24/01/2025 | 16:39 GMT+7, Hà Nội

Những dự báo khả quan về tình hình phát triển của Việt Nam trong năm 2022

Cập nhật lúc: 04/07/2022, 13:45

Các tổ chức lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á... đều có chung nhận định khả quan về việc phát triển của Việt Nam trong năm 2022.

Dự báo của Ngân hàng Thế giới

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2022, WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,8% trong năm 2022, cao hơn so với dự kiến tăng trưởng của Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Thái Lan.

Trong bản tin Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2022, WB nhận định nền kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và U-crai-na, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 10,4% so cùng kỳ năm 2021. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng vọt từ 51,7 điểm trong tháng 4 lên 54,7 điểm trong tháng 5, mức cao nhất trong 12 tháng qua, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của ngành này. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng này tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng trong nước. Khoảng 173.000 lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam trong tháng 5/2022, cao hơn khoảng 70% so với tháng 4/2022 và là con số cao nhất kể từ tháng 4/2020, tuy vẫn chưa bằng 16% con số ghi nhận trước đại dịch. Về xuất nhập khẩu, sau 3 tháng tăng tốc, tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 25,2% (so cùng kỳ năm trước) vào tháng 4 xuống còn 18% trong tháng 5, trong khi tăng trưởng nhập khẩu tiếp tục đi ngang với tốc độ 14,6% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 5, và giảm so với tốc độ 16,5% vào tháng 4/2022.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cũng giảm tháng thứ 4 liên tiếp (vốn FDI đăng ký trong tháng 5 đạt 879 triệu USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020 và thấp hơn gần 50% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, vốn FDI giải ngân ghi nhận chuỗi 6 tháng tăng liên tiếp (vốn FDI thực hiện trong tháng 5 vẫn tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, giúp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 16,9% (so cùng kỳ năm trước) trong khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm mạnh từ 1,73% tại thời điểm cuối tháng 4 xuống chỉ còn 0,33% vào cuối tháng 5, là dấu hiệu cho thấy thanh khoản đang dồi dào.

Cũng trong báo cáo, WB cho rằng Việt Nam cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tăng. Điều này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước. Các chuyên gia cho rằng cần có những biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.

Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 4/2022, IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 đạt mức 6%. Tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức ngày 12/5/2022, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng Việt Nam đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, giúp cho việc chuyển hướng chiến lược sang sống chung với Covid-19. Kể từ khi nới lỏng các hạn chế, việc di chuyển đã được cải thiện và sự phục hồi kinh tế vẫn đang tiếp diễn, được hỗ trợ bởi các chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng. Đặc biệt, việc ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là kịp thời và phù hợp để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.

Vẫn sẽ có những rủi ro và sự bất định đáng kể đối với triển vọng kinh tế Việt Nam. Rủi ro đối với tăng trưởng nghiêng về phía tăng trưởng chậm lại, trong khi rủi ro đối với lạm phát nghiêng về phía tăng lạm phát. Trong ngắn hạn, rủi ro bên ngoài trước mắt là sự gia tăng căng thẳng địa chính trị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế và lạm phát do cầu bên ngoài yếu hơn, giá hàng hóa cao hơn và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài. Tăng trưởng chậm lại đáng kể ở Trung Quốc có thể làm điều này nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, còn các rủi ro khác liên quan đến những biến thể của Covid-19, việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn chưa hồi phục hoàn toàn và những rủi ro làm suy giảm tăng trưởng còn hiện hữu, cần có hỗ trợ chính sách để giúp đảm bảo phục hồi mạnh mẽ. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần chủ động điều chỉnh quy mô và cấu phần hỗ trợ chính sách để phù hợp với tốc độ phục hồi. Để đối phó với áp lực lạm phát, cần tăng cường sử dụng chính sách tài khóa. Ngoài ra, cần cải cách cơ cấu một cách quyết liệt để đạt được khát vọng của chính phủ về tăng trưởng bền vững, bao trùm. Cần cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách tạo một sân chơi bình đẳng trong việc tiếp cận tài chính và đất đai, đồng thời giảm bớt gánh nặng pháp lý, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp non trẻ. Cần có những nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng lực lượng lao động và giảm tình trạng không đạt yêu cầu về kỹ năng lao động.

Dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á

Theo ADB, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 được dự báo đạt 6,5% khi nền kinh tế dần phục hồi nhờ tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cao, sự chuyển đổi sang cách tiếp cận ngăn chặn đại dịch linh hoạt hơn, mở rộng thương mại và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ.

Các biện pháp tiền tệ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ cung cấp thêm thanh khoản cho nền kinh tế thông qua việc các tổ chức tín dụng dự kiến giảm 0,5% -1,0% lãi suất cho vay trong năm nay và năm sau, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp cứu trợ tín dụng đến hết năm 2023. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến năm 2022 là 14%. Cắt giảm lãi suất và phục hồi nhu cầu tín dụng từ các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ đạt được mục tiêu này.

Thị trường lao động phục hồi và các biện pháp kích thích khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở mức 9,5% vào năm 2022, đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Sản lượng nông nghiệp được dự báo sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm nay, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP nhờ nhu cầu trong nước phục hồi và giá hàng hóa toàn cầu tăng. Chính sách mở cửa trở lại du lịch của chính phủ được thực hiện vào tháng 3 và dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dịch vụ, với dự báo lĩnh vực này tăng trưởng 5,5% và đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2022.

Xuất khẩu hàng hóa được dự báo sẽ tăng 8% -10% trong năm 2022. Nhập khẩu sẽ tăng do nhu cầu về tư liệu sản xuất và các yếu tố đầu vào sản xuất tăng, đồng thời tiêu dùng trong nước cũng phục hồi. Sự phục hồi của du lịch và lượng kiều hối bền vững sẽ hỗ trợ thặng dư tài khoản vãng lai, dự báo ở mức 1,5% GDP trong năm 2022.

Nguồn: https://ngaynay.vn/nhung-du-bao-kha-quan-ve-tinh-hinh-phat-trien-cua-viet-nam-trong-nam-2022-post122445.html