâu cũng đều giống nhau, vì sao ở Nhật Bản thì bị thu hồi, còn tại Việt Nam vẫn tiếp tục cho lưu thông?", Hội Bảo vệ người tiêu dùng tiếp tục đặt câu hỏi.

Đồng thời, ông Hùng cho biết, Hội cũng kiến nghị để cho người tiêu dùng yên tâm và ưu tiên dùng hàng Việt Nam, rất cần cơ quan quản lý Nhà nước và nhà sản xuất có câu trả lời thỏa đáng và sớm nhất những băn khoăn của nhiều người tiêu dùng.

Như đã đưa tin từ trước, mới đây, vụ việc lô hàng hơn 18.000 sản phẩm tương ớt Chin-Su của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan đã bị Nhật Bản thu hồi do chứa axit benzoic đang gây xôn xao dư luận.

Theo thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin của Thành phố Osaka, Nhật Bản, kết quả phân tích mẫu tương ớt Chin-su của Masan, lượng axit benzoic có trong sản phẩm này dao động từ 0,41g/kg đến 0,45g/kg. Sản phẩm tương ớt Chin-su vi phạm Điều 11 của Luật Vệ sinh Thực phẩm của Nhật Bản.

Ngay sau đó, phía Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan giải thích, việc bị Nhật Bản "tẩy chay" là do nhiều khả năng lô sản phẩm tương ớt Chin-Su bị thu hồi tại Nhật là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, trên đó có ghi rõ “Dành riêng cho thị trường Việt Nam", không dành cho xuất khẩu.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) hướng dẫn chung cho các thành viên Codex (gồm 189 nước) trong đó có Việt Nam thì axit benzoic (INS 210) và axit sorbic (INS 200) được phép sử dụng trong thực phẩm trong đó có tương ớt. Theo quy định về quản lý phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế Việt Nam thì axit benzoic được phép sử dụng trong tương ớt với hàm lượng 1 gram/kg sản phẩm. Trong khi đó tại Nhật Bản, axit benzoic được phép sử dụng trong một số sản phẩm khác nhưng không được cho phép dùng trong tương ớt.