18/01/2025 | 14:37 GMT+7, Hà Nội

Những cách thức giúp con giỏi ngoại ngữ ngày từ bé

Cập nhật lúc: 28/02/2016, 07:18

Khoa học đã chỉ rõ rằng, 3 năm đầu đời là khoảng thời gian mà khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển mạnh mẽ nhất. Đó là lúc mà trẻ có thể học cùng một lúc vài thứ ngôn ngữ mà không gặp bất kì khó khăn nào.

Xem thêm:

1. 4 nguyên tắc dạy tiếng Anh hiệu quả cha, mẹ phải biết 
2. 6 phương pháp đơn giản giúp trẻ giỏi ngoại ngữ
 3. Vì sao trẻ thông minh hơn nếu học ngoại ngữ từ sớm

Thời điểm tốt nhất để dạy con ngôn ngữ thứ 2 là lúc con học ngôn ngữ đầu tiên.

Nghe thì có vẻ không ổn vì nhiều người sẽ nói rằng: học nói tiếng Việt còn chưa sõi mà bày đặt ngoại ngữ gì… Ừ thì đúng vậy nếu như đó là một người lớn, đã trưởng thành mà nói tiếng Việt cũng không nói được cho tử tế thì đúng là đừng tính chuyện học ngoại ngữ mà làm chi cho mất công.

Nhưng với một đứa trẻ thì lại hoàn toàn khác. Khoa học đã chỉ rõ rằng, 3 năm đầu đời là khoảng thời gian mà khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển mạnh mẽ nhất.

Đó là lúc mà trẻ có thể học cùng một lúc vài thứ ngôn ngữ mà không gặp bất kì khó khăn nào. Bộ não của trẻ lúc này như một miếng mút hút nước rất nhanh, có thể tiếp thu mọi thông tin và lưu trữ lại cho quá trình phát triển sau này.

Với kinh nghiệm của 1 người dạy con nói cả 3 ngôn ngữ ngay từ khi còn trong bụng mẹ thì tôi thấy rằng, nếu cho con tiếp xúc với các ngôn ngữ khác ngay từ bé thì trẻ sẽ hình thành thói quen coi việc sử dụng các ngôn ngữ là như nhau chứ không có khái niệm thiên lệch tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ.

Đối với con tôi thì cả 3 ngôn ngữ đều là tiếng mẹ đẻ. Tất nhiên khi lớn lên, do môi trường và nhu cầu sử dụng, trẻ sẽ tự động hình thành sự thiên lệch giữa các ngôn ngữ.

Nhưng điều quan trọng là, từ nay tới lúc đó thì trẻ sẽ sử dụng các ngôn ngữ khác một cách tự nhiên mà không cảm thấy ngượng hay ngại ngùng trước mặt mọi người, chỉ vì đó là ngoại ngữ, thứ ngôn ngữ mà trẻ cảm thấy xa lạ.

Nếu bạn đã từng học ngoại ngữ thì chắc hẳn bạn biết rằng, nếu cứ ngại không dám nói thì bạn sẽ chẳng bao giờ học giỏi được.

Vậy thì dạy con bằng cách nào? Nếu vợ/chồng bạn là người nước ngoài thì điều này quá dễ dàng rồi. Nhưng nếu bạn không giỏi tiếng Anh, hay bạn không có điều kiện để cho con đi học với giáo viên bản ngữ thì sao?

Có nhiều cách mà bạn có thể chọn cho mình một vài phương pháp phù hợp với điều kiện của bản thân để giúp con có được một môi trường phát triển ngôn ngữ tốt nhất.

1. Tạo ra môi trường học tập ngẫu nhiên

Tức là trẻ cân phải được nghe, được tiếp xúc thường xuyên với ngôn ngữ đó.

Nếu bạn nói được tiếng Anh, hãy nói thường xuyên. Nếu bạn đang sống ở Việt nam thì bạn không cần phải lo lắng về việc con không nói được tiếng Việt. Con bạn có thể học nói tiếng Việt từ tất cả mọi người xung quanh. Việc bạn cần làm là nói tiếng Anh thường xuyên để con quen với việc nó sẽ phải sử dụng ngôn ngữ thứ hai

Bạn có thể e ngại rằng: tôi nói tiếng Anh không chuẩn, dạy con sai thì sau này khó sửa lắm. Thế bạn thấy người Sing, Mã Lai, Ấn nói tiếng Anh có chuẩn không?

Rất nhiều người cảm thấy kinh khủng khi phải nghe tiếng Anh từ họ đấy, tiếng Anh của người Việt nghe còn dễ chịu hơn cơ mà.

Ấy thế mà họ có ngần ngại tí nào khi giao tiếp với thế giới đâu, họ vẫn ưỡn ngực tự hào là đất nước nói tiếng Anh cơ. Nếu bạn biết mình còn kém thì hãy cố gắng tự trau dồi bản thân để dạy con được tốt hơn.

Khi nói tiếng Anh với con, hãy nói thật chậm, nghĩ thật kĩ để phát âm thật chuẩn. Trong suốt quãng thời gian dạy con thì chính bạn cũng là người bạn học, cùng đồng hành với con trên con đường học tập.

Bạn có thể bật những bài hát thiếu nhi và cùng học hát với con, nghe họ hát và cố gắng học cách phát âm chuẩn như họ. Tất cả mọi đứa trẻ đều vô cùng hạnh phúc khi được vui chơi cùng bố mẹ như vậy.

Còn nếu bạn hoàn toàn không biết tiếng Anh thì cũng không phải là không thể. Hãy cùng con nghe nhạc thiếu nhi bằng tiếng Anh và tự coi mình như một đứa trẻ cùng chơi với con, cùng tập hát với con.

Nếu có điều kiện, hãy mua những dụng cụ hay chương trình học tiếng Anh cho trẻ và cùng học với trẻ. Con bạn sẽ cảm thấy rất thích thú khi có bạn cùng học cùng chơi.

Bản thân tôi trước khi làm mẹ cũng có xem qua những bài hát thiếu nhi như vậy và cũng từng cảm thấy rất khó học. Nhưng sau khi làm mẹ, khi được cùng con vui đùa hát hò thì tôi lại cảm thấy rất dễ dàng.

Và đến giờ thì những giai điệu bài hát luôn ở trong đầu tôi. Khi nhìn thấy con nhện, tôi có thể ngay lập tức hát bài Izzy Bizzy spider, khi rửa tay cho con, tôi sẽ hát bài This is the way we wash our hands…

Con tôi luôn vô cùng thích thú và hát theo vui vẻ và bé cũng thuộc lời bài hát rất nhanh. Từ đó mà bé có vốn từ vựng rất phong phú.

2. Hãy dạy con từ mới

fbfg.jpg (370×365)

Khi bạn nói với con một từ mới bằng tiếng Việt thì hãy lặp lại từ đó bằng tiếng Anh. Sau vài lần bạn làm vậy thì trẻ sẽ hiểu ra rằng chúng có thể nói bằng 2 ngôn ngữ khác nhau với cùng một sự vật, và trẻ sẽ lặp lại y như vậy.

Như đã nói ở trên, trí não của trẻ có khả năng tiếp thu rất nhanh và lưu trữ lại. Khi bạn dạy con như vậy, tức là bạn đã giúp con có được vốn từ vựng gấp đôi.

Đừng lo nếu con bạn chưa nói ra những gì chúng học được bởi tất cả luôn được lưu trữ lại, một ngày nào đó, chúng sẽ làm bố mẹ ngạc nhiên khi bất chợt nói ra.

3. Đừng quá kỳ vọng

Mỗi đứa trẻ có một tốc độ phát triển khác nhau. Vì vậy đừng vội lo lắng khi thấy trẻ khác nói được nhanh hơn con mình. Trẻ có thể chưa nói ra được nhiều nhưng sự cố gắng của bạn sẽ giúp trẻ hiểu và quen với môi trường song ngữ.

Nếu mỗi tối trước khi ngủ, bạn đều nói với con Goodnight thì dù con chưa thể nói ra, nó cũng hiểu là bạn chúc con ngủ ngon. (Hát và đọc sách cho con trước khi ngủ có tác dụng rất lớn. Những lời nói, lời hát của bạn sẽ ở trong tâm trí của trẻ suốt cả đêm, trẻ sẽ mơ những giấc mơ như đang được trò chuyện vui chơi cùng mẹ).

**Đây là những bước đầu cho trẻ mới tập nói. Trong bài tới, tôi sẽ đề cập đến phương pháp giúp trẻ nâng cao khả năng ngôn ngữ.

**Có nhiều ý kiến nói rằng không nên cho trẻ xem Tivi hay máy tính quá sớm. Đúng là như vậy nếu bạn bật máy lên và kệ cho con tự ngồi xem một mình.

Nhưng nếu bạn ôm con, ngồi cách máy một khoảng cách an toàn, cùng hát và chơi với con trong khoảng 30 phút mỗi ngày thì chắc chắn sẽ không có hại gì bởi bạn đã giúp con có sự tương tác, trao đổi và giao tiếp ngôn ngữ.

Điều này hoàn toàn khác với việc trẻ ngồi nghe một mình một cách hoàn toàn thụ động, không có sự tương tác, dẫn đến chứng chậm nói, ngại nói ở trẻ.

Món quà mà bố mẹ trao tặng cho trẻ là sự phát triển toàn diện để trẻ có được tương lai tươi sáng, hãy chia sẻ thông tin này đến với mọi người nếu bạn thấy hữu ích...

Theo Tomokid