19/01/2025 | 15:31 GMT+7, Hà Nội

Kinh tế Việt Nam vững vàng trong đại dịch

Cập nhật lúc: 17/02/2021, 15:06

Trong thông điệp đầu năm gửi tới báo chí Việt Nam, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã có những đánh giá tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn về sức khỏe, sinh mạng và tác động nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế tàn cầu trong năm 2020. Suy thoái kinh tế do Covid-19 lần này thậm chí còn tồi tệ hơn cả cuộc Đại suy thoái năm 1930. Triển vọng kinh tế toàn cầu cũng như trong khu vực là một bức tranh ảm đạm vì đại dịch gây ra những hậu quả nặng nề trong trung hạn hoặc thậm chí dài hạn. 

Theo phụ bản thường kỳ của báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á 2020 vừa được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố vào ngày vào tháng 12/2020, tăng trưởng kinh tế trong khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ sụt giảm còn -4,4% trong năm 2020, trước khi có thể tăng trưởng trở lại ở mức 5,2% trong năm 2021.

Bất chấp những khó khăn, thách thức từ đại dịch Covid-19, nền kinh tế của Việt Nam vẫn là điểm sáng với những nền tảng vững vàng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia đã thành công trong việc kiểm soát đại dịch, đồng thời duy trì được mức tăng trưởng dương. Trong phụ bản thường kỳ của báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển vừa qua, ADB đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và sẽ bứt phá đạt mức 6,1% trong năm 2021.

Việc nhanh chóng kiểm soát được sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã giúp duy trì tiêu dùng và du lịch trong nước nhưng quan trọng hơn là đã giữ vững niềm tin của người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ đã đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và tăng cường chi tiêu đã và đang có tác động kích thích cấp số nhân lên tăng trưởng và việc làm.

Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều quốc gia lớn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam vẫn là một điểm sáng, với mức xuất siêu đầy ấn tượng đạt trên 19 tỷ USD trong năm 2020. Mở rộng thương mại được kích hoạt bởi chuyển hướng thương mại và nhiều hiệp định tự do thương mại quan trọng có hiệu lực đã thúc đẩy ngành sản xuất và nông nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu.

Việt Nam đã và tiếp tục được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, và mới đây là RCEP. Nhu cầu từ các đối tác thương mại sẽ gia tăng khi các nền kinh tế này hồi phục sẽ mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu. Do quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa hai quốc gia, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Cơ hội cũng mở ra cho Việt Nam trong quá trình chuyển dịch cơ cấu thương mại và đầu tư toàn cầu. Với sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, với tiềm năng của thị trường trong nước, cùng với những nỗ lực mở rộng thị trường thông qua các hiệp định tự do thương mại, Việt Nam càng có nhiều cơ hội để thu hút nguồn đầu tư chất lượng cao từ các nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, Việt Nam cần phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vì chí phí logistics của Việt Nam vẫn còn rất cao. Việt Nam cũng cần phải tăng cường hơn nữa cơ sở hạ tầng “mềm”, như đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư đào tạo, phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp FDI cũng như các doanh nghiệp trong nước.

Cú sốc chưa từng có do đại dịch Covid-19 cũng là cú hích khuyến khích chuyển đổi số. Thương mại điện tử, giao dịch ngân hàng cũng như các dịch vụ tài chính khác trên mạng cũng phát triển mạnh ở Việt Nam trong khi đại dịch bùng phát. Các ứng dụng công nghệ thông tin đang được áp dụng ngày càng nhiều hơn trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Trong trung và dài hạn, Việt Nam cần có những chính sách tạo điều kiện cho chuyển đổi kỹ thuật số để giúp cải thiện năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Để củng cố cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch, Việt Nam cũng cần phải khuyến khích phát triển khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân của Việt Nam mà chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn còn phân tán. Khu vực tư nhân rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Chính phủ, bao gồm một môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển thành những tập đoàn kinh tế, cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các nguồn lực tài chính để đầu tư công nghệ mới và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn là tăng cường hiệu quả thể chế, như lãnh đạo Chính phủ thường đề cập tới. Hiệu quả thể chế được cải thiện sẽ khai thác được các tiềm năng kinh tế để phát triển, đặc biệt là khuyến khích nguồn lực từ khu vực tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là những lĩnh vực mà ADB sẽ lồng ghép khi xây dựng Chiến lược Đối tác Quốc gia giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ cho các ưu tiên phát triển của Việt Nam trong Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5-năm tới.

Nguồn: https://congluan.vn/giam-doc-vung-adb-kinh-te-viet-nam-vung-vang-trong-dai-dich-post119141.html