19/01/2025 | 06:19 GMT+7, Hà Nội

Kinh tế Việt Nam đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh

Cập nhật lúc: 07/06/2022, 09:00

Kinh tế quý I/2022 đã quay trở lại đà tăng trưởng cao, đạt trên 5%. Các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng mạnh.

Những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2022 cho thấy, kinh tế Việt Nam đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh như trước đại dịch.

Thông tin cho biết, chiều 5/6, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và đồng chủ trì phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Chính phủ tổ chức.

Kinh tế Việt Nam đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh
Kinh tế Việt Nam đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh

Với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới", Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 600 đại biểu đến từ các đại diện của Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương và nhiều chuyên gia, diễn giả trong nước, quốc tế.

Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu đánh giá, trong 2 năm qua, nền kinh tế Việt Nam phải đối diện với hàng loạt những khó khăn chưa có tiền lệ do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội rất đáng khích lệ trong những tháng đầu năm 2022 cho thấy, kinh tế Việt Nam đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh như trước đại dịch.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Nhấn mạnh của ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: "Kinh tế quý I/2022 đã quay trở lại đà tăng trưởng cao, đạt 5,03%. Các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng mạnh, niềm tin của người các nhà đầu tư tăng lên. Cách đây hơn 1 tuần, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc và dự báo tăng trưởng GDP 2022 của Việt Nam khoảng 6,9%".

Ông Yoshiki Takeuchi, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đánh giá: "Nhờ có các chính sách, chiến lược phòng chống dịch Covid-19 rất linh hoạt, nên trong 2 năm khó khăn vừa qua, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới duy trì tăng trưởng kinh tế dương. Năm 2021, do biến chủng Delta lây lan rất nhanh, Việt Nam đã buộc phải áp dụng các biện hành chính nghiêm khắc, nhưng cuối năm 2021, đã chuyển hướng kịp thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nhờ có chương trình tiêm chủng vaccine hết sức hiệu quả và thành công".

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam cho hay: "Trong giai đoạn dịch bệnh, lần đầu tiên thế giới có sự suy giảm kinh tế và bất ổn nhưng Việt Nam vẫn bình ổn vĩ mô. Nhớ lại giai đoạn 1997-1998 và 2007, những năm gần đây, tất cả những cú sốc bên ngoài đều dội vào Việt Nam, làm cho chúng ta bất ổn kinh tế vĩ mô nhưng lần này chúng ta chưa bị. Điều này chứng tỏ chúng ta đã có mức độ tự chủ và sự chủ động, khả năng chống chịu rủi ro tốt hơn rất nhiều so với trước".

Các ý kiến tại Diễn đàn nhận định, tác động của đại dịch cũng những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới đã và đang đặt ra yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; trong đó, cần tận dụng được cơ hội và vượt qua những thách thức để phát triển bền vững trong thời gian tới.

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, nhận định: "Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô như hiện nay; đồng thời, phải cải cách mạnh mẽ hơn về thể chế, quản trị, quản lý dữ liệu minh bạch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường năng lực phân tích dự báo của ngân hàng nhà nước, quản lý nợ xấu theo các chuẩn quốc tế và củng cố các quy định, cơ chế về quản lý rủi ro".

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, khẳng định: "Với mức nợ công thấp, Việt Nam đã có vị thế tốt khi nằm trong 40 quốc gia có nợ công thấp nhất. Việt Nam cũng đang mạnh về chính sách quản lý tài khóa, là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Với nền kinh tế rất mở, các bạn cần đa dạng thị trường xuất khẩu, tiến lên các nấc cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Về đầu tư FDI, Việt Nam không chỉ tập trung vào số lượng, mà cần quan tâm cả chất lượng, giá trị gia tăng và công nghệ cao".

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội rất đáng khích lệ trong những tháng đầu năm 2022 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh như trước đại dịch. Tuy nhiên, tác động của đại dịch vừa qua cùng với sự xuất hiện nhiều biến cố mới thuộc về bối cảnh quốc tế, điển hình là xung đột tại Ukraine đã và đang đặt ra yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn, thực chất và hiệu quả hơn việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/kinh-te-viet-nam-dang-tro-lai-quy-dao-tang-truong-nhanh-67872.html