19/01/2025 | 02:29 GMT+7, Hà Nội

Người tiêu dùng Việt hoài nghi và thận trọng hơn trước quảng cáo, khuyến mãi

Cập nhật lúc: 11/07/2017, 10:46

Khảo sát về "Phong cách sống của người tiêu dùng Việt ngày nay" do Kantar Worlpanel công bố mới đây cho hay, người tiêu dùng Việt đang hoài nghi nhiều hơn về các yếu tố ảnh hưởng xung quanh họ, chẳng hạn như tin tức, quảng cáo, truyền miệng hay tin khuyến mãi.

"Khỏe đối với tôi là đẹp"

Theo kết quả khảo sát, 4 vấn đề quan tâm chính của người tiêu dùng hiện nay gồm có: Niềm tin, sự phát triển của công nghệ, làn sóng của hàng hóa nước ngoài và sức khỏe - sắc đẹp.

Về niềm tin người dùng, khảo sát đã phải thừa nhận rằng rất khó để có được sự tin tưởng của người tiêu dùng ngày nay. Bên cạnh đó, trước sự phát triển vũ bão của công nghệ thì mỗi người tiêu dùng cũng trở nên thông thái hơn, họ sử dụng internet mọi lúc mọi nơi để kiểm tra thông tin, so sánh giá cả hay cả chất lượng của sản phẩm mỗi khi lựa chọn.

Người tiêu dùng ngày nay đang ngày càng phụ thuộc vào internet và sử dụng chúng với nhiều mục đích khác nhau. Nhiều người dành thời gian rảnh rỗi của mình để lướt internet, một số người khác lướt internet để mua sắm, một số khác lướt internet để cập nhật thông tin về thế giới thay vì các phương tiện truyền thống và có một số người lại đang có thói quen tương tác với mọi người thông qua mạng xã hội.

 Người tiêu dùng chọn mua nhiều thương hiệu ngoại hơn đối với các sản phẩm sữa, bánh kẹo, dầu gội, sữa tắm.

Người tiêu dùng chọn mua nhiều thương hiệu ngoại hơn đối với các sản phẩm sữa, bánh kẹo, dầu gội, sữa tắm.

Xu hướng sử dụng sản phẩm nước ngoài, những món hàng xách tay cũng là một vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm. Bởi có không ít các sản phẩm nước ngoài đã được nhắc tới như những phương thuốc thần kỳ hay thực phẩm bổ dưỡng, sản phẩm chất lượng đến không ngờ khiến cho người tiêu dùng càng khó khăn hơn trong việc chọn lựa.

Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt vẫn đang dành nhiều "ưu ái" cho sản phẩm quốc tế bởi tin rằng chúng chất lượng hơn dù giá thành có cao. Minh chứng là các bà mẹ đang lựa chọn sữa bột ngoại, bánh kẹo nhập khẩu, dầu gội, sữa tắm nhập khẩu cho gia đình mình nhiều hơn các sản phẩm trong nước.

Cuối cùng, về sức khỏe và sắc đẹp, người tiêu dùng Việt nhận định: Khỏe đối với tôi là đẹp. Sự quan tâm của người Việt tới sức khỏe ngày một cao, biểu hiện là việc chi mạnh tay cho các sản phẩm tốt cho sức khỏe, sản phẩm xanh,... 

Số đông người dân đang lo lắng nhiều hơn về sức khỏe của bản thân, điều này thể hiện qua con số 92% và 91% hộ gia đình tại thành thị và nông thôn đồng ý với điều này.

Những lo lắng về sức khỏe đã chuyển thành hành động khi có tới 80% hộ gia đình thành thị đồng ý rằng họ tập thể dục thường xuyên để có sức khỏe tốt hơn, còn tại nông thôn con số này là 83%.

Người Việt hoài nghi và thận trọng hơn

Thay vì quan tâm và mua hàng theo những tin tức quảng cáo hay xu hướng khuyến mãi thì người tiêu dùng Việt đã trở nên "khắt khe" hơn cho mỗi lựa chọn của mình.

Khảo sát của Kantar Worldpanel cho hay, % số các hộ gia đình đồng ý với các ý kiến như: Tin vào lợi ích được quảng cáo từ sản phẩm, dùng thử sản phẩm mới sau khi xem quảng cáo, mua và dùng thử các sản phẩm mới hay mua sản phẩm mới theo xu hướng khi có khuyến mãi,... đã giảm mạnh so với năm 2011.

Số người tiêu dùng mua hàng theo xu hướng hay tin tức khuyến mãi đã giảm mạnh so với năm 2011.

Số người tiêu dùng mua hàng theo xu hướng hay tin tức khuyến mãi đã giảm mạnh so với năm 2011.

Theo đó, người tiêu dùng muốn tự mình tìm kiếm thông tin về sản phẩm trước khi ra quyết định thay vì bị động tiếp nhận các luồng thông tin khác nhau.

Có tới 55% hộ gia đình tại 4 TP lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ đồng tình với quan điểm rằng họ dành nhiều thời gian hơn để tìm kiếm thông tin về sản phẩm trước khi mua. Còn tại nông thôn, con số này là 57%.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cẩn trọng hơn khi thử các sản phẩm mới. Khảo sát cho hay, có tới 878 nghìn người người ở khu vực thành thị nói không với việc dùng thử các sản phẩm mới khi được giới thiệu, con số này ở nông thôn là 337 nghìn người.

Số người đồng ý tại thành thị là 1 triệu người còn tại nông thôn là 366 nghìn người.

Điều này cho thấy niềm tin của người tiêu dùng hiện đại vào tin tức quảng cáo hay những lời truyền miệng đã giảm dần đi, thay vào đó là quá trình tìm hiểu sâu sắc hơn về công dụng, nguồn gốc, thành phần của mỗi sản phẩm.