Lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 có thể vượt qua 4%
Cập nhật lúc: 10/03/2022, 06:51
Cập nhật lúc: 10/03/2022, 06:51
Lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 có thể vượt qua 4%
Năm 2021, Việt Nam đã thành công khi kiềm chế lạm phát, và chỉ tăng 1,84%, dưới 4% mục tiêu do Chính phủ đề ra. Trước thành công đó, Chính phủ tiếp tục đặt ra mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2022.
Thế nhưng, trước một số yếu tố không lường trước, như dịch bệnh bùng phát trở lại hay căng thẳng địa chính trị tại Ukraine, đã khiến giá nhiều mặt hàng nhiên liệu tăng phi mã. Điều này đã tạo ra áp lực rất lớn trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%.
Tại Diễn đàn trực tuyến “Kiểm soát lạm phát - Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế” diễn ra vào chiều 9/3, ông Nguyễn Xuân Định, Phó phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính dự báo, trong kịch bản xấu nhất, lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 có thể vượt qua 4%, dao động trong khoảng 3,6% - 4,3%.
Bởi theo ông Định, trong tình hình căng thẳng Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá của nhiều loại nhiên liệu đã tăng giá chóng mặt. Đơn cử, bình quân giá dầu trên thị trường Singapore trong tháng 1/2022 là 98 USD/thùng, nhưng trong mấy ngày qua đã tăng lên 130 USD/thùng.
Tương tự, giá than cũng tăng từ 200 USD/tấn lên 400 USD/tấn chỉ trong 2 tuần gần đây. Như vậy, giá than, giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngành điện và sản xuất điện.
“Nhiên liệu như xăng, dầu, than hay điện đều là những mặt hàng chi phối trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Bất kỳ lúc nào các mặt hàng nhiên liệu tăng giá, đều gây ra áp lực trong công tác kiểm soát lạm phát”, ông Định nói.
Ngoài các yếu tố liên quan tới nhiên liệu, đại diện Cục Quản lý giá còn cho rằng, trong năm 2022, Việt Nam còn chịu áp lực trong việc thực hiện lộ trình điều chỉnh dịch vụ công của Chính phủ.
“Trong năm 2021, Việt Nam chưa điều chỉnh một số giá của một số dịch vụ công do ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó, mọi áp lực đều đổ dồn trong năm 2022”, ông Định nói.
Việt Nam đang nhập khẩu lạm phát
Trong khi đó, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê bổ sung, hiện nay, Việt Nam đang phải chịu áp lực lạm phát từ 3 yếu tố.
Thứ nhất, ngay từ đầu năm 2022, tổng cầu trong nước đang tăng đột biến. Đặc biệt, trong 2 năm tới, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng được triển khai sẽ trở thành một xung lực khiến tổng cầu tiêu thụ nội địa tiếp tục tăng. Như vậy, khi nhu cầu nội địa tăng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lạm phát.
Thứ hai, kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Do đó, khi giá nhiên liệu thế giới tăng, lạm phát tại Việt Nam cũng sẽ tăng theo.
“Theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng thêm 10%, thì lạm phát sẽ tăng theo 0,26%. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, giá xăng đã tăng tới 60%, như vậy áp lực lạm phát là rất lớn. Nếu chỉ xét riêng 2 tháng đầu năm 2022, giá xăng đã tăng 45%. Lạm phát trong 2 tháng đó là 1,68%, riêng lạm phát liên quan tới xăng dầu là 1,63%”, vị chuyên gia này nói.
Cuối cùng, nguyên nhân gây ra lạm phát nặng nhất chính là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, ví dụ như đứt gãy chuỗi cung ứng khí đốt ở châu Âu.
“Ngay cả các quốc gia châu Âu cũng đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao. Mục tiêu của họ trong năm 2022 là dưới 2%, nhưng ở thời điểm hiện tại là 5,1% và còn có thể tăng nữa. Điều này cho thấy rằng, khi chúng ta nhập khẩu hàng hóa của họ, chúng ta cũng đang nhập khẩu chính lạm phát của họ”, ông Lâm nói.
Ông Nguyễn Bích Lâm cảnh báo: Trong trường hợp xấu nhất, lạm phát trở nên tồi tệ, có thể mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập. Như vậy, mọi kế hoạch kinh doanh, đầu tư sẽ phải xây dựng dựa trên mặt bằng giá khác, cao hơn.
Đó là chưa kể, khi xảy ra lạm phát, thu nhập thực của người dân cũng bị hao hụt, dồng tiền nội địa cũng trở nên mất giá.
Trước những yếu tố gây ra lạm phát, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, muốn kiềm chế lạm phát, trước mắt phải kiểm soát nguồn cung ứng sản phẩm ra thị trường, để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa. Đặc biệt là phải đảm bảo đủ các mặt hàng nhiên liệu như xăng, dầu, khí đốt.
Bên cạnh đó, ông Lâm nhấn mạnh, Việt Nam phải làm mọi cách để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng giữa các địa phương, và tuyệt đối không để đứt gãy cung ứng giữa thế giới với Việt Nam.
“Trong năm 2021, chúng ta phải đối mặt với tình trạng này, do chi phí vận tải đường biển tăng gấp đôi, thiếu container để thuê. Vì vậy, chúng ta phải làm mọi giá để hàng hóa xuất - nhập khẩu phải được thông suốt”, ông Lâm nói.
Ngoài 2 kiến nghị trên, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể kiểm soát lạm phát bằng cách điều hành chính sách tiền tệ hợp lý.
Nguồn: https://congluan.vn/lam-phat-cua-viet-nam-trong-nam-2022-co-the-vuot-qua-4-post184701.html
06:33, 05/03/2022
07:50, 03/03/2022
06:26, 03/03/2022