19/01/2025 | 11:02 GMT+7, Hà Nội

Lạm phát 2022 đứng trước ba áp lực chính

Cập nhật lúc: 12/03/2022, 06:42

Theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm 2022 sẽ phải đối mặt với áp lực lạm phát rất lớn với các yếu tố tác động chính như tổng cầu tăng đột biến, đứt gãy chuỗi cung ứng,...

Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến “Kiểm soát lạm phát - Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định áp lực lạm phát rất lớn của năm 2022 với ba yếu tố chính tác động tới lạm phát.

Lạm phát 2022 đứng trước ba áp lực chính
Lạm phát 2022 đứng trước ba áp lực chính

Đầu tiên là ngay từ đầu năm 2022, tổng cầu trong nước đang tăng đột biến. Đặc biệt, trong hai năm tới, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng được triển khai sẽ trở thành một xung lực khiến tổng cầu tiêu thụ nội địa tiếp tục tăng. Như vậy, khi nhu cầu nội địa tăng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lạm phát.

Thứ hai là việc Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào các nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Hiện nay, khi nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng rất cao thì tất yếu giá nhập khẩu của chúng ta sẽ tăng theo. Điều này tạo nên chi phí đẩy, nhập khẩu lạm phát.

Thứ ba là việc đứt gãy chuỗi cung ứng kể cả trong nước và quốc tế. Ông Lâm cho rằng đây là áp lực tạo ra lạm phát rất lớn của thế giới trong thời điểm này. Chẳng hạn như tại Châu Âu, việc đứt gãy của chuỗi cung ứng nhiên liệu, khí đốt làm lạm phát ở Châu Âu tăng rất mạnh.

Đề cập việc giá xăng dầu từ đầu năm tới nay đã tăng tới hơn 60%, ông Lâm một lần nữa khẳng định "đây là áp lực rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam" bởi xăng dầu là mặt hàng huyết mạch, cho nên giá xăng dầu tăng sẽ khiến cho một loạt các mặt hàng hóa khác tăng.

Một vấn đề khác được ông Lâm chỉ ra là khi nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, doanh nghiệp quay trở lại sản xuất thì việc thiếu hụt lao động hiện nay là một vấn đề khá quan trọng có tác động tới lạm phát. Bởi khi thiếu hụt lao động thì doanh nghiệp sẽ phải bỏ thêm chi phí để tuyển dụng, đào tạo.

Theo đó, muốn kiềm chế lạm phát, trước mắt phải kiểm soát nguồn cung ứng sản phẩm ra thị trường, để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa. Đặc biệt là phải đảm bảo đủ các mặt hàng nhiên liệu như xăng, dầu, khí đốt.

"Theo tính toán, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì sẽ tạo ra 0,36% lạm phát. Trong khi đó, giá xăng dầu từ đầu năm tới nay đã tăng tới 60%. Hay như trong 1,68% lạm phát của hai tháng đầu năm thì xăng dầu đã đóng góp tới 1,63%", ông Lâm nói.

Đồng thời, Việt Nam phải làm mọi cách để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng giữa các địa phương, và tuyệt đối không để đứt gãy cung ứng giữa thế giới với Việt Nam.

Nguồn: https://congly.vn/lam-phat-2022-dung-truoc-ba-ap-luc-chinh-204613.html