19/01/2025 | 12:09 GMT+7, Hà Nội

Liên tiếp nhiều học sinh đuối nước thương tâm: Đừng để chết oan vì thiếu kỹ năng sống

Cập nhật lúc: 28/03/2019, 00:06

Sau vụ 8 học sinh đuối nước thương tâm tại Sông Đà (Hòa Bình), nhiều ý kiến cho rằng học sinh hiện nay bị tai nạn đuối nước là do thiếu kỹ năng sống.

Có lẽ, đến lúc này, nhiều người vẫn còn bàng hoàng sau sự ra đi của 8 học sinh (phường Hữu Nghị, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Chỉ trong một buổi chiều, cả thành phố bên bờ sông Đà tang thương, ai nấy đều đau xót trước sự ra đi của 8 học sinh tiểu học và THCS.

Không chỉ Hòa Bình, chỉ vài ngày sau, chiều ngày 25/3 tại xã Đak Ta Ley (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), một nhóm học sinh của Trường Trung học Cơ sở Đăk Ta Lêu rủ nhau đi chơi ở khu vực thôn Nhơn Tân và xuống tắm ở ao tưới nước cà phê. Trong lúc tắm, 2 em T.M.V. (lớp 6A) và Đ.N.H. (lớp 7A) bị trượt chân rơi vào khu vực nước sâu, không thể tự bơi ra khỏi ao và tử vong.

 Khu vực bãi cát ven sông Đà nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm của 8 học sinh Hòa Bình.

Khu vực bãi cát ven sông Đà nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm của 8 học sinh Hòa Bình.

Cứ đến thời điểm nắng nóng, đặc biệt là mùa hè, khi mà học sinh được nghỉ học hay học ít thường rủ nhau đi tắm ao, tắm sông, suối và hầu như năm nào cũng có chuyện đau lòng xảy ra. Mỗi năm, cả nước mất đi hơn 2.000 trẻ em vì đuối nước, con số dù giảm đi hàng năm, nhưng vẫn ở mức cao và đáng báo động.

Theo các chuyên gia, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước ngoài việc thiếu sự quản lý của gia đình, nhà trường còn có nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kỹ năng sống. Các em chưa nhận biết được những nơi, những khu vực nguy hiểm, chưa có kỹ năng thoát hiểm, sinh tồn khi gặp tai nạn. Trẻ em đuối nước đa phần là chưa biết bơi - một kỹ năng mà hầu hết các nước phát triển đều trang bị tốt cho học sinh.

Trên thực tế, những giờ học kỹ năng sống cho học sinh hiện nay tại các trường học vẫn nặng về lý thuyết, chỉ học “suông” qua hình ảnh, lời đọc và hướng dẫn lý thuyết của giáo viên. Các kỹ năng ứng phó với tình huống nguy hiểm, thoát hiểm và sinh tồn vẫn còn chưa có, ngay cả môn bơi dù được khuyến khích nhưng nơi có, nơi không.

Cách đây cả chục năm, Bộ GD&ĐT cũng đã có chỉ đạo các Sở GD&ĐT trên cả nước triển khai công tác phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học. Theo đó, các tỉnh, thành phố sẽ triển khai mô hình thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp với từng địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều nơi vẫn “loay hoay” dạy bơi cho học sinh vì thiếu cơ sở vật chất, kinh phí và mang nặng yếu tố xã hội hóa.

Ngay cả ở những thành phố lớn, số trường có môn bơi lội cũng rất ít chứ chưa nói đến các trường ở vùng nông thôn. Nguyên do cứ mãi đổ thừa cho thiếu tiền mà không đưa ra những biện pháp cấp thiết khác như: phối hợp nhiều trường cùng xây hồ bơi; hợp tác với tư nhân dạy bơi ở hồ công cộng; sử dụng hồ bơi cao su, composit...

 Nhiều nơi tổ chức dạy bơi cho học sinh, song không phải nơi nào cũng có.

Nhiều nơi tổ chức dạy bơi cho học sinh, song không phải nơi nào cũng có.

Đánh giá về tình trạng học sinh gặp tai nạn thương tâm do thiếu kỹ năng sống hiện nay, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, ngay cả ở các thành phố lớn cũng có nhiều trường chưa chú trọng dạy kỹ năng sống cần thiết cho học sinh, thậm chí phụ huynh cũng chưa quan tâm lắm đến vấn đề này. Nhiều nơi chỉ chú trọng dạy văn hóa, chưa quan tâm đến dạy kỹ năng sống.

Cũng theo TS. Lâm, thực tế cho thấy, các em học sinh, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi gặp rất nhiều khó khăn do đi học xa, có nhiều nguy hiểm rình rập trên đường đi học nên cần phải có sự kết hợp chặt chẽ hơn từ phía phụ huynh và nhà trường để trang bị kỹ năng sống cho các em, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Các em học sinh thích tìm tòi, khám phá… do đó rất dễ gặp tai nạn và không biết xử lý tình huống. Vậy nên, các trường cần nâng cao biện pháp an toàn cho học sinh khi tham quan, dã ngoại. Hãy trang bị tốt kiến thức để làm hành trang cho học sinh trong mỗi chuyến đi và cuộc sống thường ngày” - TS. Lâm chia sẻ thêm.

Ngay sau vụ việc ở Hòa Bình, ngày 21/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã yêu cầu Bộ LĐTBXH, cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về trẻ em, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong mùa mưa bão và mùa nước nổi; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước...

Tiếp tục hướng dẫn triển khai thực hiện việc xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em.

 

Quang Anh