Thị trường bán lẻ: Nên ưu tiên doanh nghiệp nội tạo ra giá trị gia tăng cao
Cập nhật lúc: 02/04/2019, 04:01
Cập nhật lúc: 02/04/2019, 04:01
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang phát triển khá mạnh trong thời gian gần đây
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là cơ hội lớn cho ngành bán lẻ Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn từ ASEAN, bởi từ năm 2018, thuế suất nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm mạnh. Bên cạnh đó, tham gia các FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP chính là cơ hội để Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao. Tuy nhiên, đây cũng chính là thách thức đối với ngành bán lẻ nội địa khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Thời gian gần đây thị trường bán lẻ Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ khi chứng kiến làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục "đổ" vào ngành bán lẻ. Các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
DN ngoại hiện có nhiều phân khúc nhất tại thị trường bán lẻ Việt Nam là Tập đoàn Central Group từ Thái Lan với việc mua lại hệ thống siêu thị BigC, siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Ngoài ra, Central Group còn mở trung tâm mua sắm Robins, cửa hàng chuyên đồ thể thao Supersports tại Việt Nam.
Một tên tuổi khác dù đến sau nhưng cũng nhanh chóng ghi dấu ấn là Aeon (Nhật Bản) với việc đầu tư 3 trung tâm mua sắm phức hợp Aeon Mall và phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi thông qua việc mua lại thương hiệu Citimart. Tập đoàn đến từ Hàn Quốc là Lotte cũng đang được hiện diện ở phân khúc siêu thị với hệ thống Lotte Mart và kênh mua sắm trực tuyến là lottedatviet.vn.
Gần đây, tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp là Auchan cũng tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường bán lẻ Việt Nam bằng việc triển khai chuỗi siêu thị bán lẻ Simply Mart tại thị trường miền Bắc. Theo kế hoạch đến năm 2020, Auchan sẽ phủ kín khu vực phía Bắc với 20 siêu thị.
Xung quanh vấn đề phát triển ngành bán lẻ Việt Nam, Ths. Vũ Thị Hồng Phượng - Trường Đại học Thương mại cũng cho rằng: Việc đưa ra các chính sách ưu đãi là cần thiết để thu hút đầu tư nước ngoài, song cần ưu tiên DN nội (nếu không vi phạm các cam kết quốc tế), ưu đãi trước hết đối với trường hợp tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa mang lại lợi ích cho quốc gia vừa đảm bảo lợi ích của DN trong nước.
Về vấn đề cụ thể, theo bà Phượng, hiện nay, các DN bán lẻ ngoại đang có ưu thế trong việc đề xuất vị trí mặt bằng do đó cần tạo điều kiện thuận lợi hoặc công bằng giữa DN trong và ngoài nước trong việc tiếp cận địa điểm kinh doanh. Để bảo vệ và phát triển các DN bán lẻ trong nước, Việt Nam cần tận dụng triệt để quyền kiểm tra nhu cầu kinh tế (khi còn có thể) thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý, làm rõ tiêu chí mở điểm bán lẻ thứ hai trở để tránh nguy cơ thị trường bị các DN ngoại lấn sân, thôn tính.
Ngoài ra, một số chuyên gia nhìn nhận, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ các DN bán lẻ trong nước về chính sách vĩ mô, liên quan đến những mặt còn yếu của DN để rút ngắn khoảng cách với các DN ngoại như: Đào tạo đội ngũ quản lý và kỹ năng bán hàng; phát triển hệ thống logistic; hỗ trợ tín dụng, xây dựng thương hiệu; thông tin thị trường và nguồn hàng; tư vấn pháp lý trong việc liên kết các DN bán lẻ hoặc với nhà sản xuất, nhà phân phối...
04:01, 21/03/2019
11:00, 15/03/2019
02:49, 05/03/2019