19/01/2025 | 15:20 GMT+7, Hà Nội

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,31%

Cập nhật lúc: 01/05/2019, 02:00

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, tăng 1,0% so với tháng 12/2018, tăng 2,93% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,31% (Ảnh minh họa)

Bình quân bốn tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Có 9 trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá. Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 4,29%; nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 0,6%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,1%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,06%; giáo dục tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%. 

Có 2 nhóm hàng giảm giá là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,57%; bưu chính viễn thông giảm 0,07%. 

Theo Tổng cục Thống kê, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 4 năm 2019 là do giá xăng dầu điều chỉnh tăng liên tiếp vào 2 đợt trong tháng. 

Giá vé các loại tăng do nghỉ Lễ; giá điện tăng theo Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 20/3/2019 nên chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,85% so với tháng trước…

Ở chiều ngược lại, các nguyên nhân giảm đà tăng CPI tháng 4 là giá thịt lợn giảm do lo ngại người tiêu dùng khi dịch tả lợn châu Phi đang lây lan tại nhiều tỉnh, thành phố… Giá các loại đường, rau củ quả cũng gỉam do nguồn cung dồi dào.

Tổng cục Thống kê cũng tính toán, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 4 năm 2019 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 1,88% so với cùng kỳ; bốn tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ tăng 1,84%.

Tháng 4 năm 2019, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do giá xăng dầu, điện tăng. Lạm phát cơ bản 4 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ ở mức 1,84% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.