23/11/2024 | 18:19 GMT+7, Hà Nội

Người Việt ăn 3kg thịt bò, uống 20 lít sữa/năm, quá thấp so với thế giới

Cập nhật lúc: 23/05/2019, 08:13

Mỗi người Việt ăn 3 kg thịt bò, uống 20 lít sữa/năm. Tuy nhiên, so với thế giới hiện sản lượng tiêu thụ sữa và thịt đỏ của Việt Nam còn rất thấp khi thế giới là 9kg thịt bò và 80 lít sữa//người/năm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, nhu cầu tiêu dùng trong nước về sản phẩm của gia súc ăn cỏ đang ngày càng tăng cao. Song song với đó, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng cũng tạo ra những cơ hội cho ngành gia súc ăn cỏ phát triển.

Kể cả không xảy ra dịch tả heo châu Phi thì ngành chăn nuôi hiện nay cũng phải tái cơ cấu lại do tỷ trọng heo đang lớn, gây mất cân đối, trong khi đại gia súc mới chỉ chiếm khoảng 7%.

nguoi viet an 3kg thit bo uong 20 lit suanam qua thap so voi the gioi
Nhu cầu sử dụng thịt bò và sữa của người Việt đang ngày càng tăng lên

Theo Bộ trưởng, so với thế giới thì hiện sản lượng tiêu thụ sữa và thịt đỏ của Việt Nam còn rất thấp. Cụ thể, người Việt tiêu thụ bình quân 3kg thịt bò và 20 lít sữa/người/năm, trong khi thế giới là 9kg thịt bò và 80 lít sữa/người/năm.

Hiện trong cơ cấu tiêu dùng sản phẩm thịt của Việt Nam, thịt heo chiếm đa số với gần 71%, thịt gia cầm chiếm 20,4%, thịt gia súc chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ với 8,6% trong tổng sản lượng thịt các loại.

Do đó, trong bối cảnh này, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Hiện trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc ăn cỏ đã có một số sản phẩm xuất khẩu chính ngạch như sữa và các sản phẩm từ sữa, da thỏ, nhung hươu.

Riêng về sữa, đến năm 2020, Trung Quốc cần tới 11 tỉ lít sữa nhưng ngành sữa Trung Quốc hiện tại còn non trẻ. Chi phí sản xuất cao cũng như hạn chế về nước và thức ăn sẽ tiếp tục tạo nên bất lợi cho ngành sản xuất sữa nội địa. Do đó việc Trung Quốc phải nhập khẩu các sản phẩm từ sữa chế biến là tất yếu, đây là cơ hội lớn cho ngành sữa Việt Nam .

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện so với ngành khác, chăn nuôi vẫn là ngành có kim ngạch xuất khẩu khiêm tốn nhất, trong khi thực tế cho thấy nếu không xuất khẩu được thì không tạo ra được động lực phát triển, không thúc đẩy được công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao giá trị.

Vì vậy, trong đề án tái cơ cấu căn bản toàn diện ngành nông nghiệp trong tương lai. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp đặt mục tiêu Việt Nam phải là quốc gia mạnh trên thế giới về nông nghiệp và chăn nuôi phải đóng vai trò chính.