Chất chống mốc trong tương ớt Chin-Su nguy hiểm thế nào mà Nhật phải cấm dùng?
Cập nhật lúc: 08/04/2019, 19:01
Cập nhật lúc: 08/04/2019, 19:01
Axit benzoic chính là phụ gia có trong sản phẩm tương ớt Chin-su của Masan vừa bị Nhật Bản thu hồi.
Mới đây, vụ việc lô hàng hơn 18.000 sản phẩm tương ớt Chin-su của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan đã bị Nhật Bản thu hồi do chứa axit benzoic - một chất bị cấm sử dụng trong sản phẩm của Nhật Bản đang gây xôn xao dư luận.
Như đã đưa tin từ trước, theo thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin của Thành phố Osaka, Nhật Bản, kết quả phân tích mẫu tương ớt Chin-su của Masan, lượng axit benzoic có trong sản phẩm này dao động từ 0,41g/kg đến 0,45g/kg. Sản phẩm tương ớt Chin-su vi phạm Điều 11 của Luật Vệ sinh Thực phẩm của Nhật Bản.
Phía Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan giải thích, việc bị Nhật Bản "tẩy chay" là do nhiều khả năng lô sản phẩm tương ớt Chin-Su bị thu hồi tại Nhật là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, trên đó có ghi rõ “Dành riêng cho thị trường Việt Nam", không dành cho xuất khẩu.
Từ đó, dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao hàm lượng axit benzoic có trong sản phẩm tương ớt Chin-Su xuất sang Nhật Bản dao động từ 0,41g/kg đến 0,45g/kg là dưới ngưỡng, là an toàn song họ vẫn từ chối sử dụng?
Trao đổi trên báo Tuổi trẻ, bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khẳng định, axit benzoic, axit sorbic không phải là chất cấm.
"Các loại phụ gia này nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, nhưng mỗi quốc gia đều có những quy định riêng về hàm lượng sử dụng", bác sĩ Diệp cho biết.
Cũng trên báo Tuổi trẻ, TS. Phan Thế Đồng - chuyên gia về công nghệ thực phẩm (trường ĐH Hoa Sen TP.HCM) cho hay, chiếu theo tiêu chuẩn của Codex, hàm lượng axit benzoic được phát hiện trong tương ớt Chin-su bị Nhật thu hồi vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép.
"Tiêu chuẩn của Codex được coi như định chế tham khảo chung để các bên buôn bán. Có thể quy định của Nhật khắt khe hơn, họ không muốn có chất bảo quản trong đó", TS. Đồng lý giải.
Về mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe, theo TS. Đồng, trong 2 loại này thì axit benzoic tương đối độc hơn so với axit sorbic.
Cụ thể, benzoic có gốc axit, khi biến đổi kết hợp với gốc rượu trở thành paraben - chất hiện đang cấm sử dụng trong các loại khăn ướt, khăn giấy bởi tiếp xúc có thể thấm qua da.
Không những vậy, sử dụng nhiều chất này có thể phản ứng với vitamin C có trong thực phẩm sinh ra benzen - một chất có thể gây ung thư. Còn axit sorbic không gây ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe, tương tự một số loại axit béo khác.
Chia sẻ trên báo Lao động, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, axit benzoic là axit nằm trong nhóm chất bảo quản để chống hiện tượng mốc và sự phát triển sinh vật trong thực phẩm.
Cũng theo PGS-TS. này, Việt Nam không cấm sử dụng axit benzoic. Tại Việt Nam phụ gia thực phẩm axit benzoic cũng được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau và Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng axit benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.
Khi axit benzoic vào cơ thể với hàm lượng nhiều, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc. Ngoài ra, axit benzoic có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.
Ở một diễn biến khác, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, hiện chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam nhưng cơ quan này cũng đang cho làm rõ vụ việc.
07:30, 08/04/2019
05:55, 07/04/2019
20:41, 06/04/2019