19/01/2025 | 16:23 GMT+7, Hà Nội

Giáo viên đánh học sinh: “Lỗi” tư duy lạc hậu, áp đặt

Cập nhật lúc: 01/03/2019, 07:00

Dù đã có nhiều trường hợp bị kỷ luật, thậm chí sa thải khỏi ngành Giáo dục nhưng ngay đầu năm 2019 lại đã có thêm vụ giáo viên bạo hành học sinh gây nhức nhối dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài áp lực từ việc dạy học, chính giáo viên cũng đã quen với cách áp đặt và tư duy đánh, phạt để “giúp” học trò tiến bộ.

 

 Dù ngành Giáo dục có nhiều biện pháp chấn chỉnh, song vẫn xảy ra tình trạng giáo viên đánh học sinh. Ảnh: TL

Dù ngành Giáo dục có nhiều biện pháp chấn chỉnh, song vẫn xảy ra tình trạng giáo viên đánh học sinh. Ảnh: TL

Thêm vụ việc giáo viên phạt đánh học sinh

Mới đầu năm 2019, song câu chuyện học sinh bị giáo viên bạo hành vẫn tiếp tục trở thành nỗi bức xúc không chỉ đối với phụ huynh và ngay cả những nhà giáo cũng cảm thấy buồn lòng. Năm 2018, vô số những vụ việc xảy ra đó là các hình phạt tát học sinh, đánh, trói học sinh ở nhiều nơi như: Hà Nội, TPHCM, Quảng Bình, Nam Định… khiến dư luận lên án mạnh mẽ. Gần đây nhất là vụ việc giáo viên tiểu học ở Lạng Sơn bị tố dùng thước đánh gây thương tổn mắt học sinh, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc để làm rõ.

Trong khi vụ việc ở Lạng Sơn đang được làm rõ, dư luận xã hội cũng hết sức quan tâm tới vụ việc một thầy giáo ở An Giang bị gia đình học sinh tố giác đánh vẹo cột sống con em mình ngay trên lớp học. Lãnh đạo Sở GD&ĐT An Giang cho biết, đã có thông cáo báo chí về việc giáo viên đánh học sinh tại Trường THCS Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Phú Tân: Vào ngày 19/1 trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm lớp, thầy giáo L.T.T - giáo viên chủ nhiệm lớp 7A3 Trường THCS Long Hòa có phạt đánh nhiều roi 4 học sinh, trong đó có em P.T.M.T. Đến sáng 22/2, gia đình em M.T đến trường phản ánh sự việc con bị thầy T đánh vẹo cột sống, có chụp X quang.

Đến ngày 23/2, trường thành lập đoàn, gồm Ban Giám hiệu trường, công đoàn, đại diện Hội Cha mẹ học sinh và giáo viên về hưu cùng thầy T đến nhà học sinh để xin lỗi và bồi thường tiền thuốc. Tuy nhiên, đoàn công tác của nhà trường và thầy T chưa nhận được sự thông cảm của gia đình em M. T. Nhận thấy sự việc nghiêm trọng vì giáo viên L.T.T đã vi phạm đạo đức nhà giáo nên Sở GD&ĐT An Giang yêu cầu Phòng GD&ĐT chỉ đạo tạm đình chỉ công tác giáo viên L.T.T, báo cáo chính quyền địa phương xác minh và xử lý theo qui định pháp luật.

Sở cũng chỉ đạo nhà trường cần quan tâm và tạo điều kiện cho học sinh M.T ổn định sức khỏe và an tâm tiếp tục đến trường. Từ sau vụ việc xảy ra, em T đi học bình thường nhưng chiều ngày 25/2 thì em M.T nghỉ học và có ý xin chuyển trường. Sở GD&ĐT An Giang cũng cho biết, sẽ thông tin báo chí kết quả xử lý sai phạm của giáo viên L.T.T. Trước đó, vào ngày 25/12, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã có yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh An Giang chỉ đạo kiểm tra, xác minh và phối hợp với các Ban, ngành liên quan xử lý nghiêm minh vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo nói trên (nếu có).

Vì đâu liên tục tái diễn?

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ học sinh bị bạo hành cả về thể chất và tinh thần do thầy cô gây ra khiến cả xã hội lo lắng, bất an. Tuy nhiên, dù xã hội lên án, cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhiều giáo viên bị kỷ luật, sa thải… song tình trạng này vẫn tiếp diễn. Chứng kiến câu chuyện học sinh bị bạo hành liên tiếp trong thời gian qua, TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), người có hàng chục năm làm hiệu trưởng cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ chính suy nghĩ lạc hậu và áp đặt của giáo viên.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Hòa, giáo viên vi phạm đạo đức, có hành động phản giáo dục bắt nguồn sâu xa từ lối tư duy giáo dục cũ, lạc hậu. Giáo viên áp đặt, nên buộc học sinh phải tuân thủ, nếu không tuân thủ sẽ bị coi là vi phạm, bị phạt, thậm chí bị giáo viên đánh. “Trong phạm vi nhà trường, ngoài chuyện thi đua còn “đóng khung” đánh giá học sinh phải ngoan ngoãn, ngồi im, nghe lời giáo viên và phải học giỏi. Những học sinh không nghe lời bị coi là hư, từ vi phạm quy định nhà trường mà bị giáo viên kỷ luật, trong đó có cả xúc phạm, đánh đập. Chính những điều này bắt nguồn từ việc giáo viên trước đây được giáo dục theo cách đó, thì nay quay sang áp dụng cho học sinh mình dạy”, TS Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, thông thường do học sinh lo sợ nên giấu kín, giáo viên bạo hành học sinh ở mức độ nhẹ thường không phải chịu trách nhiệm vì phụ huynh cả nể bỏ qua, nhà trường vì danh tiếng mà xử lý ở mức độ nhẹ. Sau các sự việc cho thấy, dù giáo viên có mong muốn tốt cho học sinh, dùng đòn roi để răn đe các em học bài, ngoan ngoãn, nhưng đây là cách làm đã quá lạc hậu. Việc ép buộc sẽ khó có kết quả tốt, không mang tính lâu dài. Đánh học sinh cũng sẽ tạo ra những thương tổn, ảnh hưởng đến tâm lý. Giáo viên đánh học sinh cho thấy, khâu đào tạo giáo viên hiện nay còn bộc lộ nhiều bất cập, giáo viên chưa được trang bị đầy đủ hành trang sư phạm.

Tại buổi Tọa đàm “Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp” do Bộ GD&ĐT phối hợp với ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức vào cuối năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã chỉ ra những áp lực của giáo viên đến từ nhiều phía trong đó có cơ chế chính sách, thu nhập, rồi đến môi trường xã hội, gia đình, thậm chí là học sinh. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Giáo viên đang chịu nhiều áp lực nhưng không thể vin vào đó để đi ngược lại chuẩn mực đạo đức. Trách nhiệm của chúng ta là làm cho các thầy cô yên tâm. Cái gì sai thì phải sửa, không sửa được thì đưa ra khỏi ngành. Còn những thầy cô làm tốt, chúng ta phải động viên, bảo vệ”.

Để ngăn chặn tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, vừa qua Bộ GD&ĐT đã có công văn về tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Bộ cũng đã ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã nhiều lần đề cập tới quan điểm, sẽ kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo.

 

Quang Anh