Ngành Dược lương cao nhưng vẫn luôn trong tình trạng thiếu nhân sự
Cập nhật lúc: 24/06/2020, 11:10
Cập nhật lúc: 24/06/2020, 11:10
Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam vừa công bố báo cáo về “Đặc thù trong tuyển dụng và môi trường làm việc trong ngành Dược và Thiết bị Y tế”.
Báo cáo được công bố dựa trên việc phân tích kết quả của cuộc khảo sát 601 ứng viên và 43 doanh nghiệp trong lĩnh vực Dược và Thiết bị Y Tết, thuộc cơ sở dữ liệu của Navigos Group.
Khan hiếm ứng viên chất lượng
Khi được hỏi về tình hình tuyển dụng, có gần 1/2 nhóm ứng viên quan sát và cho biết doanh nghiệp họ luôn trong tình trạng thiếu nhân sự. Chia sẻ về các thách thức lớn nhất hiện nay khi tuyển dụng, lý lo lớn nhất chiếm đến 81% ý kiến của nhà tuyển dụng đó là “Khan hiếm nguồn ứng viên đạt yêu cầu”. Lý do xếp hạng thứ 2 và thứ 3 chỉ chiếm khoảng 1/4 ý kiến, lần lượt là “Khó khăn trong việc kiểm tra năng lực của ứng viên”; và “Ứng viên có thể đồng thời làm việc tại nhiều công ty vào cùng một thời điểm”.
Các vị trí luôn có nhu cầu tuyển dụng nhiều tại công ty dược đều liên quan đến khối thương mại, thị trường.
Theo đó, 51% nhà tuyển dụng cho biết họ luôn có nhu cầu tuyển dụng Trình dược viên, vị trí có nhu cầu tuyển dụng nhiều tiếp theo là Quản lý kinh doanh khu vực, chiếm 30% ý kiến nhà tuyển dụng. Các vị trí khác như Phát triển thị trường, Dược sỹ,…xếp vị trí thứ 3, chiếm 23% ý kiến.
Đạo đức nghề nghiệp là tố chất ưu tiên hàng đầu, được sự đồng thuận ý kiến của nhóm ứng viên lẫn nhà tuyển dụng khi chia sẻ về các tiêu chí tuyển dụng. Theo đó, top 3 các tố chất được ứng viên và nhà tuyển dụng nhất quán khi tuyển dụng lần lượt là: Đạo đức nghề nghiệp, Phù hợp về văn hóa doanh nghiệp, Nhóm kỹ năng giao tiếp (Diễn giải, Thuyết phục, Phản biện, Xử lý phản hồi,…)
Bên cạnh đó, nhóm ứng viên và nhà tuyển dụng tiếp tục đồng quan điểm khi cho biết thâm niên kinh nghiệm và chuyên môn nghiên cứu không quan trọng để đánh giá tố chất của nhân sự ngành Dược.
Theo đó, hai yếu tố “Số năm kinh nghiệm làm việc trong ngành” và “Kinh nghiệm trong mảng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm” đều nằm lần lượt ở các vị trí cuối bảng xếp hạng, theo ý kiến của nhóm ứng viên lẫn nhà tuyển dụng.
Vượt qua lý do tài chính, được làm đúng ngành mới là lý do khiến nhân sự gắn bó
Mặc dù các chế độ lương thưởng, phúc lợi của ngành Dược khá hấp dẫn trên thị trường nhưng đây không phải lý do lớn nhất để ứng viên đến với nghề, theo đó chỉ có 23% ứng viên chọn lý do này.
Theo khảo sát, ý kiến “Muốn học hỏi để được làm việc trong ngành lâu dài” mới là lý do lớn nhất khiến ứng viên quyết định gắn bó với lĩnh vực này, chiếm 43% ý kiến nhóm ứng viên.
Nhân sự ngành Dược cũng thể hiện xu hướng gắn bó và ổn định hơn khi có đến 1/2 cho biết họ sẽ ở lại trên 3 năm, trong đó 24% chọn sẽ ở lại từ 3 – 5 năm; 28% chọn sẽ ở lại trên 5 năm.
Khi được hỏi về các giải pháp “phi tài chính” (các yếu tố không liên quan đến lương, thưởng, phúc lợi) hiệu quả trong việc giữ chân nhân tài, xuất hiện sự khác biệt trong quan điểm giữa nhóm nhà tuyển dụng và ứng viên. Theo đó, nhóm ứng viên hiện đang ưu tiên “Linh hoạt thời gian và không gian làm việc” (61%) và “Các chương trình Người cố vấn, Người khai vấn trong nội bộ” (56%) ở vị trí thứ 2 và thứ 3.
Tuy nhiên, nhóm nhà tuyển dụng không chọn hai yếu tố này thuộc top 3 và tỷ lệ nhà tuyển dụng lựa chọn các yếu tố này cũng chỉ chiếm dưới 50%.
Mặt khác, có hai yếu tố xuất hiện trong top 3 ưu tiên của nhóm nhà tuyển dụng nhưng không thuộc top 3 từ phía ứng viên, đó là “Ðẩy mạnh thương hiệu nhà tuyển dụng trên mạng xã hội, các trang thông tin” (chiếm 62%), và “Cơ sở vật chất trong văn phòng xanh – sạch – đẹp” (chiếm 57%). Hai yếu tố này chỉ có dưới 1/4 nhóm ứng viên lựa chọn.
Duy nhất yếu tố “Các khóa đào tạo từ chuyên gia trong ngành” đều nằm trong top 3 của nhóm ứng viên lẫn nhà tuyển dụng, mặc dù tỷ lệ lựa chọn và ưu tiên vẫn còn có sự chênh lệch nhất định.
Theo đó 82% nhóm ứng viên chọn giải pháp này và là ưu tiên hàng đầu, có 62% nhóm nhà tuyển dụng chọn yếu tố này và xếp ở vị trí thứ hai.
Khi nhà tuyển dụng được hỏi về ba giá trị cốt lõi đại diện cho văn hóa doanh nghiệp và nhóm ứng viên được hỏi về ba điều mà họ cảm thấy tự hào nhất khi làm việc tại công ty mình, quan điểm của nhà tuyển dụng và nhóm ứng viên đồng nhất với nhau về top 3 lẫn thứ tự xếp hạng các yếu tố.
Ðiều này thể hiện rằng các giá trị cốt lõi trong văn hóa mà doanh nghiệp đang thể hiện cũng chính là những điều khiến người lao động trong ngành Dược cảm thấy tự hào. 3 yếu tố đó lần lượt là: Chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu (đảm bảo nghiên cứu, kiểm định); Gắn kết với nhân viên và quan tâm đến sự phát triển của nhân viên (chính sách đào tạo và phát triển); Chiến lược phát triển cụ thể và luôn theo sát mục tiêu dài hạn.
Thế hệ Y nổi trội nhất trong mắt nhà tuyển dụng
Có đến 86% nhà tuyển dụng cho biết họ ưu tiên tuyển dụng thế hệ Y cho doanh nghiệp. Đây cũng là lý do vì sao chân dung thế hệ Y được doanh nghiệp khắc họa rõ nét nhất so với các thế hệ còn lại. Bên cạnh đó, thế hệ tiền nhiệm liền kề trước đó là thế hệ X cũng được nhà tuyển dụng mô tả kỹ lưỡng hơn so với các thế hệ Boomer (6X) hay thế hệ Z.
Theo đó, 5 yếu tố được nhiều tuyển dụng mô tả nhiều nhất về thế hệ Y, đồng thời các yếu tố này cũng đạt tỷ lệ đánh giá cao hơn các nhóm thế hệ còn lại, lần lượt là: Hiệu suất công việc tốt; Khả năng ngoại ngữ tốt nhất; Ðề cao thay đổi và sáng tạo; Quan hệ tốt với mạng lưới các bệnh viện; Ðề cao cân bằng công việc – cuộc sống.
Nhân sự thuộc thế hệ X là nhóm tiếp theo được mô tả rõ hơn từ ý kiến của nhà tuyển dụng. Theo đó, có 2 mô tả giống với thế hệ Y (mặc dù tỷ lệ chiếm không cao như thế hệ Y), đó là có mối quan hệ tốt với mạng lưới các bệnh viện và đề cao cân bằng công việc – cuộc sống.
Nhóm này cũng thể hiện xu hướng ổn định và gắn bó với tổ chức hơn. Bên cạnh yếu tố coi trọng cân bằng cuộc sống – công việc, các mô tả khác chiếm tỷ lệ cao hơn cả các nhóm khác nên thể hiện rất rõ sự cam kết gắn bó của nhóm này. Ðó là: Thích một công việc ổn định; Ðề cao lòng trung thành với tổ chức.
Khi được hỏi đâu là lợi ích lớn nhất khi có nhiều thế hệ đa dạng làm việc trong một công ty, phía ứng viên và nhà tuyển dụng có quan điểm khác nhau về lợi ích này. Theo đó, nhóm ứng viên cho thấy nhiều thế hệ cùng làm việc sẽ mang đến cho họ lợi ích nhất trong cách thực thi công việc, đó là “Nâng cao khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề”. Phía nhà tuyển dụng lại nhìn nhận lợi ích từ nhiều thế hệ đa dạng này mang lại có tầm chiến lược hơn, đó là “Giúp doanh nghiệp có cái nhìn sâu hơn về từng thế hệ để áp dụng trong dịch vụ khách hàng”.
Cũng theo kết quả khảo sát, nhóm ứng viên và nhà tuyển dụng đồng quan điểm về thách thức từ đa thế hệ đem lại đó là “Khác biệt trong phong cách làm việc”. Ý kiến này chiếm 80% quan điểm từ nhóm ứng viên lẫn nhà tuyển dụng.
Khi hỏi nhà tuyển dụng về những giải pháp trong nội bộ nào họ đang áp dụng để tháo gỡ thách thức từ sự khác biệt giữa các thế hệ, giải pháp hàng đầu được các nhà tuyển dụng đang áp dụng nhiếu nhất là “Áp dụng mô hình tổ chức học tập để liên tục cập nhật và học hỏi từ tất cả các phòng ban và các nhân sự”, chiếm 41% ý kiến. Bên cạnh đó, gần 1/4 nhà tuyển dụng cho biết họ vẫn chưa có sự chuẩn bị nào để thích nghi với sự đa dạng về thế hệ trong nội bộ.
Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám Đốc của Navigos Group Việt Nam chia sẻ, ngành Dược/Thiết bị Y tế tại Việt Nam hiện nay sở hữu rất nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển như: nền kinh tế tăng trưởng liên tục, thị trường tiêu dùng ngày một trưởng thành hơn, nhận thức về sức khỏe và hành vi sử dụng các sản phẩm Dược của người dân Việt Nam thay đổi theo hướng tích cực, nhân lực ngành Dược có chuyên môn cao…
Ðây được xem là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp Dược/Thiết bị Y tế tại Việt Nam phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và chiến lược giữ chân nhân tài chưa đạt hiệu quả vẫn còn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp Dược để bứt phá.
Do đó, Navigos Group cho rằng, doanh nghiệp cần có những chiến lược tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả hơn bao gồm việc áp dụng những giải pháp phi tài chính phù hợp với mong đợi của người lao động; xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ tầm vi mô đến vĩ mô; thương hiệu nhà tuyển dụng xây dựng trên nền tảng văn hóa cốt lõi của doanh nghiệp; đẩy mạnh văn hóa học tập để chuẩn bị cho môi trường đa thế hệ; tối ưu hóa và đa dạng kênh tuyển dụng và sử dụng các công cụ đánh giá trí tuệ và cảm xúc.
19:00, 23/06/2020
17:05, 23/06/2020
16:00, 23/06/2020