19/01/2025 | 11:53 GMT+7, Hà Nội

Làm thế nào để không còn những vụ trẻ em đuối nước thương tâm?

Cập nhật lúc: 25/03/2019, 13:41

Vụ 8 học sinh Hoà Bình đuối nước thương tâm trên sông Đà chiều 21/3 tại bến sông thuộc phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình khiến cả nước bàng hoàng, đau xót. Như vậy, chưa đầy 3 tháng đầu năm, cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ học sinh, trẻ nhỏ đuối nước tập thể khiến dư luận không khỏi xót xa, lo lắng. Đây không chỉ là nỗi đau của những người có con bị tử vong mà còn là nỗi canh cánh, bất an của bất kỳ bậc cha mẹ nào khi chưa trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết về bơi lội và xử lý tình huống dưới nước.

Những câu chuyện đau lòng

Theo người dân địa phương vào khoảng 15g chiều ngày 21-3, có 10 học sinh thuộc hai Trường tiểu học và Trung học cơ sở Hữu Nghị đều ngụ ở phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) rủ nhau ra bãi cát bên mép sông Đà để chơi bóng. Sau khi đá bóng xong thì 8 trong số 10 học sinh đã rủ nhau ra sông tắm và nhờ bạn còn lại trên bờ trông quần áo, giày dép. Khoảng 30 phút sau nước sông Đà bắt đầu dâng lên, đẩy các em ra xa bờ hơn. Lúc này thấy các bạn của mình kêu cứu, chới với cánh tay, thì hai bạn ở trên bờ đã nhanh chóng thông báo cho người lớn đến để vớt các học sinh đang bị đuối nước.

lam the nao de khong con nhung vu tre em duoi nuoc thuong tam
Sông Đà nơi 8 học sinh xuống tắm tử vong thương tâm sau trận bóng buổi chiều ngày 21/3.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Ngọc Hiển (50 tuổi) người địa phương sống gần khúc sông nơi các học sinh gặp nạn đã có mặt cùng với cơ quan chức năng liên quan tham gia cứu các học sinh. Tại thời điểm nước sông tiếp tục dâng cao nên lực lượng cứu hộ phải dùng đến thuyền chài đưa lưỡi câu để rà tìm kiếm các cháu đến khoảng 16g30 thì lực lượng cứu hộ đã tìm thấy bốn học sinh còn lại. Toàn bộ 8 em học sinh bị đuối nước đều tử vong, nỗi đau bao trùm khắp nơi là tiếng khóc của người già, trẻ nhỏ, của người mẹ mất con, ông mất cháu.

Hàng ngàn người dân, học sinh đã có mặt từ sáng sớm ngày 22-3 ở phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình, Hòa Bình) để tiễn đưa 8 học sinh trong nỗi đau khôn xiết. Các em học sinh đến tiễn đưa bạn trong trang phục áo trắng, khăn quàng với những đôi gò má đẫm đầy nước mắt xót thương bạn mình khi chiếc xe tang chuẩn bị lăn bánh đưa học sinh “Sự ra đi đột ngột của bạn ở tuổi đời còn quá nhỏ bỏ lại những ước mơ còn dang dở”, một bạn học của em học sinh xấu số khóc nói.

Mới đây thôi, ngày 11/3, sau khi đi học về, một nhóm học sinh cùng trú tại làng Greo Pết (xã Dun, huyện Chư Sê, Gia Lai) rủ nhau đi tắm tại một ao nước trong làng. Trong lúc chơi đùa, 2 anh em sinh đôi bị đuối nước. Thấy vậy, một bé trai 7 tuổi đã lao xuống cứu nhưng không thành. Hậu quả, khiến cả 3 cháu đều bị chết đuối. Trước đó, chiều ngày 8/2, 8 học sinh lớp 9 của Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) đến bãi biển Bình Minh (Thăng Bình) để tắm. Sóng lớn bất ngờ ập đến khiến cả nhóm bị cuốn trôi. Nghe tiếng kêu cứu, người dân địa phương đến hỗ trợ, đưa được hai em lên bờ đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch trong khi 6 em còn lại đều đã tử vong.

Vì sao đuối nước gây tử vong hàng đầu ở trẻ em?

Chiều tối ngày 21/3/2019, ngay sau sự việc 8 học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ra sông Đà chơi và bị đuối nước tử vong, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về trẻ em đã chỉ đạo Bộ LĐTB&XH, cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về trẻ em có Công văn số 1123 gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em như: tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong mùa mưa bão và mùa nước nổi; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; quan tâm hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em tại địa phương…

lam the nao de khong con nhung vu tre em duoi nuoc thuong tam
Người dân bàng hoàng đau xót không tin được 8 học sinh của một phường đã mãi mãi ra đi.

Cũng liên quan đến phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em, ngày 5/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em. Như vậy, vấn đề phòng chống thương tích đuối nước cho trẻ em rất được quan tâm từ trước đến nay và các vấn đề mà Công văn số 1123 đề cập tới một lần nữa nhắc đến các vấn đề tưởng như đã biết rất rõ. Nhưng tại sao đuối nước sao cứ mãi là nguyên nhân cao nhất làm chết trẻ em?

Tổng hợp từ thực tiễn các địa phương có thể thấy, khó khăn lớn nhất vẫn là việc dạy bơi. Cách đây không lâu, trả lời truyền thông về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết việc dạy bơi trong nhà trường hiện gặp khó khăn lớn vì thiếu hồ bơi. Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước cũng cho biết, ở nông thôn, việc dạy bơi cho học sinh gần như còn “trắng”. Như nhiều địa phương khác, tại đây chương trình học hiện nay chủ yếu tập trung dạy kiến thức căn bản và các hoạt động ngoại khóa chứ chưa tập trung dạy bơi lội, kỹ năng thoát hiểm cho học sinh….

Đầu năm 2017 tại cuộc hội thảo “Vận động xây dựng chính sách và bàn giải pháp hỗ trợ phòng, chống đuối nước trẻ em”, Bộ LĐTB&XH đã cho biết, mới có 30% trẻ em trong lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết bơi. Việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn. Trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống tại các xã nghèo rất khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Muốn có bể bơi và dạy bơi được cho trẻ em thì phải có tiền, đây mới chính là vấn đề mấu chốt khó giải quyết nhất. Ông Nguyễn Trọng An nguyên phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH đã từng cho biết từ năm 2011-2012 đã có chương trình vận động đưa dạy bơi thành một chương trình quốc gia về giáo dục, kiểu bên cạnh dạy nhảy cao, nhảy xa thì dạy bơi. Đã nhiều lần các cơ quan chức năng góp ý cho dự thảo này, nhưng cuối cùng không đưa vào được và lý do được đưa ra là không có kinh phí. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng ngành giáo dục nên cân nhắc tới việc đề xuất cho phép xã hội hoá bể bơi trường học để cả xã hội có cơ hội cùng chung tay thực hiện việc dạy bơi cho trẻ em. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý tới việc dạy các kỹ năng sinh tồn, sống sót trong chương trình dạy và học trong nhà trường, để trẻ em có cơ hội sống sót khi có chuyện không may xảy ra.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục nhiều địa phương đã chú trọng việc "xóa mù bơi" cho học sinh bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc tăng cường các lớp học bơi vào dịp hè, phổ biến kiến thức về tai nạn đuối nước cho học sinh. Tuy nhiên, chỉ nỗ lực của nhà trường sẽ không đủ để kiềm chế gia tăng các vụ đuối nước thương tâm. Cần có sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức, chính quyền địa phương và ý thức của các bậc phụ huynh.

lam the nao de khong con nhung vu tre em duoi nuoc thuong tam
Để phòng chống đuối nước, đối với trẻ em cần trang bị cho các em kỹ năng bơi lội.

Vụ đuối nước để lại hậu quả vô cùng đau xót mới nhất tại Hòa Bình, cướp đi sinh mạng 8 học sinh là bài học cảnh tỉnh sâu sắc cho câu chuyện này. Theo những người dân sống gần khu vực xảy ra tai nạn, đoạn sông nơi 8 học sinh gặp nạn là khúc cua của sông Đà, rộng chừng 600 mét, cách thủy điện Hòa Bình khoảng 2 km. Dòng nước ở đây được dân bản địa đánh giá "chảy không xiết" nhưng có một hố sâu, nước xoáy mạnh. Đoạn sông này năm nào cũng có người đuối nước nên chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo và cấm bơi lội. Tuy nhiên thời gian gần đây, nước lũ đã cuốn trôi tấm biển và chưa được cắm lại.

Như vậy, để góp phần hạn chế tai nạn đuối nước, đặc biệt đối với trẻ em, các địa phương cần lưu ý quây rào, cắm biến cảnh báo, biển cấm tại các khu vực ao hồ nguy hiểm. Mùa hè sắp đến, tại mỗi gia đình, các bậc phụ huynh cần phải chú trọng đến các biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em, trong đó nên quan tâm dạy cho con kỹ năng bơi lội và tuân thủ những cảnh báo để tránh rủi ro. Trẻ nhỏ rất hiếu động và thích khám phá. Hãy đảm bảo trẻ bơi lôi trong tầm mắt người lớn để đảm bảo an toàn.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em bị đuối nước là do không có người lớn giám sát. Trong khi, những đứa trẻ này lại không có kỹ năng và không hề lường trước được sự nguy hiểm khi đến gần sông, hồ… Chẳng may, một người trong nhóm đang bơi bị chuột rút, tất sẽ cả lao vào cùng cứu, níu kéo nhau dẫn đến cùng chết đuối.

Từng là người có nhiều năm làm Giám đốc Chương trình quốc gia phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, theo ông An cần phải thực hiện tốt một số biện pháp phòng tránh đuối nước cơ bản. Trong đó, đầu tiên và quan trọng nhất là các bậc cha mẹ phải luôn để mắt tới con nhỏ, đặc biệt dưới 5-6 tuổi. Nếu trẻ lớn hơn, phải dặn dò các con không được đến gần sông, hồ, không đi theo các bạn xuống nước nếu không có người lớn đi cùng. Tiếp đến là nhà trường và gia đình phải luôn có sự phối hợp để theo dõi, quản lý các em, đặc biệt vào những tháng cuối học kỳ II, thời điểm đầu mùa nắng nóng. Ngoài ra, cần luyện tập cho trẻ kỹ năng sơ cấp cứu, bơi tự cứu, bơi cứu đuối và không phải học bơi để lấy thành tích. “Khi có bạn ngã xuống nước phải hô hoán kêu gọi mọi người quăng dây, quăng phao, cành cây, khúc gỗ… để cứu chứ không được ào ào nhảy xuống. Những chỗ sâu, trơn trượt, nước chảy phải có biển báo, rào chắn, người cảnh giới…”, ông An chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Trọng An đuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu cha mẹ chú trọng đến việc dạy kỹ năng cho con em mình. Việc đầu tiên là phải dạy trẻ biết bơi. Ông dẫn chứng, tại các nước phát triển như Úc, Newzealand, trẻ biết bơi trước khi biết đi, thì tại Việt Nam tỉ lệ trẻ em biết bơi, đặc biệt là bơi cứu đuối, tự cấp cứu còn rất thấp. Trong khi đó, môi trường sống của trẻ Việt Nam lại có nhiều ao hồ, mương, kênh, rạch, sông , suối… tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước. Bác sĩ Nguyễn Trọng An nhấn mạnh, việc dạy bơi, học bơi là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em. Việc dạy này phải thường xuyên như dạy trẻ tập "mốt-hai" trong trường học.

Điều tra nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp

Ngày 22/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc 8 cháu nhỏ bị đuối nước ở tỉnh Hòa Bình. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo điều tra làm rõ nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp làm các cháu bị đuối nước và báo cáo trước ngày 30/3. Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về trẻ em số 1123/UBQGTE ngày 21/3/2019 về tăng cường các biện pháp phòng chống đuối nước trẻ em.

Trang Nhi