29/03/2024 | 06:19 GMT+7, Hà Nội

Choáng váng khi thực phẩm chức năng bị thổi phồng như "thần dược"

Cập nhật lúc: 05/04/2019, 06:00

Truyền thông "bẩn" đánh vào nỗi sợ hãi của người người tiêu dùng khiến nhiều người tin một cách mù quáng rằng, thực phẩm chức năng chẳng khác nào “thần dược” chữa được bách bệnh.

Thị trường thực phẩm chức năng như "trăm hoa đua nở"

Mới đây, chúng tôi đã đăng tải một loạt bài viết về vấn đề truyền thông “bẩn” đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng, tình trạng này ngày càng biến tướng khiến người dân rơi vào ma trận thông tin thật – giả lẫn lộn và niềm tin vào sản phẩm, đạo đức nghề nghiệp bị giảm sút trầm trọng. Tình trạng này diễn ra ở mọi lĩnh vực và ở mọi ngành nghề nhưng điển hình nhất là trong ngành y – lĩnh vực mà người dân thường dành trọn niềm tin. 

Khát khao sống của con người vô cùng mãnh liệt, nhất là khi bị mắc bệnh hiểm nghèo, đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, mọi người thường sẽ tìm đủ mọi cách để cứu vãn tình hình. Lợi dụng vấn đề này nhiều cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp đã thi nhau bán thuốc, thực phẩm chức năng không được nghiên cứu, kiểm nghiệm một cách khoa học và nó trở thành một trào lưu bán hàng, nhất là trên mạng xã hội. Tồi tệ hơn, họ đã sử dụng truyền thông “bẩn” như một công cụ để quảng cáo, tuyên truyền, PR sai sự thật về sản phẩm, thổi phồng và biến nó thành "thần dược".

 Mạng xã hội đang là công cụ hữu hiệu để truyền thông bẩn

 Mạng xã hội đang là công cụ hữu hiệu để truyền thông bẩn "tung hoành"

Nói về vấn đề này, một bác sĩ của Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an chia sẻ, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm được chiết xuất, nghiên cứu nghiêm ngặt, quy trình đoàng hoàng, nhưng thị trường thuốc và thực phẩm chức năng như "trăm hóa đua nở". Do quản lý của Nhà nước còn lỏng lẻo nên các đơn vị sản xuất muốn công bố các sản phẩm cũng rất dễ dàng. Về cơ bản, họ chỉ cần xét nghiệm không có chất độc hại là có thể công bố được sản phẩm. Hiện nay, trên thị trường có những sản phẩm đang được sản xuất tràn lan như diệp hạ châu, cà gai leo, mầm đậu nành… với những lời quảng cáo có cánh là giúp đẹp da, mát gan, bổ gan, bổ thận...

“Tôi đã từng mua thử sản phẩm diệp hạ châu của một đơn vị, họ đóng vào viên nang hẳn hoi và người ta hướng dẫn mỗi ngày uống một vài viên. Khi bẻ thử viên thuốc đó ra và theo quan sát ban đầu tôi nhận thấy nó chỉ là lá diệp hạ châu xay ra rồi đóng thành viên nhưng cũng chỉ xay vụn mà thôi. Thuốc uống vào thấy đắng đắng. Bản thân lá cây này có tác dụng chữa bệnh nhưng với liều lượng quá ít như họ bán thì uống đến bao giờ mới có tác dụng? Thành phần diệp hạ châu trong một thang thuốc bình thường cũng phải 12 – 16g, nên không có chuyện chỉ với một viên nang bé vậy lại có tác dụng như họ quảng cáo”, vị bác sĩ này chia sẻ.

Rất nhiều sản phẩm diệp hạ châu được quảng cáo trên mạng xã hội

Rất nhiều sản phẩm diệp hạ châu được quảng cáo trên mạng xã hội

Như vậy, dựa vào thời điểm “vàng” khi những vụ việc về thực phẩm bẩn được công an, báo chí phanh phui, số lượng người mắc bệnh hiểm nghèo ngày càng tăng…, các đơn vị bán thuốc đã nhanh chóng sử dụng truyền thông “bẩn” làm công cụ đánh vào nỗi đau của người tiêu dùng, khiến một bộ phận không nhỏ người dân tin theo và lựa chọn sản phẩm một cách mù quáng.

Những chiêu trò lừa gạt của truyền thông “bẩn”

Để bán được những sản phẩm của mình, các cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và bán thực phẩm chức năng đã sử dụng những chiêu để trò lừa gạt những người không am hiểu về thuốc. 

Dưới góc nhìn của PGS.TS. Trần Thị Oanh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên, nguyên Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo Bộ Y tế, truyền thông là một thông điệp mà người sản xuất ra sản phẩm đó muốn người tiêu dùng hiểu được sản phẩm đó có tác dụng như thế nào. Với người sản xuất ra sản phẩm thì đương nhiên họ phải rất tin tưởng vào thành quả của mình nên họ truyền tinh thần vào sản phẩm, truyền sang ngôn ngữ của người sử dụng, cho nên đôi khi nói đi quá giới hạn cho phép, trong đó đặc biệt là thuốc.

 PGS.TS. Trần Thị Oanh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo Bộ Y tế

 PGS.TS. Trần Thị Oanh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo Bộ Y tế

Còn theo ông Nguyễn Đức Hòa, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, trong chuyên ngành nha khoa của ông, có rất nhiều phương pháp trị bệnh dân gian như ngậm muối, lá trầu không, nhét lá bàng vào trong răng, ngậm rượu,… ngoài ra còn có một số hình thức như bắt con sâu và rất nhiều người đã tin đó là thật song đây chỉ là hình thức lừa đảo.

“Tuy chỉ là những cách chữa bệnh dân gian nhưng lại được rất nhiều người tin dùng, có những gia đình còn phát triển thành thành nghề gia truyền, chế phẩm thành thuốc rồi quảng cáo để bán. Theo tôi có thể có một số loại cây cỏ có tác dụng nào đó đối với những người bị sâu răng nhưng theo khoa học về bản chất bệnh này là một hiện tượng bị mất tổ chức của răng do vi khuẩn tạo ra một môi trường PH, tạo axit và axit ăn mòn răng. Các yếu tố khiến răng bị sâu là vi khuẩn, đường, nước bọt, mảng bám, chứ không có con sâu. Điều này rất hoang đường”, bác sĩ Hòa nói.

Không chỉ áp dụng truyền thông sai sự thật về bệnh này, mà nhiều bệnh khác cũng được các đơn vị kinh doanh lợi dụng để lừa người dân. Bác sĩ của Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an cho rằng, thực phẩm chức năng không phải là thuốc để điều trị bệnh, nó chỉ có tác dụng hỗ trợ sức khỏe. Tuy nhiên, vì những lời quảng cáo thái quá, lại đánh vào nỗi sợ hãi của con người nên nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để mua bằng được chúng.

Nhiều đơn vị sản xuất viên thuốc bé tí tẹo, lại không có thêm các thành phần khác và trong trường hợp không có kiểm tra, nghiên cứu đầy đủ mà đưa cho khách uống rồi quảng cáo bảo có tác dụng hiệu quả triệt để - điều này là không tưởng. Họ luôn sử dụng những lời lẽ, bài viết, hình ảnh, video bắt mắt để lừa người dân", vị bác sĩ này chia sẻ.

Theo các chuyên gia, bác sĩ, các đơn vị sản xuất và bán thuốc đang sử dụng rất nhiều chiêu trò để lừa gạt người tiêu dùng, tăng cái lợi và giảm cái hại của sản phẩm khiến cho người tiếp nhận thông tin sẽ bị sai lệch, không khách quan, đôi khi còn trở thành mù quáng.

Nguyên nhân khiến người dân mù quáng tin vào truyền thông “bẩn”

Ngoài những cách truyền thông “nói quá” so với sự thật, thì có một hình thức khiến cho truyền thông “bẩn” như con virus lây lan và không ngừng đi sâu, len lỏi vào mọi ngõ ngách để “hút máu” người dân mà nhiều người không hay biết.

Theo PGS.TS. Trần Thị Oanh, truyền thông không đúng ảnh hưởng mạnh mẽ tới con người. Truyền thông có nhiều cách, truyền thông có thể qua các kênh tivi hoặc qua các kênh quảng cáo chính thống và không chính thống như truyền miệng và để lại nhiều hệ lụy. Ví dụ, trong những năm gần đây, có nhiều bé dùng thuốc cam bị ngộ độc chì thì đó là một hệ lụy truyền thông gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.

Tệ hại hơn chính là sự ăn dơ, móc nối của các đơn vị sản xuất thuốc với các bệnh viện và cửa hàng thuốc. Năm 2017, cơ quan chức năng khởi tố vụ án Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và Buôn lậu và Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức của một số thành viên Công ty VN Pharma. Vụ việc gây rúng động dư luận khiến người dân vô cùng hoang mang vì sản phẩm được làm giả là thuốc chữa bệnh ung thư - căn bệnh hiểm nghèo hiện nay chưa hề có biện pháp chữa khỏi. Chính cựu Tổng giám đốc công ty cổ phần VN Pharma Nguyễn Minh Hùng thừa nhận chi cho các bác sĩ và đưa thuốc vào các hệ thống bệnh viện hàng đầu Việt Nam.

Điều này được bác sĩ Nguyễn Đức Hòa chỉ rõ như sau, hiện nay có rất nhiều bác sĩ hay trình dược viên bán thuốc nhận được phần trăm hoa hồng khi bán một sản phẩm nào đó cho các hãng sản xuất thuốc, nên nhiều khi thuốc bác sĩ kê cho không phải lúc nào cũng là tốt nhất, bởi nó còn liên quan đến kinh tế.

“Ngoài ra, nguyên nhân còn có thể do người dân không tìm hiểu kỹ hoặc họ bị chính những người bán sản phẩm đó lừa. Cụ thể như mẹ tôi đây, có một ngày bà ở nhà một mình thì có đối tượng đến làm quen rồi tư vấn mua thuốc viêm màng bồ đào, may mà tôi về kịp can ngăn không thì bà đã mua rồi. Tôi thấy hình thức kinh doanh này giống kiểu đa cấp, đơn vị này sẽ chi một số tiền rất lớn cho những người trực tiếp quảng cáo và bán hàng”, bác sĩ Hòa nói.

Truyền thông “bẩn” đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng đang bị biến tướng theo nhiều hình thức khiến người dân bị tung hỏa mù rơi vào ma trận thông tin thật – giả không lối thoát. Họ lợi dụng nỗi đau và niềm tin của người tiêu dùng để vụ lợi cho bản thân. Đây là những hành vi, câu chuyện đáng bị lên án và tẩy chay.