Lạ kỳ nơi học sinh cứ thấy khách là... bỏ chạy
Cập nhật lúc: 10/04/2019, 02:00
Cập nhật lúc: 10/04/2019, 02:00
Do đó, việc cho con em mình đến trường học con chữ còn khó khăn hơn gấp trăm lần. Không chỉ học sinh, những giáo viên nơi đây cũng phải nhọc nhằn “đánh vật” với con đường hiểm trở và điều kiện thiếu thốn để “cõng chữ” lên non.
Nhận thức của các em học sinh nơi đây thấp, nhưng các thầy cô không nản lòng mà tận tình chỉ cho các em từng chút một. Ảnh: Đức Huy
Được học tới đâu, mừng tới đấy
Dưới cái nắng như cháy da cháy thịt ở mảnh đất Tây Nguyên, chúng tôi có dịp tìm về Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Đắk Ngo). Từ thị xã Gia Nghĩa, chúng tôi phải “đánh vật” với con đường lởm chởm đá, sau vài giờ đồng hồ mới đến được ngôi trường.
Ngôi trường nhỏ, nằm lẩn khuất giữa bản Đoàn Kết. Khi chúng tôi đến các em nhỏ đang học tiết cuối để chuẩn bị ra về. Đâu đó ở các phòng học văng vẳng vang lên những tiếng ê a đọc bài của các em lúc trầm, khi bổng.
Khi mặt trời đã lên cao qua đầu ngọn núi thì tiếng trống trường cũng giục giã vang lên. Các em học sinh chào thầy cô xong vội vã ùa ra khỏi lớp học như đàn kiến vỡ tổ. Với đầu trần, chân đất cùng nước da đen nhẻm các em đùa nghịch nhau dưới nền đất đỏ, nắng cháy. Khi thấy có người lạ, các em chỉ trỏ nhau rồi vừa cười vừa tháo chạy…
Diện bộ quần áo truyền thống trên người, em Vừ Thị Xày (12 tuổi) nhưng chỉ học lớp 5 nên nhìn cao lớn hơn so với các bạn cùng trang lứa. Mặc dù lớn tuổi hơn các bạn, nhưng Xày vẫn tỏ vẻ thẹn thùng khi trò chuyện cùng chúng tôi.
Xày cho hay, em là con đầu trong gia đình có 3 chị em. Do hoàn cảnh khó khăn, nhà nương rẫy ít nên bố mẹ em phải đi làm thuê cho người ta. Chính vì vậy, mỗi ngày cứ tờ mờ sáng em phải dậy để chuẩn bị cơm nước cho bố mẹ đi làm và lo cho 2 em ăn rồi mới đi học. “Nhà em khó khăn, cái ăn bố mẹ còn lo chưa đủ nên em chẳng dám ước mơ điều gì. Em được bố mẹ lo cho đi học tới đâu thì mừng tới đấy. Sau đó em về làm rẫy phụ bố mẹ chứ bố mẹ làm sao lo nổi cho 3 chị em ăn học”, Xày ném ánh mắt về phía xa nói.
Cũng hoàn cảnh tương tự, em Hoàng Thị Phương (7 tuổi) cho biết, em là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em, nhưng nhà khó khăn nên các anh chị đi làm xa hết. Do đó ở nhà em phải chăm sóc em rồi phụ bố mẹ những công việc vặt trong nhà.
Nói về quãng đường đến trường của mình, Phương thoáng chút ngập ngừng rồi nói, mùa nắng với em, việc đi học dễ dàng nhưng mưa xuống, nước dâng lên khiến em gặp rất nhiều khó khăn. “Bình thường mưa xuống, nước lớn bố mẹ em chở em đi chứ em không giám tự đi vì sợ bị cuốn trôi. Nhưng chắc em lớn hơn tí phải tự đến trường để bố mẹ còn đi làm, khi đó em sợ đi đến trường bị té ngã, quần áo lấm lem bùn đất sẽ bị bạn cười chê”, Phương nghẹn ngào.
Khi được hỏi về ước mơ sau này của mình, Phương với đôi mắt ngấn lệ ngại ngùng chia sẻ: “Em mong mình học thật giỏi để sau này có thể làm bác sĩ chữa bệnh đau đầu cho mẹ. Không những thế, em cũng sẽ là bác sĩ giỏi, có tâm để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo. Nhưng chắc đó chỉ là giấc mơ…”, Phương buồn rầu nói.
Nhọc nhằn “cõng chữ” lên non
Do hoàn cảnh khó khăn nên Xày (bên trái) chẳng dám mơ ước gì cho tương lai sau này.
Thầy giáo Đào Công Chính (SN 1984, ở thị xã Gia Nghĩa) cho biết, thầy mới chuyển về dạy tại Trường Tiểu học Kim Đồng được 3 năm nay. Tuy nhiên, do nhà cách trường 60km, đường lại xấu nên hàng tuần thầy mới tranh thủ về thăm gia đình một lần.
Thầy Chính cho hay, vào mùa nắng thì không sao chứ khi mưa xuống thì quãng đường 60km đó thầy phải mất 3 tiếng đồng hồ mới có thể về đến nhà được. “Trước đây, khi con đường chưa được tu sửa, thứ 2 hàng tuần các thầy cô phải hẹn nhau ở ngã 3 Đông Dương cách trường 6km rồi mới cùng nhau chạy vào. Bởi khi đó đường hư hỏng, mưa xuống trơn trượt, bên dưới lại là vực sâu nên rất nguy hiểm nên nếu lạc tay lái có thể bỏ mạng như chơi. Có những ngày đường xấu, mọi người lại đi ủng, dắt bộ hoặc gửi xe ở nhà người dân rồi đi bộ vào trường. Khi đến nơi, quần áo của các thầy cô đều lấm lem bùn đất, mọi người phải thay đồ mới có thể lên lớp”, thầy Chính kể.
Nhà cách trường hơn 200km nên việc về nhà với cô Tạ Thị Lành (SN 1992, ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) là một điều vô cùng khó khăn. 6 năm giảng dạy tại Trường Tiểu học Kim Đồng với cô Lành là biết bao kỉ niệm, vui có buồn cũng có.
Cô Lành cho hay, ngày đầu mới vào trường với cô là những tháng ngày ám ảnh, bởi con đường đi lại và điều kiện vật chất vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Bên cạnh đó, những em học sinh nơi đây thuộc vùng khó khăn, điều kiện gia đình không có, tiếp thu kiến thức chậm nên việc dạy con chữ cho các em phải khó hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khi chứng kiến nhiều em học sinh mặc dù khó khăn nhưng các em rất chăm chỉ đi học nên càng ngày cô càng thương các em hơn.
Sau một thời gian dạy học tại đây, được các thầy cô dạy trước động viên, giúp đỡ và tình yêu thương các em học sinh khiến cô dần cảm mến vùng đất này. Giờ đây, việc lên lớp và mang con chữ đến cho học sinh vùng quê nghèo như một thói quen mà cô không thể từ bỏ.
Thầy Hoàng Văn Quyết - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm học này toàn trường có hơn 590 học sinh. Còn giáo viên, cán bộ thì có 20 người. Các thầy cô mỗi người đều có một hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, đa số các thầy cô ở xa nên việc về thăm gia đình bị hạn chế. Do đó, có những thầy cô phải đón Tết xa nhà vì hoàn cảnh không cho phép. Còn các em học sinh ở trường đa số có hoàn cảnh khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo hơn 90%. Bên cạnh đó các em là người đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức và tiếp thu chậm hơn những em học sinh ở nơi khác.
Ông Nguyễn Huy Công - Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo cho biết, tại Trường Tiểu học Kim Đồng khó khăn nhất là về cơ sở vật chất và các công trình phụ trợ. Bên cạnh đó, gia đình các em học sinh nơi đây đều có hoàn cảnh khó khăn. Một số em học sinh không có đủ điều kiện đến trường thường được bố mẹ đưa đi theo làm nương rẫy, nên nhiều khi các thầy cô phải đến tận nhà để vận động đến lớp.
Đức Huy
00:06, 28/03/2019
13:10, 12/03/2019
07:00, 01/03/2019