Những hậu quả khủng khiếp của truyền thông "bẩn"
Cập nhật lúc: 06/04/2019, 06:01
Cập nhật lúc: 06/04/2019, 06:01
Truyền thông đang trở thành một trong những ngành nghề phát triển nhanh nhất hiện nay và nó có sức mạnh ảnh hưởng hết sức ghê gớm, đôi khi có cả những hậu quả không thể cứu vãn. Cụ thể như sau:
Những cơn “chấn động” về vệ sinh an toàn thực phẩm, về tình trạng ung thư của người Việt Nam hay nguy cơ tử vong ở trẻ mắc bệnh sởi khi không được tiêm phòng… đang hàng ngày “bám” theo cuộc sống mỗi người từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ. Lợi dụng điều này, nhiều đơn vị đã biến truyền thông thành công cụ để thực hiện ý đồ “bẩn” của mình.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nỗi sợ hãi là một bản năng tự nhiên của con người, giúp chúng ta phản ứng với các mối đe dọa để gia tăng khả năng sống sót. Đồng thời, nỗi sợ hãi tạo ra tính cấp bách và thúc giục con người phải hành động để thay đổi hiện trạng. Cách tốt nhất là “xì” tiền ra để mua những loại sản phẩm được quảng cáo là “sạch” để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và gia đình.
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long – người sáng lập truyền thông Trăng đen, ảnh hưởng đầu tiên của truyền thông "bẩn" là túi tiền người tiêu dùng. Những doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng, dịch vụ khám chữa bệnh sẽ nhắc tới toàn bệnh tật, chết chóc nên sẽ khiến người dân có tâm lý phòng còn hơn tránh, mua dùng cho ăn chắc. Nhất là những gia đình có bố mẹ già, các sản phẩm về xương khớp, tim, gan,… sẽ càng trở nên “hot”. Thậm chí, có người không cần dùng tới các sản phẩm này nhưng vẫn mua về uống.
Tâm lý này sẽ tác dụng lớn nhất tới những người bị bệnh hiểm nghèo, nan y không chữa được. “Những bệnh nhân chạy chữa bao nhiêu năm, rất tốn kém nhưng do tâm lý còn nước còn tát nên họ sẽ cố gắng mua. Tôi biết có những người chi cả 40 – 50 triệu đồng/ tháng cho tiền mua thuốc, không phải bởi họ giàu mà vì nghĩ rằng, tính mạng con người là trên hết”, ông Nguyễn Đức Hòa, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai nói.
Ảnh hưởng thứ 2 của truyền thông “bẩn” đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng chính là sức khỏe. Theo một bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, có những trường hợp may mắn thì mua được thuốc tốt, nhưng nếu mua phải thuốc giả hoặc công dụng của nó không như quảng cáo thì sẽ khiến sức khỏe ngày càng giảm sút. Nó còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
“Có những trường hợp chúng tôi đang điều trị cho bệnh nhân thì họ bỏ liệu trình chữa bệnh để tin theo lời của hàng xóm, bà bán nước, ông xe ôm,… ở đâu đó mách có người này hay thuốc kia chữa khỏi bệnh. Kết quả một thời gian sau, tình trạng tồi tệ hơn nên họ đành phải quay lại. Lúc này, người bệnh phải điều trị theo liệu trình từ đầu, mất công, mất thời gian cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân, thậm chí bệnh của họ còn bị nhờn thuốc, mất thêm tiền bạc mà hiệu quả chữa bệnh lại không cao", vị bác sĩ cho biết thêm.
Bổ sung ý kiến trên, bác sĩ Nguyễn Đức Hòa chia sẻ: "Tôi gặp nhiều bệnh nhân bị gãy xương và yêu cầu họ bó bột hoặc phẫu thuật nhưng họ lại không thực hiện mà về đắp lá cây, uống thuốc gì đó, như vậy rất nguy hiểm. Mục đích bó bột và phẫu thuật để sắp xếp xương đúng vị trí, giúp lành nhanh hơn để không gây ra những biến chứng, dị tật, ảnh hưởng tới thẩm mỹ của xương".
Đánh mất niềm tin của người tiêu dùng là một trong những hậu quả khủng khiếp nhất của truyền thông “bẩn”. Ông Nguyễn Đồng Anh, giảng viên Khoa Truyền thông quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam cho rằng, khi bị phát hiện làm truyền thông "bẩn" thì cái giá phải trả của doanh nghiệp cũng lớn chứ không đơn giản như bị ghét hay bị chê và mất đi rồi thì xây dựng lại sẽ rất khó.
“Niềm tin chính là tài sản của một con người, doanh nghiệp, mất đi cái đó chính là mất một lượng khách hàng lớn. Truyền thông là con dao 2 lưỡi nên về lâu về dài, một doanh nghiệp muốn kinh doanh bền vững, trường tồn thì họ cần có những định hướng chiến lược truyền thông nhất định, không nên sử dụng những công cụ mà nó không tốt, không lành mạnh”, ông Anh nói.
Ngoài ra, trên phương diện của người làm nghề y, bác sĩ Hòa lấy ví dụ điển hình, bác sĩ kê đơn hẳn hoi nhưng khi người bệnh ra hiệu thuốc mua phải loại thuốc giả uống không đỡ thì không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, niềm tin của bệnh nhân mà nó còn ảnh hưởng tới cả uy tín của bác sĩ, cao hơn là bệnh viện, ngành y. Như vụ thuốc chống ung thư giả nổi tiếng năm 2017, khi thông tin được đưa ra đã gây hoang mang cho dư luận và xã hội. Một loại thuốc quan trọng như vậy mà còn được Bộ Y tế cấp phép bán thì người dân còn biết tin vào đâu?
Theo đánh giá của chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long – người sáng lập truyền thông Trăng đen, trong vấn đề bệnh tật, có một vấn đề rất quan trọng là tâm bệnh, vậy mà ngày nào họ phải coi những thông tin về bệnh tật thì tất nhiên những người này sẽ nghĩ “mình cũng có dấu hiệu đó, mình bị bệnh thật rồi”,... Nhưng nhiều người không có tiền mua nên lo lắng và ảnh hưởng tới tinh thần. Điều này sẽ khiến cuộc sống của họ tệ hại hơn.
“Không chỉ dừng lại ở đó, đối với Tây y, khi chữa bệnh theo các nghiên cứu, phương pháp khoa học song bệnh nhân khi tin vào một loại thuốc thần dược nào đó thì họ sẽ bỏ qua các phương pháp điều trị khoa học. Ví dụ, bệnh nhân có một khối u trong người, theo y học phải cắt bỏ, xạ trị hay hóa trị nhưng họ không tin mà lại đi uống một loại thực phẩm chức năng nào đó. Hậu quả là “thời điểm vàng” đã đi qua mất, có khi còn rơi vào hoàn cảnh nguy kịch, lúc đó sẽ càng khiến bệnh nhân và người nhà hoảng loạn hơn mà thôi”, bác sĩ Hòa nói.
Đây là lời khẳng định về một trong những hậu quả liên quan đến truyền thông "bẩn" của giảng viên Nguyễn Đồng Anh (Học viện Ngoại giao Việt Nam). Theo ông Anh, các doanh nghiệp, tổ chức làm truyền thông có mục đích trong sáng họ rất e dè với mạng xã hội, truyền thông "bẩn". Xã hội có người tốt, người xấu thì trong lĩnh vực này cũng vậy. Truyền thông “bẩn” đang dần trở thành một ngành kinh doanh.
“Nó diễn ra ở nhiều góc độ cá nhân, doanh nghiệp, thậm chí có những thời điểm truyền thông trở thành công cụ để bôi xấu làm tổn hại đến những những hình ảnh của những chính trị gia, lãnh đạo. Đó đều là những dấu hiệu không được trong sạch của ngành truyền thông”, ông Anh phân tích.
Còn theo PGS.TS. Lê Thanh Bình, Nguyên Phó Đại sứ tại Na Uy, nguyên Trưởng khoa Truyền thông quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam, các doanh nghiệp đánh nhau thì họ sẽ sử dụng truyền thông làm phương tiện để dựng lên những câu chuyện, dùng thủ đoạn để hạ bệ đối phương.
“Hiện nay, có những loại thực phẩm chức năng, thuốc được nghiên cứu và có tác dụng nhất định, được quảng cáo thì họ sẽ vẫn bán được nhưng nếu bị cạnh tranh bằng cách sử dụng truyền thông "bẩn" thì nó vẫn sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp này. Với những doanh nghiệp mạnh thì sẽ vẫn vượt qua nhưng với những doanh nghiệp mới thành lập hoặc doanh nghiệp nhỏ thì có thể sẽ bị những đối thủ, đơn vị sử dụng truyền thông "bẩn "đánh sập”, ông Bình nhấn mạnh.
Dù sử dụng bằng cách nào thì ảnh hưởng lớn nhất của truyền thông “bẩn” chính là người tiêu dùng. Chính vì vậy, truyền thông “bẩn” cần phải bị tẩy chay, lên án. Dù trên bất kỳ phương diện nào, nghề nghiệp hay đạo đức, truyền thông "bẩn" đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng đều là điều sai trái.
06:00, 01/04/2019
06:01, 28/03/2019
06:01, 27/03/2019