19/01/2025 | 12:10 GMT+7, Hà Nội

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương trong năm 2020 bất chấp dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 29/04/2021, 06:30

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo thường niên có tên Triển vọng phát triển châu Á, trong đó đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương trong năm 2020 bất chấp đại dịch Covid-19.

Kỳ vọng kiểm soát hiệu quả Covid-19 và tăng trưởng trong công nghiệp, thương mại và đầu tư sẽ đẩy tốc độ tăng trưởng lên đáng kể trong năm 2021 và 2022. Lạm phát sẽ tăng nhẹ và thặng dư tài khoản vãng lai sẽ thu hẹp. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ chỉ có thể quay trở lại với mức độ tăng trưởng mạnh mẽ như trước đại dịch nếu như kiểm soát được Covid-19. Thách thức chính sách lớn nhất là giảm bớt tác động của đại dịch lên nghèo đói và thu nhập.

Tình hình kinh tế

Các biện pháp hiệu quả của Chính phủ đã có tác động lớn trong việc bảo vệ nền kinh tế khỏi đại dịch Covid-19 trong năm 2020, với GDP tăng trưởng 2,9% - một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm qua.

Dù vậy, đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam trong thập niên vừa qua. Nông nghiệp tăng 2,7% trong năm 2020 so với mức 2,0% năm 2019, nhờ tích cực xúc tiến xuất khẩu; chuyển đổi cơ cấu ngành (như chuyển từ trồng lúa sang các loại cây công nghiệp có giá trị cao và chăn nuôi); và khu vực tư nhân năng động. Nông nghiệp đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong năm ngoái – đây là mức tăng trưởng rất tốt trong bối cảnh lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn gia tăng và nhu cầu bên ngoài giảm mạnh.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương trong năm 2020 bất chấp dịch Covid-19
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương trong năm 2020 bất chấp dịch Covid-19

Các biện pháp hiệu quả của Chính phủ đã có tác động lớn trong việc bảo vệ nền kinh tế khỏi đại dịch Covid-19 trong năm 2020, với GDP tăng trưởng 2,9% - một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm qua
Tăng trưởng công nghiệp và xây dựng giảm nhẹ xuống 4,0% trong năm 2020, đóng góp 1,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng, nhờ các biện pháp kiểm soát Covid-19 hiệu quả góp phần duy trì nguồn cung lao động ổn định. Nhu cầu bên ngoài yếu làm tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm gần một nửa còn 5,8%. Nhu cầu đối với dầu lửa và các hàng hoá liên quan trên toàn cầu giảm mạnh làm tốc độ tăng trưởng ngành khai kháng của Việt Nam chậm lại.

Tăng trưởng ngành xây dựng giảm xuống 6,8% trong năm 2020 so với 9,1% vào năm 2019. Tăng trưởng ngành dịch vụ giảm 2,3% mặc dù vào quý IV có sự phục hồi mạnh về chi tiêu vào các dịch vụ y tế và tài chính, bán lẻ và thương mại điện tử. Khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề do giảm đến 78,7% số lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thể, đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng GDP giảm xuống 0,9 điểm phần trăm trong năm 2020, so với mức 2,8% trong năm 2019.

Về phía cầu, tiêu dùng giảm mạnh khi các doanh nghiệp phá sản và thu nhập bị giảm sút do đại dịch Covid-19. Tăng trưởng tiêu dùng chỉ ở mức 1,1% trong năm 2020 đã làm giảm mức đóng góp của tiêu dùng vào tăng trưởng GDP xuống 0,8 điểm phần trăm. Tăng trưởng tiêu dùng cá nhân giảm xuống 0,6%, nhưng chi tiêu công tăng 6,2%. Mức tăng trưởng tổng tích luỹ tài sản cố định giảm một nửa xuống còn 4,1% trong năm ngoái, đóng góp 1,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng. Sự sụt giảm của đầu tư tư nhân được bù đắp bởi mức tăng đầu tư công ở mức 34,5%, một trong những mức hỗ trợ đầu tư công cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Thương mại quốc tế đạt thành tích tốt bất chấp những khó khăn do Covid-19 gây ra. Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ ròng đóng góp 0,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng, trong đó xuất khẩu tăng 4,4%, cao hơn so với nhập khẩu tăng 3,9%.

Lạm phát trung bình ở mức 3,2% trong năm 2020, chỉ cao hơn một chút so với mức 2,8% trong năm 2019, mặc dù giá thịt heo tăng đột biến trong quý I/2020 và lũ lụt nghiêm trọng vào quý III. Nhu cầu nội địa thấp và giá nhiên liệu thế giới giảm mạnh đã kiềm chế lạm phát một cách đáng kể.

Thâm hụt tài khoá trong năm 2020 tăng lên mức ước tính 5,8% GDP. Thu ngân sách giảm 9,2% do giảm thương mại quốc tế, thu thuế GTGT và tổn thất từ sự sụt giảm giá dầu thô toàn cầu. Tổng chi ngân sách chỉ tăng 1,2%, vì phần lớn chi tiêu của chính phủ cho các chương trình an sinh xã hội và phát triển cơ sở hạ tầng, ước tính tương đương 11,5% GDP được chi bằng nguồn kết dư từ các năm trước, nguồn dự phòng và các quỹ ngoài ngân sách. Nợ công ước tính tăng nhẹ lên 55,4% GDP trong năm 2020, so với mức 55,0% trong năm 2019.

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh vào quý I/2020, nhưng nhanh chóng phục hồi khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và ngân hàng trung ương thực hiện các biện pháp cắt giảm lãi suất, kéo các nhà đầu tư trong nước trở lại với thị trường. VN Index đạt mốc 1.200 điểm trong quý I/2021.

Triển vọng kinh tế

Nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2021 và 7,0% trong năm 2022 – đây là mức tăng trưởng mạnh và vững chắc có được nhờ thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế đại dịch Covid-19. Các động lực tăng trưởng sẽ là công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và thương mại mở rộng. Công nghiệp dự báo sẽ tăng 9,5% trong năm 2021, đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Khu vực này có bước khởi động mạnh mẽ ngay trong quý I/2021, tăng 6,3% so với ba tháng đầu năm 2020. Chỉ số quản trị mua hàng tăng 53,6 trong tháng 3, mức cao nhất tính từ tháng 1-2019.

Các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước mới được dự báo sẽ thành lập nhờ có vắc-xin Covid-19 tạo thuận lợi cho việc đi lại trong nước cũng như cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn sẽ làm tăng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu. Xây dựng được dự báo sẽ tăng nhanh khi chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng lớn trong năm 2021 và lãi suất thấp kích thích hoạt động xây dựng bất động sản.

Khu vực dịch vụ được dự báo sẽ phục hồi tăng trưởng ở mức 6,0% trong năm 2021, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Tăng trưởng khu vực dịch vụ đến từ tiến trình chuyển đổi số, tăng chi tiêu vào vắc-xin Covid-19, niềm tin kinh doanh cải thiện và mặt bằng lãi suất thấp. Khu vực nông nghiệp cũng được dự báo sẽ hoạt động mạnh hơn trong năm nay nhờ các cải cách cơ cấu được duy trì, cải thiện tiếp cận thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do khu vực, và giá lương thực toàn cầu cao hơn do nhu cầu tăng.

Đầu tư gia tăng sẽ là một động lực tăng trưởng then chốt trong năm nay và năm sau. Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát Covid-19 và Luật Đầu tư được ban hành tháng 1-2021 giảm bớt các rào cản quy định về kinh doanh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng 17,8% trong quý I/2021 so với quý I năm trước. Tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhờ đầu tư tư nhân, vốn đã tăng đáng kể, với yếu tố xúc tác là mặt bằng lãi suất thấp và chi tiêu công tăng.

Tiêu dùng cá nhân dự báo sẽ phục hồi song song với đầu tư tư nhân và lạm phát thấp. Bán lẻ tăng 5,1% trong quý I/2021, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đã phục hồi. Lòng tin của doanh nghiệp gia tăng, phản ánh qua kết quả điều tra doanh nghiệp tháng 12/2020 trong đó 80% doanh nghiệp được điều tra dự báo tình hình kinh doanh trong năm 2021 sẽ khá hơn hoặc giữ ổn định.

Lạm phát trong quý I/2021 giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2016 do chi phí vận tải giảm và nhu cầu yếu. Nhưng giá dầu thế giới đang tăng trong xu hướng kinh tế toàn cầu phục hồi và tiêu dùng trong nước cũng tăng dự báo sẽ làm cho lạm phát tăng lên 3,8% trong năm nay, và 4,0% trong năm 2022.

Rủi ro chính theo chiều hướng tiêu cực là đại dịch bùng phát trở lại do các biến thể coronavirus mới và chậm trễ trong triển khai chương trình vắc-xin. Nếu chậm trễ trong triển khai vắc-xin Covid-19 sẽ có thể tác động ngay đến khả năng Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ như trước khi có dịch, khi tính đến sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhu cầu bên ngoài. Sự phục hồi nhanh chóng của đầu tư tư nhân trong nước cũng có thể làm gia tăng rủi ro bong bóng tài sản nếu như nguồn vốn không được dẫn hướng vào các lĩnh vực sản xuất. Xét từ góc độ tích cực, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của Trung Quốc và Mỹ có thể làm triển vọng thương mại và tăng trưởng gia tăng đáng kể.

Thách thức chính sách – kiềm chế tác động của Covid-19 đối với thu nhập và nghèo đói

Tính toán của ADB vào tháng 12-2020 cho thấy tác động đáng kể của đại dịch Covid-19 đối với thu nhập. Đặc biệt, tác động của đại dịch sẽ làm giảm thu nhập trên đầu người của hộ gia đình trung bình 9,8%, và nhóm có thu nhập thấp nhất sẽ bị giảm đến 10,2% thu nhập, trong khi tỉ lệ hộ nghèo trong ngũ phân vị có thu nhập nghèo nhất sẽ tăng 40%.

Do các hộ gia đình ở nông thôn cung cấp lao động di cư nhiều hơn, nên họ sẽ bị tổn thất thu nhập từ nguồn người lao động di cư gửi tiền về nhà nhiều hơn so với các hộ gia đình ở đô thị, và các hộ gia đình có phụ nữ làm chủ hộ sẽ bị tổn thất kiều hối cả từ nước ngoài lẫn trong nước nhiều hơn so với hộ gia đình do nam giới làm chủ hộ. Tính toán của ADB cũng cho thấy sự gia tăng tỉ lệ hộ nghèo trong nhóm dân tộc thiểu số sẽ thấp hơn so với hộ nghèo trong nhóm không thuộc dân tộc thiểu số, nhưng số người nghèo thuộc các hộ nghèo dân tộc thiểu số lại lớn hơn, do vậy tính theo số tuyệt đối thì số này sẽ tăng nhiều hơn hẳn so với số người nghèo sống trong các hộ không thuộc dân tộc thiểu số.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương trong năm 2020 bất chấp dịch Covid-19
Tính toán của ADB vào tháng 12-2020 cho thấy tác động đáng kể của đại dịch Covid-19 đối với thu nhập. Đặc biệt, tác động của đại dịch sẽ làm giảm thu nhập trên đầu người của hộ gia đình trung bình 9,8%, và nhóm có thu nhập thấp nhất sẽ bị giảm đến 10,2% thu nhập, trong khi tỉ lệ hộ nghèo trong ngũ phân vị có thu nhập nghèo nhất sẽ tăng 40%

Để ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19 đối với thu nhập và nghèo đói, vào ngày 9-4-2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 về Chương trình an sinh xã hội với trị giá tương đương 0,25 GDP (xấp xỉ 0,5 tỉ USD) để trợ cấp cho các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp. Nghị quyết 42 được kỳ vọng sẽ giúp làm giảm tỉ lệ nghèo năm 2020 1,3 điểm phần trăm, xuống còn 4,9%.

Chương trình dự kiến sẽ trợ giúp cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, thường thuộc ngũ phân vị có thu nhập nghèo nhất, và các hộ gia đình ở nông thôn, vì thu nhập của họ thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch. Tiến độ giải ngân theo Nghị quyết 42 khá chậm.

Tính đến cuối năm 2020 mới chỉ có một nửa nguồn tiền chính sách được giải ngân do thiếu các tiêu chí lựa chọn rõ ràng và một hệ thống giải ngân chuyên trách. Mặc dù Nghị quyết 42 có thể có hiệu quả giảm nghèo tốt, nhưng chỉ một chương trình này chưa đủ để đưa những nhóm dễ bị tổn thương nhất thoát nghèo do hạn chế về quy mô số tiền và khoảng cách nghèo còn lớn.

Chương trình trợ giúp cho người dân cần phải được tăng cường để giúp các nhóm nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất không tiếp tục bị mất thu nhập. Do tác động của Covid-19 đối với các đối tượng khác nhau là rất khác nhau, nên cần ưu tiên hỗ trợ cho những đối tượng làm việc trong những lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Xây dựng một hệ thống theo dõi và đánh giá toàn diện dành cho các đối tượng thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội hiện tại và tiềm năng, trong đó có cả đối tượng thuộc khu vực phi chính thức sẽ rất hữu ích để tiếp cận được những người dân cần được hỗ trợ.

Do các chương trình trợ cấp tiền mặt nói chung đều có hàm ý ngân sách nên chúng phải được sử dụng như một giải pháp ngắn hạn để khắc phục các cú sốc về thu nhập, như cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra. Kế sách lâu dài, bền vững hơn phải là giúp cho người nghèo và người dễ bị tổn thương đa dạng hoá được sinh kế của họ, ví dụ thông qua đào tạo nghề ngắn hạn và cải thiện tiếp cận với tín dụng vi mô để hỗ trợ thành lập doanh nghiệp mới.

 

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/nen-kinh-te-viet-nam-tang-truong-duong-trong-nam-2020-bat-chap-dich-covid-19-236718.html