19/01/2025 | 06:10 GMT+7, Hà Nội

Nếu kinh tế Việt Nam tăng trưởng GDP 6,5%, ngành hàng không sẽ tăng trưởng 20%

Cập nhật lúc: 21/05/2022, 07:18

Nhiều chuyên gia tin rằng, dự báo mức tăng trưởng kinh tế từ 6 – 6.5% của Việt Nam vào năm 2022 sẽ là cơ sở giúp mức tăng trưởng của ngành Hàng không đạt 15 – 20% so với năm 2021.

Bức tranh xám xịt của ngành hàng không trong đại dịch COVID-19

Kể từ thời điểm Covid-19 xảy ra, nền kinh tế của Việt Nam và thế giới đã chứng kiến được sự đi xuống rất nhanh. Trong đó, ngành Hàng không được cho là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và trải qua giai đoạn bi đát nhất lịch sử. 

Do diễn biến dịch Covid-19 vô cùng phức tạp, Chính phủ đã hạn chế hoặc cấm các chuyến bay thương mại quốc tế đến Việt Nam kể từ tháng 3/2020. 

Hoạt động khai thác các chuyến bay nội địa cũng không còn nhộn nhịp do tâm lý e ngại của người dân trong và sau các đợt bùng phát dịch.

Nhiều chuyên gia tin rằng, dự báo mức tăng trưởng kinh tế từ 6 – 6.5% của Việt Nam vào năm 2022 sẽ là cơ sở giúp mức tăng trưởng của ngành Hàng không đạt 15 – 20% so với năm 2021.
Nhiều chuyên gia tin rằng, dự báo mức tăng trưởng kinh tế từ 6 – 6.5% của Việt Nam vào năm 2022 sẽ là cơ sở giúp mức tăng trưởng của ngành Hàng không đạt 15 – 20% so với năm 2021.

Trong năm 2021, số lượng chuyến bay khai thác giảm 43.4% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp đầu ngành như Vietnam Airlines và VietJet Air cũng ghi nhận mức giảm lần lượt là 47.5% và 53.2%.

Đặc biệt, vận chuyển hành khách quốc tế năm 2021 ước tính đạt 500 nghìn khách, giảm 93% so với năm 2020. Vận chuyển hành khách bằng đường hàng không thường chiếm tỷ trọng khoảng 1% trong tổng số lượt khách vận chuyển của tất cả các phương tiện vận chuyển hành khách. 

Thêm vào đó, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động di chuyển của người dân bằng phương tiện hàng không càng hạn chế. Vì vậy, tỷ trọng vận tải hành khách bằng đường hàng không giảm xuống chỉ còn khoảng 0.6%. 

Trong khi đó, vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đạt xấp xỉ 1.1 triệu tấn hàng hóa, tăng 21.3% so với năm 2020. 

Theo cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã phải dùng máy bay để vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách.

Triển vọng hồi phục

Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang dần bước sang giai đoạn bình thường mới. Tuy số lượng ca nhiễm Covid-19 vẫn có thể tăng lên, nhưng cách nhìn nhận và xử lý đối với dịch Covid-19 đang thay đổi từ hướng đại dịch sang một bệnh đặc hữu.
 Giờ đây, các đối tượng F1 chỉ cần cách ly tại nhà trong nhiều nhất 7 ngày, cũng như các trường hợp F0 đã có thể tự cách ly tại nhà và quay lại nhịp sống bình thường khi đã cách ly, điều trị đủ 7 ngày kèm kết quả xét nghiệm âm tính. 

So sánh với con số 21 ngày với F1 hay 30 ngày với F0 vào tháng 9/2021, có thể thấy được bước chuyển đổi từ giai đoạn cấp tính sang giai đoạn thích nghi và sống chung với đại dịch một cách rõ ràng.

Theo dòng xu hướng thích ứng và sống chung với đại dịch, các đường bay quốc tế đang dần được nối lại ngay từ những ngày đầu của năm mới. 

Theo kế hoạch đã được Chính phủ chấp thuận thí điểm, bắt đầu từ tháng 1/2022, các chuyến bay quốc tế tới các thị trường có hệ số an toàn cao như Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc),… sẽ được phép cất cánh lại.

Virac, một đơn vị nghiên cứu thị trường tại Việt Nam dự báo mức tăng trưởng kinh tế từ 6 – 6.5% của Việt Nam vào năm 2022 sẽ là cơ sở giúp mức tăng trưởng của ngành Hàng không đạt 15 – 20% so với năm 2021. 

Theo đó, nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa phát triển kinh tế thì ngành Hàng không Việt Nam sẽ từng bước hồi phục, mở ra hy vọng về một tương lai 2022 từng bước phục hồi và tăng trưởng cùng ngành Hàng không thế giới.

Triển vọng vận tải hàng hóa bằng đường hàng không được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển vào năm 2022. 

Cụ thể, chuỗi logistic container vẫn bị gián đoạn và nguồn cung không đáp ứng đủ, đi cùng với các hoạt động làm đầy hàng tồn kho của các nhà bán lẻ buộc họ phải lựa chọn vận tải hàng không là phương án giải quyết.

Cũng theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), vận tải hàng không Việt Nam sẽ quay về mức 70 – 75% (so với giai đoạn trước khi đại dịch xảy ra), trong đó, vận tải quốc tế của Việt Nam sẽ đạt khoảng 20 – 25% so với trước dịch và tăng dần vào quý IV/2022.

Với viễn cảnh tươi sáng cùng nhiều yếu tố kinh tế – xã hội thuận lợi, khả năng mở cửa trở lại toàn bộ đường bay quốc tế trong nửa cuối năm 2022 là rất cao. 

Theo dự đoán, khi mà các chuyến bay tới các địa điểm có hệ số an toàn từ cao đến trung bình thí điểm thành công trong quý I và II/2022, các chuyến bay quốc tế sẽ dần được nối lại theo từng giai đoạn ở quý III và IV/2022. 

Ngành Hàng không Việt Nam đang từng bước sẵn sàng để phục vụ thật tốt tệp khách hàng nội địa, đồng thời chào đón lại tệp khách hàng quốc tế đầy hứa hẹn.

Nguồn: https://congluan.vn/neu-kinh-te-viet-nam-tang-truong-gdp-65-nganh-hang-khong-se-tang-truong-20-post195447.html