19/01/2025 | 07:15 GMT+7, Hà Nội

Người tiêu dùng lo ngại trước “cuộc chiến” tăng giá

Cập nhật lúc: 05/04/2019, 08:25

Cuối tháng 3 đầu tháng 4, thị trường chứng kiến sự tăng giá của nhóm những mặt hàng gas, điện và xăng. Đây đều là những mặt hàng thiết yếu khiến cho áp lực tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ ngày càng hiện hữu.

Cụ thể, chiều ngày 2/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính phát đi thông tin điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng, lên mức 18.588 đồng; xăng RON 95 tăng 1.484 đồng, lên mức 20.033 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng 1.086 - 1.219 đồng mỗi lít, kg tùy loại.

Trước đó, ngày 1/4, giá gas được thông báo tăng 7.000 đồng/bình 12kg, lần tăng thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm và đã tăng tổng cộng 40.000 đồng/bình 12kg.

Ngày 20/3, Bộ Công thương quyết định điều chỉnh tăng giá điện thêm 8,36%, với giá điện bán lẻ bình quân tăng từ 1.720,65 đồng/kWh lên mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng/kWh và cao nhất 2.927 đồng/kWh.

nguoi tieu dung lo ngai truoc cuoc chien tang gia
Người dân lo lắng trước sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu

Bên cạnh đó, sách giáo khoa cũng được thông báo tăng giá đúng thời điểm này. Trong năm học 2019 - 2020, giá bán sách giáo khoa lớp 1 - 12 sẽ tăng từ 6.500 đồng đến 25.000 đồng mỗi bộ, mức tăng bình quân mỗi cuốn từ 1.000 đến 1.800 đồng. Lý giải nguyên nhân tăng giá, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, các chi phí đầu vào như nhân công, nguyên nhiên vật liệu, vận chuyển... đều tăng, khiến hoạt động xuất bản và phát hành sách giáo khoa của nhà xuất bản bị lỗ những năm gần đây.

Sau khi có thông tin tăng giá điện, ngay lập tức các nhà sản xuất xi-măng, sắt thép điều chỉnh giá bán các mặt hàng này tăng theo do chi phí sản xuất tăng. Theo đó, giá sắt thép xây dựng tăng từ 100.000-200.000 đồng/tấn, xi-măng tăng từ 20.000-50.000 đồng/tấn, tùy doanh nghiệp.

Thậm chí có doanh nghiệp điều chỉnh giá tăng trước thời điểm giá điện tăng. Chẳng hạn, Công ty CP Xi-măng Xuân Thành có thông báo đến khách hàng điều chỉnh giá bán xi-măng tăng 30.000 đồng/tấn, áp dụng từ ngày 16/3, Công ty Xi-măng Hướng Dương tăng từ 30.000-40.000 đồng/tấn từ ngày 18/3, còn Công ty CP Xi-măng Cẩm Phả tăng 30.000 đồng/tấn từ ngày 15/3. Nhiều công ty tăng giá 20.000-50.000 đồng/tấn từ ngày 20/3 như Công ty Xi-măng Hoàng Thạch, Công ty CP Xi-măng Hà Tiên 1, Công ty CP Xi-măng Bút Sơn, Công ty CP Xi-măng Vicem Hoàng Mai...

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cũng cho biết để sản xuất 1 tấn thép cần đến 600 KWh điện, tức chi phí tiền điện chiếm khoảng 1 triệu đồng, tương ứng chiếm 9% giá thành. Do đó giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và nhà sản xuất buộc phải điều chỉnh giá bán tăng theo.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM, cho biết chi phí nhiên liệu chiếm đến 35% giá cước vận tải. Do đó giá xăng dầu tăng đương nhiên ảnh hưởng đến cước vận tải. Phần lớn hợp đồng vận tải được ký kết dài hạn nên khi giá xăng dầu tăng, buộc chủ xe phải đàm phán lại với khách hàng.

Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng cũng tỏ ra lo ngại khi giá điện, xăng tăng sẽ kéo theo một loạt mặt hàng khác phục vụ đời sống tăng lên như giá nước, thịt, rau, hoa quả... Chưa kể, sắp tới vào hè nhu cầu sử dụng điện chắc chắn sẽ tăng cao hơn, thậm chí gấp 2-3 lần các thời điểm khác trong năm kéo theo chi tiêu mỗi tháng của gia đình tôi có thể tăng thêm cả triệu đồng.

Giá các mặt hàng thiết yếu tăng, theo các chuyên gia, điều này sẽ tác động đến giá cả, lạm phát thời gian tới song không ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm của Chính phủ.

Nguyễn My (Tổng hợp)