19/04/2024 | 23:50 GMT+7, Hà Nội

Nhìn lại toàn cảnh bức tranh kinh tế năm 2021: Khởi đầu cho sự tăng trưởng mới

Cập nhật lúc: 31/12/2021, 15:39

Mặc dù trải qua một năm đầy khó khăn, thế nhưng, kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận rất nhiều điểm sáng tích cực, tạo tiền đề tăng trưởng trong năm mới - năm 2022.

Năm 2021, đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Việt Nam. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên, trong quý III/2021, GDP của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm, giảm 6,17%. Kết thúc năm 2021, GDP ghi nhận mức tăng là 2,58%, đây là mức tăng trưởng rất thấp trong nhiều năm qua, còn thấp hơn cả năm 2020.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, hàng trăm nghìn doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đã phá sản, kéo theo hàng triệu người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp.

Mặc dù trải qua một năm đầy khó khăn, thế nhưng, kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận rất nhiều điểm sáng tích cực, tạo tiền đề tăng trưởng trong năm mới - năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế - xã hội nước ta vẫn duy trì tăng trưởng và đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực nhờ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Theo bà Hương, bức tranh kinh tế - xã hội 2021 có 11 điểm sáng và khởi sắc nổi bật. Cụ thể, thứ nhất: Hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý IV/2021 phục hồi mạnh mẽ: tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%. Riêng quý IV/2021 GDP tăng 5,22%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của năm 2021 đạt 2,58%. 

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,17%. Khu vực dịch vụ tăng 1,22%. 

Thứ hai: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế với tăng trưởng đạt  2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.   

Thứ ba: Sản xuất công nghiệp khởi sắc ngay sau khi các địa phương trên cả nước thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

Lạm phát cơ bản năm 2021 tăng 0,81%.
Lạm phát cơ bản năm 2021 tăng 0,81%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12/2021 ước tính tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, quý IV tăng 6,4%, đưa tốc độ tăng cả năm 2021 đạt 4,8% so với năm 2020 (năm 2020 tăng 3,3%); trong đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6% (năm 2020 tăng 4,8%).

Thứ tư: Hoạt động dịch vụ dần khôi phục trở lại: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2021 tăng 28,1% so với quý trước; vận chuyển hành khách tăng 48,4% và luân chuyển hành khách tăng 51,3%; vận chuyển hàng hóa tăng 31,8% và luân chuyển hàng hóa tăng 28,4%.

Thứ năm: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa duy trì tốc độ tăng cao, năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%; kim ngạch nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%, chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm đến 93,5% tổng kim ngạch (tăng 26,8% so với năm trước).

Cán cân thương mại hàng hóa năm 2021 xuất siêu 4 tỷ USD.

Thứ sáu: Quý IV/2021, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh:  cả về số doanh nghiệp,  số vốn đăng ký và số lao động. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới quý IV/2021 đạt 31,4 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205,1 nghìn lao động, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III/2021. 

Thứ bảy: Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt kết quả khả quan, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phục hồi:  

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước. Vốn FDI đăng ký mới đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. 

Thứ tám: Thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt kết quả khả quan: thu tính đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm. Chi khoảng 1.839,2 nghìn tỷ đồng, bằng 109% dự toán năm và đã tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh..

Thứ chín: Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với năm trước. Lạm phát cơ bản năm 2021 tăng 0,81%.

Thứ mười: Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm:  Tính đến ngày 23/12/2021, có 2,54 triệu lượt hộ với gần 9,94 triệu lượt nhân khẩu được hỗ trợ gạo.  

Thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội từ nguồn ngân sách và xã hội hóa với tổng trị giá gần 2,47 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 2,78 nghìn tỷ đồng; các đối tượng ưu đãi là người có công, thân nhân người có công với cách mạng là 4,42 nghìn tỷ đồng.

Mười một: Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng dịch Covid-19 thần tốc với quy mô lớn nhất từ trước đến nay: độ bao phủ vắc-xin đã tăng lên đáng kể từ đầu tháng 9.  

Đối với dân số từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin là 98,8% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 88,5%. Đối với dân số từ 12-17 tuổi, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin là 81% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 43,5%.

11 điểm sáng và khởi sắc này là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh quá trình phục hồi kinh tế thế giới có dấu hiệu chậm lại do sự xuất hiện các biến chủng mới; lạm phát toàn cầu tăng cao; đại dịch đã gây tắc nghẽn trong chuỗi giá trị toàn cầu làm tăng giá nguyên liệu sản xuất là thách thức không nhỏ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các quốc gia. 

Trong nước, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng Tư với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an sinh của người dân và phát triển kinh tế - xã hội. 

Trong khó khăn đó, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời, đúng lúc tháo gỡ khó khăn do khu vực doanh nghiệp, người sử dụng lao động, và người dân với đối tượng hỗ trợ được mở rộng. Việc mở rộng đối tượng hỗ trợ thể hiện sự bám sát thực tiễn để đưa chính sách và cũng tính nhân văn “Không để ai bị bỏ lại phía sau” của chính sách. 

Bà Hương dự báo, nhờ việc thích ứng trong điều kiện bình thường mới từ năm 2021 này sẽ giúp sang năm 2022 tình hình sẽ khả quan hơn dù dịch COVID-19 có thể chưa chấm dứt do sự xuất hiện khó lường của các biến chủng như Omicron khiến các ngành dịch vụ,  thị trường chưa thể khôi phục hoàn toàn. 

Nguồn: https://congluan.vn/nhin-lai-toan-canh-buc-trang-kinh-te-nam-2021-khoi-dau-cho-su-tang-truong-moi-post175119.html