24/11/2024 | 12:00 GMT+7, Hà Nội

Người lao động đồng tình với đề xuất giảm giờ làm xuống không quá 44 giờ/tuần

Cập nhật lúc: 15/09/2019, 11:13

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trình bày báo cáo một số vấn đề lớn trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần 3.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đến thời điểm hiện nay còn 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành, trong đó sửa đổi, bổ sung 162 điều trong tất cả các chương và sửa đổi 2 Điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Bên cạnh những nội dung đã được tiếp thu, bổ sung trong thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục tập trung đề xuất và bảo vệ quan điểm đối với một số nội dung lớn trong Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Về thời giờ làm việc bình thường, bày tỏ quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian để người lao động chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội.

Hiện nay, với quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động là 48 giờ/tuần, số giờ làm việc của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Trong lúc đó, từ năm 1999, Việt Nam đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần trong các cơ quan Nhà nước (Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ).

Đa số ý kiến cho rằng, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa phù hợp thông lệ quốc tế. (Ảnh: tư liệu)

Đến nay, sau 20 năm, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng quy định thời giờ làm việc 40 giờ/tuần vẫn chỉ được thực hiện đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, cùng với việc mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm tối đa, việc giảm thời gian làm việc bình thường nhằm đảm bảo hài hòa với các yếu tố sức khỏe, góp phần tăng thu nhập, việc làm cho người lao động. Về phía doanh nghiệp, điều này cũng tạo ra động lực để doanh nghiệp cải tiến trang thiết bị, đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động.

Vì vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị xem xét để giảm thời giờ làm việc bình thường từ “không quá 48 giờ trong một tuần” xuống “không quá 44 giờ trong một tuần” và đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để Quốc hội thảo luận và biểu quyết. Bên cạnh đó, đề nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xem xét cân nhắc đề xuất bổ sung thêm 1 hoặc một số ngày nghỉ trong năm cho người lao động.

Đón nhận thông tin này, hơn 80% người lao động tham gia cuộc thăm dò ý kiến tại fanpage của Công đoàn Việt Nam đều đồng tình với phương án 2 trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) về quy định giờ làm việc bình thường, đó là: Làm việc không quá 44giờ/tuần.

Lý do người lao động đưa ra đều “gặp” nhau ở điểm: Cơ quan Nhà nước được nghỉ ngày thứ bảy, thì phía doanh nghiệp cũng nên cho cán bộ, công nhân viên, người lao động được nghỉ thứ bảy. Lao động làm việc trong khối doanh nghiệp cần được nghỉ như công chức, viên chức để tái tạo sức lao động. Trước mắt công nhân làm việc 44 giờ/tuần, sau đó tiến tới 40 giờ/tuần.