Lý do Masan bất ngờ tạm dừng cung cấp thịt heo ra thị trường
Cập nhật lúc: 13/04/2019, 15:59
Cập nhật lúc: 13/04/2019, 15:59
Masan phải tạm ngừng cung cấp thịt heo ra thị trường từ 12/4 vì nhà máy chế biến thịt heo của Masan nằm trong vùng bị dịch tả heo châu Phi.
Trong văn bản do Tập đoàn Masan gửi về HoSE cuối ngày 12/4, Masan cho biết, UBND huyện Kim Bảng, Hà Nam đã công bố dịch bệnh dịch tả heo châu Phi tại xã Đại Cương, huyện Kim Bảng ngày 10/4. Đây chính là địa điểm có trụ sở chính của Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam – Công ty thành viên của Masan.
Theo Masan, dù nhà máy chế biến thịt heo của Masan cách xa 1,5 km với nơi phát hiện ổ dịch nhưng do theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đây là vùng bị dịch uy hiếp nên Masan phải tạm ngừng cung cấp thịt heo từ ngày 12/4 cho đến khi có thông báo an toàn dịch bệnh tại địa phương theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thông cáo của Masan nêu rõ: "Masan "rất tiếc" phải thông báo như trên nhưng để tuyệt đối bảo đảm vấn đề an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng với các nguyên tắc quản lý nghiêm ngặt và cẩn trọng nhất dù nhu cầu người tiêu dùng vẫn tăng cao".
Công ty này cho biết đang tích cực làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y và các ban ngành trung ương, địa phương theo dõi sát tình hình để sớm cung cấp sản phẩm thịt heo cho người tiêu dùng.
Ông Trần Phương Bắc - Giám đốc tuân thủ, đại diện Masan khẳng định, doanh nghiệp đang tích cực làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y, các ban ngành trung ương và địa phương tại tỉnh Hà Nam để theo sát tình hình và sớm tái cung cấp sản phẩm thịt heo cho người tiêu dùng.
Đồng thời, Masan cam kết Tổ hợp chế biến thịt Hà Nam luôn áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và vệ sinh an toàn thực phẩm cao nhất ngang tầm tiêu chuẩn châu Âu.
Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 cho biết, Masan có 46 công ty con và sở hữu 80,8% tỉ lệ lợi ích tại công ty con là Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam, đóng trụ sở tại Khu công nghiệp Đồng Văn IV, huyện Kim Bảng.
Cũng theo báo cáo này, doanh thu và lợi nhuận gộp của bộ phận chuỗi giá trị thịt của Masan sụt giảm lần lượt là 25,2% và 47,5% so với năm 2017, đạt giá trị tuyệt đối gần 14.000 tỷ đồng và gần 2.100 tỷ đồng.
Bộ phận chuỗi giá trị thịt lại tăng chi tiêu vốn rất mạnh so với các bộ phận khác như khoáng sản, thực phẩm và đồ uống, cụ thể, giá trị tăng thêm 422,2 tỷ đồng trong năm 2018.
Trước khi thông báo về việc tạm dừng cung cấp thịt heo do dịch tả heo châu Phi như trên, Masan cũng đã có văn bản chính thức báo cáo HoSE về những vấn đề liên quan đến vụ hơn 18.000 chai tương ớt Chin-Su bị thu hồi tại Nhật Bản.
02:56, 11/04/2019
19:01, 08/04/2019
05:55, 07/04/2019