19/01/2025 | 10:52 GMT+7, Hà Nội

Lạm phát Việt Nam có thể đạt ngưỡng 6%, liệu có đáng lo ngại?

Cập nhật lúc: 20/03/2022, 09:15

Một số nhận định tiêu cực cho rằng, có thể lạm phát của Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm nay, vượt qua ngưỡng 4%. Thậm chí, lạm phát có thể vượt ngưỡng 6%.

Lo ngại lạm phát tăng cao do tác giá nhiên liệu tiếp tục tăng

Từ cuối tháng 2/2022, xung đột chính trị Nga - Ukraine đã khiến giá dầu thế giới không ngừng leo thang. Có thời điểm, giá dầu đạt “đỉnh” lịch sử, khi chạm tới ngưỡng 140 USD/thùng.

VinaCapital dự báo lạm phát năm 2022 có thể dừng ở mức 3%.
VinaCapital dự báo lạm phát năm 2022 có thể dừng ở mức 3%.

Là quốc gia nhập khẩu xăng, dầu thành phẩm, việc giá dầu thế giới không ngừng tăng đã ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình kiểm soát lạm phát của Việt Nam. Đồng thời, hiện tượng này còn tác động vào các chương trình phục hồi kinh tế trong nước.

Đồng tình với quan điểm này, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital đánh giá, những cản trở đối với nền kinh tế Việt Nam do giá năng lượng tăng cao, cùng với việc chậm tái mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch nước ngoài, đã khiến chúng tôi phải hạ dự báo tăng trưởng GDP 1% xuống còn 6,5% trong năm 2022.

Trước đó, VinaCapital dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam có thể vượt 7,5% trong năm nay. 

Giá dầu toàn cầu tăng mạnh gần 40% sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, và đã có thời điểm tăng gần 70% so với đầu năm, trước khi phần nào giảm trở lại. 

Giá xăng bán lẻ tại Việt Nam vốn đã cao hơn 20% so với đầu năm, mặc dù tăng chậm hơn nhưng nhìn chung vẫn bám sát với diễn biến giá thế giới, và có khả năng tăng thêm 30% trong những tháng sắp tới.

Nếu điều này xảy ra, VinaCapital ước tính tỷ lệ lạm phát toàn phần ở Việt Nam có thể tăng cao hơn những dự kiến trước đó.

Chuyên gia của VinaCapital nhấn mạnh, gần đây, Chính phủ thông báo rằng lạm phát CPI của Việt Nam đã giảm từ 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng Một xuống còn 1,4% trong tháng Hai.

Vì vậy, sự leo thang của lạm phát do giá dầu thế giới tăng cao như đã đề cập sẽ khiến lạm phát Việt Nam vào khoảng 3%, vẫn thấp hơn mức Chính phủ đã nêu về mục tiêu lạm phát tối đa 4% trong năm 2022.

Lạm phát ở mức 6% là bình thường

Trái ngược với nhận định của chuyên gia VinaCapital, một số nhận định tiêu cực hơn cho rằng, có thể lạm phát của Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm nay, vượt qua ngưỡng 4%. Thậm chí, lạm phát có thể vượt ngưỡng 6%.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính, Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính nhìn nhận, lạm phát vượt qua ngưỡng 4% do Chính phủ đặt mục tiêu vẫn là điều khá bình thường.

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính.
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, lạm phát ở mức 4% - 6% là bình thường, trên 7% là mức cần lo ngại. Trong trường hợp lạm phát đạt trên 10% trở lên, đây mới là mức đáng lo ngại. 

“Với Việt Nam khi lạm phát từ 10% trở lên là lạm phát cao, cần có sự điều chỉnh kịp thời để tránh ảnh hưởng tới nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu lạm phát năm nay vượt qua ngưỡng 4%, dừng lại ở mức 5% - 6 %, có thể chấp nhận được”, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nói.

Dù vậy, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh, dù không quá đáng lo ngại, nếu lạm phát vượt qua ngưỡng 4%. Thế nhưng, lạm phát tăng vẫn sẽ ảnh hưởng tới một số lĩnh vực.

Thứ nhất, lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng và làm giảm tiến độ giải ngân. Bởi vì, giá xăng tăng lên sẽ khiến dự án mới phải điều chỉnh dự toán, dự án đang thực hiện bị ảnh hưởng tiến độ giải ngân. 

Thứ hai, lạm phát khiến chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa. Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, nếu lạm phát cao khó có dư địa để các ngân hàng hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và giúp kinh tế phục hồi. 

Trong trường hợp, lạm phát cao nữa thì không còn dư địa, thậm chí còn ngược lại là lạm phát cao thì phải tăng lãi suất. Đây là yếu tố rất tai hại.

Thứ ba, lạm phát sẽ tạo ra vòng xoáy lạm phát và lạm phát tiền lương. Đó là lạm phát cao, lương phải tăng. Lương tăng kéo giá tăng. Giá tăng cao, lạm phát tăng cao, phải tăng lương. 

“Lịch sử đã từng có thập niên mất mát khi ở những năm 1970 giá dầu tăng quá cao và các yếu tố đầu vào tăng cao quá, tất cả các nước đều ảnh hưởng. Vì vậy cuộc chiến này mà kéo dài sẽ ảnh hưởng rất xấu tới kinh tế toàn cầu kéo đến nguy cơ đình  lạm: lạm phát cao tăng trưởng thấp”, ông Cường bày tỏ.

Trước những mối nguy nêu trên, PGS.TS Vũ Sỹ Cường có một số kiến nghị để kiềm chế lạm phát. Trong đó, các chính sách liên quan tới tiền tệ là “chìa khóa” quan trọng nhất để kiềm chế lạm phát.

Ông Cường giải thích: Trong chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, hiện có 3 giải giải pháp chính là tiền tệ, tài khóa và an sinh xã hội. Trong đó, các giải pháp tài khóa nới lỏng sẽ làm tăng lạm phát.

Vì vậy trong quá trình thực hiện Chương trình phục hồi thì cách thức cần điều chỉnh để lạm phát không quá cao và phải dùng chính sách tiền tệ để điều chỉnh lạm phát ở mức độ chấp nhận được.

“Sự phối hợp chính sách tài khóa tiền tệ lúc này rất quan trọng. Bên tài khóa đã nới lỏng thì bên tiền tệ lại phải có biện pháp, nếu đưa tiền ra nhiều quá thì nguy hiểm cho lạm phát”, ông Cường nói.

Nguồn: https://congluan.vn/lam-phat-viet-nam-co-the-dat-nguong-6-lieu-co-dang-lo-ngai-post186169.html