Thân thế, sự nghiệp nghìn tỷ của "cha đẻ" tương ớt Chinsu
Cập nhật lúc: 08/04/2019, 07:30
Cập nhật lúc: 08/04/2019, 07:30
Hai ngày qua, sự việc hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu có nguồn gốc từ Việt Nam bị Trung tâm y tế công cộng thành phố Osaka yêu cầu thu hồi vì vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Nhãn thực phẩm gây xôn xao dư luận.
Phản hồi về thông tin này, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan cho biết chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-Su cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd. Hiện đơn vị này chỉ xuất khẩu tương ớt Chin-su sang Mỹ, Canada, Australia, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Đài Loan.
"Do hiện nay chúng tôi không có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ", thông cáo của Masan viết.
Được biết ông chủ của Tập đoàn Masan, sản xuất ra tương ớt Chinsu chính là doanh nhân Nguyễn Đăng Quang.
Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963 ở Quảng Trị, có bằng tiến sĩ Vật lý hạt nhân, có thời gian dài học tập và sinh sống ở Đông Âu. Hiện ông Quang vẫn giữ chức chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của Tập đoàn Masan. Ngoài ra, ông còn là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của Techcombank, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.
Và với nền tảng đào tạo là ngành khoa học hàn lâm nhưng ông Quang lại gắn với kinh doanh, mà khởi sự là từ những gói mỳ tôm vào đầu những năm đầu thập niên 1990. Ông Quang bắt đầu khởi nghiệp từ những năm 1990 sau thời gian học tập tại Nga thông qua việc bán mỳ gói cho những người Việt sinh sống tại đây.
Công việc kinh doanh thuận lợi đã giúp ông Quang xây dựng nhà máy sản xuất với công suất 30 triệu gói mỳ mỗi tháng và sau đó mở rộng đầu tư sang đậu nành, cá và tương ớt. Lúc cao điểm, doanh số các sản phẩm của doanh nghiệp của vị tỷ phú này trên 100 triệu USD mỗi năm.
Đến năm 2002, ông Quang đưa Masan trở về quê nhà bằng việc tung ra thị trường sản phẩm đầu tiên: nước tương Chin-su và cũng chính là thời điểm đánh dấu sự có mặt của Masan ở Việt Nam.
Giai đoạn 2005 – 2007, Masan chớp thời cơ tăng trưởng nhanh chóng trước sự cố chất gây ung thư 3-MCPD trong nước tương xảy ra và làm thay đổi toàn bộ vận mệnh của Chinsu cũng như Masan Food.
Đến năm 2007, Masan mới bắt đầu đánh chiếm thị trường mỳ gòi bằng sản phẩm Omachi.
10 năm sau đó, năm 2017, Masan tiếp tục mở rộng sang ngành hàng thịt và các sản phẩm từ thịt. Để tấn công thị trường này, doanh nghiệp của tỷ phú USD đã đầu tư trang trại nuôi heo với quy mô 10.000 con heo nái cùng 230.000 heo thịt/năm. Tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Kết thúc năm tài chính 2017, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 37.621 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 11.632 tỷ đồng.
Dù chưa nằm trong danh sách tỷ phú USD của Forbes nhưng ông chủ Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang đã từng được Blomberg vinh danh là tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê trên sàn chứng khoán, mặc dù là chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) nhưng ông Nguyễn Đăng Quang hiện chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan. Tuy nhiên, ông Quang vẫn được coi là ông chủ thực sự của Masan khi ông Quang là cổ đông chính của công ty Cổ phần Masan (Masan Corp).
Theo đó, thông qua Masan Corp, ông Quang đang sở hữu 377,596 triệu cổ phiếu MSN, tương đương với 32,46% vốn điều lệ Masan Group.
Ngoài ra, phu nhân của ông Nguyễn Đăng Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến đang nắm giữ 42.415.234 cổ phiếu MSN, tương đương với 3,65 % vốn điều lệ Masan Group.
Mẹ ông Nguyễn Đăng Quang là bà Nguyễn Quý Định đang nắm giữ 1,99 triệu phiếu MSN, tương đương 42,415,234 tỷ đồng.
Như vậy, thông qua công ty liên quan và người thân, ông Nguyễn Đăng Quang đang nắm giữ tới gần 40% vốn điều lệ tại Masan Group.
Với mức giá giao dịch vào này 10.12 trên thị trường chứng khoán (85.600 đồng/cp), ông Quang và gia đình đang sử hữu khỗi tài sản trị giá khoảng 1,6 tỷ USD.
Nếu tham chiếu theo thương vụ đầu tư của nhà đầu tư Hàn Quốc - SK Group diễn ra mới đây, 470 triệu USD cho 9,5% vốn điều lệ, ông Quang đang sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 2 tỷ USD.
Trước đó, ông Nguyễn Đăng Quang từng được Bloomberg nêu tên với tư cách tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam với khối tài sản được định giá khoảng 1,2 tỷ USD, chỉ đứng sau ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air.
Trong số những doanh nghiệp thành công với mỳ tôm tại Đông Âu thì hiện chỉ có Tập đoàn Masan là tiếp tục kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Đăng Quang giàu thứ 3 Việt Nam.
Tương ớt Chin-su là sản phẩm nổi tiếng của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (mã CK: MCH) ra đời năm 2002, cũng là thời điểm ông Quang đưa Masan trở về quê nhà. MCH lại là công ty con của Công ty TNHH MasanConsumer Holdings – một công ty con của "đế chế" CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã chứng khoán: MSN).
MCH là một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, sản xuất kinh doanh các sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi như mỳ ăn liền (Omachi, Kokomi, Sagami), gia vị (ngoài nước tương Chin-su còn có nước mắm Nam Ngư), đồ uống (nước khoáng Vĩnh Hảo), cà phê (Vinacafe).
Năm 2018 vừa qua, MCH đạt tổng doanh thu hơn 17,2 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 3,9 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 3,4 nghìn tỷ đồng. Gộp cả MCH, công ty mẹ MSN năm 2018 đạt doanh thu 39,4 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 6,2 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là hơn 5,6 nghìn tỷ đồng.
Dù có đế chế hùng mạnh nhưng ông Quang được cho là rất kín tiếng trong làm ăn.
K.N (th)
05:55, 07/04/2019
20:41, 06/04/2019
03:31, 14/03/2019