27/04/2024 | 22:16 GMT+7, Hà Nội

Tăng giá điện: Kẻ khóc, người cười

Cập nhật lúc: 22/03/2019, 06:00

Nghe thông tin giá điện tăng, nhà nhà, người người sôi sục bàn tán trong nhà, ngoài ngõ… nhiều người than khóc, ấy vậy mà có kẻ lại cười.

Than khóc vì giá điện

Chiều ngày 20/3, Bộ Công thương ra thông báo giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng 8,36%. Theo đó, giá điện tăng từ 1.720 đồng lên khoảng 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng một kWh và cao nhất 2.927 đồng một kWh. Cùng với giá bán lẻ điện sinh hoạt, giá bán buôn với hộ tiêu dùng này, thấp nhất 1.646 đồng một kWh cho số điện từ 0 đến 50 kWh và cao nhất 2.871 đồng cho hộ dùng trên 400 kWh.

Khi vừa mới nghe thấy thông tin này, nhiều người dân đã than khóc… trời ơi. Một cơn sốt lại được tạo ra trên mạng xã hội, thông tin và ý kiến bùng nổ, nhiều người đã lên đây bày tỏ sự lo lắng của mình. Anh Lê Hải (Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: "Trung bình mỗi tháng nhà tôi dùng hết hơn 3 triệu tiền điện, nếu giá điện tăng thì mỗi tháng tôi phải đóng thêm 250.000 đồng/tháng. Như vậy, mỗi năm tôi phải đóng thêm 1 tháng tiền điện, đó là tháng thứ 13.

Nghe thì thấy có vẻ ít với mức thu nhập hiện tại của người dân Thủ đô, nhưng thông thường khi giá điện tăng thì sẽ đồng loạt kéo theo những mặt hàng khác, mọi phí sinh hoạt sẽ đều tăng chóng mặt từ ăn uống, đi lại, mua sắm,… Vậy khác nào chúng tôi phải đóng thêm đủ loại mức phí tăng khác đâu chỉ có điện. Trong khi, lương có tăng không? Không. Không tăng lương thì đồng nghĩa với việc cuộc sống của gia đình chúng tôi sẽ chật vật hơn rất nhiều”.

 Gía điện tăng khiến nhiều người dân lo lắng.

Giống như anh Hải, chị Lê Thị Thảo (Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội), chủ một spa cũng khá lo lắng khi giá điện tăng: “Về cơ bản, mức tăng này không quá cao nhưng spa của tôi chỉ là một cơ sở nhỏ nên không thể cứ giá điện, giá xăng tăng là chúng tôi tăng giá dịch vụ được. Trong khi, khách hàng lựa chọn nơi làm đẹp không chỉ dựa vào uy tín mà đôi khi còn có ý nghĩ cứ nơi nào sang trọng, giá thành cao là nơi đó chất lượng, đảm bảo. Các cơ sở spa lớn lại rất dễ dàng lên giá dịch vụ. Nhiều đối thủ của tôi chỉ chờ những dịp như thế này để tăng giá, như vậy, việc tăng giá điện có thể sẽ ảnh hưởng tới việc làm ăn của tôi”.

Theo như chị Thảo, việc tăng giá điện cũng sẽ liên quan tới khá nhiều vấn đề, biến hóa muôn hình muôn vẻ mà với một người kinh doanh như chị phải học cách đối phó. Cũng theo chị Thảo, Nhà nước tăng giá điện nhưng cũng cần có những biện pháp điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu và đời sống của người dân.

Đó là với cá nhân, đơn vị nhỏ, còn đối với những doanh nghiệp lớn hơn thì đây lại là vấn đề khiến họ đau đầu. Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàng Sơn (Từ Liêm, Hà Nội) là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nên số tiền điện hàng tháng doanh nghiệp này đóng khá nhiều. Theo anh Hoàng Cao Long, Giám đốc công ty, trung bình một tháng kế toán phải đi đóng khoảng 50 triệu tiền điện, với điều chỉnh giá điện mới này thì mỗi năm công ty phải đóng thêm gần 50 triệu tiền điện nữa.

“Thị trường kinh doanh thì cạnh tranh khốc liệt, việc làm ăn thì không hề dễ dàng nhưng có những chi phí thì phải liên tục duy trì như dùng điện. Mỗi năm chúng tôi phải chi thêm gần 50 triệu nữa để được dùng điện – đây là con số khá lớn. Mọi chi phí phát sinh đều phải được tính chi li rồi lên kế hoạch tiêu dùng lại. Rất mệt”, anh Long nói.

Hệ lụy của việc tăng giá điện lên gần 9% chính là sự kêu than của người dân và doanh nghiệp vì lo lắng điều này sẽ kéo theo mọi dịch vụ khác sẽ đồng loạt tăng giá, gây áp lực lên cuộc sống của họ.

Tăng giá điện ai được lời?

Trái ngược với sự lo lắng của nhiều người, thì anh Minh (Đông Anh, Hà Nội) lại cảm thấy khá vui vẻ với việc điều chỉnh tăng giá điện của Bộ Công thương. Lý do rất đơn giản, anh kinh doanh bán đồ gỗ nên khi nghe tin giá điện tăng anh đã tranh thủ tăng giá bán sản phẩm của mình.

“Mỗi tháng xưởng gỗ của tôi tiêu tốn hết có 2 triệu đồng tiền điện vì tính theo giá dân. Giá điện tăng nên chúng tôi cũng tăng giá bán của mình lên 10%, nếu so với  với giá điện cần phải đóng thêm thì tôi đang có lãi nhiều. Vì mặt hàng tôi bán là hàng tầm trung, nên có thể điều chỉnh giá dễ hơn so với các xưởng sản xuất đồ gỗ giá rẻ. Tính chi phí phải bỏ thêm khi các dịch vụ sinh hoạt khác cũng tăng thì nó cũng không thấm vào đâu so với số tiền tôi thu lại được”, anh Minh nói.

Để chứng minh cho lời mình nói, anh Minh lấy ví dụ, một bộ bán ghế có giá 20 triệu đồng, tăng thêm 10% là 22 triệu đồng, anh lãi được thêm 2 triệu đồng. Với doanh thu trung bình 1 tháng hiện nay của xưởng khi tăng lên 10% cho tất cả các đơn hàng thì anh Minh cũng lãi được 1 con số không nhỏ nên anh đang tranh thủ giai đoạn này để khiến thêm tiền.

Tuy nhiên, anh Minh cũng nhận định, do thị trường cạnh tranh khốc liệt nên anh cũng chỉ "ăn theo" giá điện tăng được một thời gian, sau đó sẽ cân nhắc để điều chỉnh sao cho hợp lý chứ không thể tăng giá bán liên tục vì như vậy anh sẽ bị mất khách.

Giá điện chính thức tăng thêm 8,36% từ ngày 20/3. (Ảnh: Bảo Linh).

Giá điện chính thức tăng thêm 8,36% từ ngày 20/3.

Đồng ý với anh ý kiến của anh Minh, anh Thịnh (Thạch Thất, Hà Nội) cười nói với PV, nếu tính theo bài toán kinh doanh thì đúng là các đơn vị sản xuất tầm trung sẽ có chút lời nhưng không nhiều. Các đơn vị này cũng chỉ điều chỉnh giá ăn theo giá điện một thời gian chứ không giữ mãi được giá này.

“Nhà tôi cũng sản xuất gỗ, giá điện tăng nhưng bên vận chuyển cũng chưa thấy tăng giá, giá gỗ cũng không tăng nên về cơ bản nếu tôi tăng giá thêm 10% thì lãi tôi thu về khá cao. Nhưng chúng tôi lại phải chi cho những khoản tăng khác, nhất là sinh hoạt trong nhà”, anh Thịnh nói.

Việc điều chỉnh giá điện lần này, theo tính toán của Bộ Công Thương đối với khách hàng hộ gia đình sử dụng dưới 50kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng; khách hàng sử dụng 50-100kWh sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng; từ 100-200kWh phải trả thêm 31.000 đồng; 200-300kWh phải trả thêm khoảng 53.000 đồng; trên 400kWh sẽ phải trả thêm trung bình khoảng 77.000 đồng.

Tuy nhiên, khách hàng sử dụng điện ở mức thấp chiếm tỷ lệ rất cao. Thống kê cho thấy, sơ bộ trong khoảng 25 triệu khách hàng sinh hoạt trong đó dưới 100kWh vẫn chiếm đa số (chiếm 35,6%), trong khi lượng dùng trên 300 kWh/tháng chỉ chiếm 15% và trên 400 kWh/tháng chỉ 7,9%.

Câu chuyện tăng giá điện vẫn đang là vấn đề đang được mọi người quan tâm, nó sẽ có những diễn biến thay đổi nhưng có một thực tế chúng ta nhìn ra đó là "kẻ khóc người cười".