Nếu vay tiêu dùng, phải tìm hiểu kỹ những điều khoản trong hợp đồng
Cập nhật lúc: 14/04/2020, 15:31
Cập nhật lúc: 14/04/2020, 15:31
Cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên, việc vận hành cả một hệ thống cho những khoản vay nhỏ lẻ, đặc biệt, việc đòi nợ khó khăn khiến các công ty tài chính phải đau đầu.
Thạc sĩ - luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội mới đây đã có những trao đổi về khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc đòi nợ cho vay tiêu dùng.
Thưa luật sư, ông có nhận định như thế nào về hoạt động đòi nợ của công ty tài chính?
Luật sư Đặng Văn Cường: Có thể nói rằng, trong các hoạt động tín dụng thì hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính chứa nhiều rủi ro. Bởi các khoản vay tại công ty tài chính là vay tín chấp, không có tài sản đảm bảo, dựa hoàn toàn vào uy tín về năng lực trả nợ của cá nhân. Bởi vậy, sau khi giải ngân, nhiều khách hàng đã không thực hiện trả nợ đúng hạn, dẫn đến câu chuyện đòi nợ, thậm chí là tranh cãi, tranh chấp dẫn đến mâu thuẫn.
Ở Việt Nam hiện nay, việc đòi nợ có 2 cách. Thứ nhất, các công ty tài chính sẽ tự đòi. Thứ hai, các công ty tài chính ủy quyền cho bên thứ ba có chức năng thu hồi nợ theo Nghị định 104 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về dịch vụ thu hồi nợ. Dưới góc độ pháp lý, NHNN đã ban hành quy định rất chặt chẽ, cụ thể đối với hoạt động thu hồi nợ của công ty tài chính tại Thông tư số 43, Thông tư số 18 sửa đổi bổ sung.
Như luật sư vừa chia sẻ, các công ty tài chính được phép bán nợ cho bên thứ ba, ông có thể phân tích cụ thể hơn pháp luật quy định trong trường hợp này?
Luật sư Đặng Văn Cường: Việc mua bán nợ là một nhu cầu tất yếu trong đời sống kinh tế xã hội hiện nay. Bởi, cho vay mà không đòi được nợ sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phá sản nếu có quá nhiều khoản nợ khó đòi.
Không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới cũng đều có những quy định về việc cho phép bán nợ. Bên mua nợ là những tổ chức, cá nhân hoạt động theo quy định của pháp luật.
Việc mua bán nợ tại Việt Nam được thực hiện trên cơ sở pháp lý là Bộ luật dân sự, xác định Quyền đòi nợ chính là quyền tài sản, tại Điều 450 của Bộ luật dân sự năm 2015. Trong đó, quy định bên bán phải cam kết đảm bảo khả năng trả nợ của người vay, làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua và bên mua phải trả tiền cho bên bán. Nếu người đi vay không trả nợ, bên bán sẽ chịu trách nhiệm liên đới.
Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng quy định tại Nghị định số 69/2016 của Chính phủ ban hành ngày 01/07/2016 và Thông tư số 53 ngày 19/05/2017 của Bộ Tài chính quy định rất cụ thể về việc kinh doanh mua bán nợ.
Vậy theo pháp luật quy định, nếu vi phạm hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng thì khách hàng sẽ bị xử lý ra sao, thưa luật sư?
Luật sư Đặng Văn Cường: Về nguyên tắc có vay có trả. Đã vay được tiền lúc khó khăn, thì đến hạn, người vay phải có nghĩa vụ trả nợ. Đây không chỉ là vấn đề pháp luật mà còn là vấn đề đạo đức xã hội.
Bởi vậy, trong trường hợp đến hạn trả nợ, vì một lý do nào đó khách hàng không trả được nợ thì đó là vi phạm quy định của hợp đồng tín dụng. Lúc này sẽ phát sinh các quyền của bên cho vay như lãi phạt, đòi nợ hoặc quyền bán nợ cho dịch vụ thu hồi nợ.
Với những trường hợp gian dối, lợi dụng hoạt động vay tín chấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc vay nhưng trốn tránh nghĩa vụ không trả nợ, bỏ trốn xóa dấu vết…, sẽ được khép vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với khoản vay trên 2.000.000 đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật hình sự năm 2015.
Chính vì thế, người vay tiêu dùng khi đã nhận được tiền, phải nghiêm túc sử dụng số tiền đúng mục đích, có ý thức trả nợ. Nếu khó khăn không trả được đúng hạn cần thông báo kịp thời, thỏa thuận phương án giãn nợ hoãn nợ với công ty tài chính.
Còn trường hợp sử dụng tiền bất hợp pháp, mất khả năng trả nợ, gian dối hoặc bỏ trốn sẽ bị khép vào hành vi có dấu hiệu hình sự, người vay tiền có thể đối mặt với án tù.
Theo tôi, điều tiên quyết để vay vốn tiêu dùng một cách an toàn, hạn chế rủi ro, đó là trước khi vay, người dân cần cân nhắc thật kỹ nhu cầu có thực sự cần thiết vay không, khả năng trả nợ trong thời gian vay có được đảm bảo không. Khi đã quyết định vay thì phải tìm hiểu kỹ những điều khoản trong hợp đồng để tránh những tranh chấp không đáng có, gây mệt mỏi, phiền toái cho cả các tổ chức tín dụng và khách hàng.
Trân trọng cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi.
14:43, 13/04/2020
16:51, 06/04/2020
10:33, 03/04/2020