19/01/2025 | 12:11 GMT+7, Hà Nội

Kinh tế Việt Nam 2022: Kỳ vọng khởi sắc với chương trình phục hồi chưa từng có trong lịch sử

Cập nhật lúc: 02/02/2022, 06:15

Với chương trình phục hồi kinh tế chưa từng có tiền lệ, các chuyên gia kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc trong năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp sẽ phục hồi và phát triển lên tầm cao mới.

Phát biểu trước Quốc hội vào cuối tháng 10/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dùng từ “nặng nề” để nói về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Ông nhấn mạnh năm 2022 là năm bản lề của giai đoạn 2021-2025, nhiệm vụ phát triển là rất lớn, nhưng lại trong bối cảnh đất nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19.

Tuy vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến ý chí quyết tâm cao và niềm tin để đạt được những mục tiêu đề ra. Đồng tình, nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ niềm tin về triển vọng kinh tế năm 2022, nhất là khi Quốc hội sẽ xem xét thông qua một chương trình phục hồi kinh tế chưa từng có tiền lệ ngay đầu năm.

“Chương trình phục hồi kinh tế mạnh dạn, đủ lớn sẽ giúp lấy lại đà tăng trưởng”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng chia sẻ.

Kịch bản kinh tế khởi sắc
“Giai đoạn khó khăn nhất với kinh tế Việt Nam đã qua đi”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định. Ông nhắc lại năm 2021 là năm khó quên với kinh tế Việt Nam, khi GDP quý III giảm kỷ lục do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Nhiều vùng kinh tế trọng điểm quan trọng gần như trong tình trạng “đóng băng”.

Tuy vậy, hiện tại khi tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam đã tăng lên, nền kinh tế đang phục hồi rất nhanh. Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong các tháng cuối năm 2021 không ngừng tăng nhanh. Việt Nam cũng dần thích ứng với dịch khi thực hiện Nghị quyết 128 với một nền kinh tế đang bước vào một giai đoạn “bình thường mới”.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam còn bày tỏ niềm tin rất lớn với chương trình phục hồi kinh tế sắp được xem xét thông qua, ông ví giống như có thêm “đòn bẩy” cực mạnh. Ông đánh giá gói phục hồi kinh tế hiện tại là rất kịp thời, được tung ra đúng lúc mà cộng đồng doanh nghiệp đang cần nhất để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo những thông tin ban đầu, chương trình phục hồi kinh tế có thể sẽ là lớn nhất trong lịch sử kinh tế Việt Nam, chưa có tiền lệ. Các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận vốn, đẩy mạnh sản xuất, lưu thông, để vươn lên sau dịch. Cùng với đó, Chính phủ sẽ đầu tư mạnh mẽ vào các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, kích thích tiêu dùng trong nền kinh tế…

Bộ Tài chính dự kiến đề xuất dùng ngân sách để cấp bù lãi suất, với mong muốn tung ra nền kinh tế khoảng 1 triệu tỷ đồng vốn rẻ với lãi suất chỉ khoảng 4%. Ngoài ra, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu hoặc công trái để huy động tiền trong dân. Gói này dự kiến huy động khoảng 180.000 tỷ đồng, giúp có nguồn lực phục hồi kinh tế.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc - nguyên Chủ tịch VCCI, cho rằng chương trình phục hồi kinh tế lúc này giống như “tiếp máu” vào nền kinh tế. Do vậy, ông nhận định triển vọng kinh tế năm 2022 là rất khởi sắc, nhiều cơ hội, giúp doanh nghiệp có thể thúc đẩy tái khởi động, vươn lên mạnh mẽ, phát triển ở một tầm cao mới so với trước kia.

Những ngành nào sẽ là động lực cho nền kinh tế?
Theo nhiều chuyên gia, tác động của dịch COVID-19 dẫn đến những thay đổi lớn về thị trường, hành vi tiêu dùng, cơ cấu sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, với triển vọng từ chương trình phục hồi kinh tế, nhiều ngành được dự báo sẽ tăng tốc, trở thành những động lực quan trọng dẫn dắt nền kinh tế trong năm 2022.

Ông Đặng Xuân Quang - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF), đưa ra một số dự báo về những ngành triển vọng trong năm nay.

Với chương trình phục hồi kinh tế tập trung nhiều vào xây dựng các dự án hạ tầng trọng điểm, các công trình mang tính chất lan tỏa quốc gia, ông Quang cho rằng nhóm ngành được kích thích bởi đầu tư công sẽ rất khởi sắc. Đó là các ngành như xây dựng cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật số…

Trong năm 2021, vẫn còn khoảng hàng trăm nghìn tỷ vốn đầu tư công chưa được giải ngân, cộng thêm số vốn khoảng 500.000 tỷ của năm 2022. Đó là chưa kể hàng tỷ USD vốn từ chương trình phục hồi kinh tế đổ vào nền kinh tế. Như vậy, nhóm ngành trên sẽ được ưu tiên hàng đầu, giúp kinh tế khởi sắc, dẫn dắt đầu tư tư nhân, kích thích mọi thành phần khác trong nền kinh tế.
Nhóm ngành thứ hai được ông Quang dự báo sẽ tăng tốc là điện tử, dệt may, thủy sản, đồ gỗ, cao su, sắt thép… Đây đều là những ngành mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu và phần nào bị gián đoạn trong năm 2021. Tuy vậy, khi kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tăng lên thì xuất khẩu của Việt Nam được dự báo tiếp tục triển vọng.

Chương trình phục hồi kinh tế cũng nhắm đến kích thích tiêu dùng nội địa, do vậy, ông Quang dự báo các nhóm ngành thực phẩm và đồ uống, bán lẻ, hàng không, du lịch… sẽ có bước tiến lớn trong năm 2022.

Phó Giám đốc NCIF còn dự báo nhóm ngành thương mại điện tử, logistics sẽ tiếp tục tăng tốc. Nhóm ngành này vốn đã có đà tăng trưởng khi thói quen tiêu dùng của người dân ngày càng phổ biến trong lúc dịch. Đến năm 2022, khi tiêu dùng nội địa được kích thích sẽ giúp nhóm ngành này càng bùng nổ.

Cuối cùng, với xu hướng chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn sau tác động của đại dịch COVID-19, ông Quang dự báo nhóm ngành công nghệ thông tin, phần mềm doanh nghiệp, thiết bị và dịch vụ công nghệ thông tin… cũng sẽ tăng cả về tốc độ lẫn quy mô.

Cẩn trọng với những thách thức tiềm ẩn
Dù nền kinh tế có nhiều tín hiệu khởi sắc, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ diễn ra những đợt dịch mới. Do vậy, ông cho rằng cần có nhiều kịch bản phát triển kinh tế, giúp ứng phó với những biến động từ bên ngoài và bên trong.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nêu ra 2 vấn đề đòi hỏi Chính phủ phải rất lưu ý khi thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đó là kiểm soát lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Ông cho rằng năm 2022 sẽ chứng kiến việc kiểm soát lạm phát rất khó khăn. Khi kinh tế thế giới phục hồi, nhiều bất ổn trong khu vực và trên thế giới, giá nguyên vật liệu đầu vào của nhiều ngành kinh tế sẽ tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Trong khi đó, khi chương trình phục hồi kinh tế được tung ra với sự kích thích tiêu dùng, có thể dẫn đến “lạm phát cầu kéo”, nghĩa là giá cả leo thang nếu hàng hóa khan hiếm, năng lực sản xuất trong nước không đáp ứng được.

Về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng vẫn rất cần sự nỗ lực của Chính phủ. Năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công đã không đạt kế hoạch đề ra, phải chuyển sang năm 2022. Trong khi đó, một lượng vốn lớn khác cũng sắp được tung vào nền kinh tế. Do vậy, khả năng hấp thụ vốn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục hồi và tăng trưởng GDP.

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng gói kích thích kinh tế quan trọng không kém gì tiền là phải tiếp tục cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ông cho rằng cần phải áp dụng một giải pháp phi tài chính hay nói khác là các cơ chế về các thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất kinh doanh, đầu tư toàn xã hội.

Theo đó, cần rút gọn các thủ tục quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh, kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến và không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Ông Lộc tin tưởng với chương trình phục hồi kinh tế chưa từng có tiền lệ, Chính phủ cũng sẽ có những giải pháp để chính sách đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận. Như vậy, triển vọng kinh tế 2022 sẽ rất khởi sắc.

Nguồn: https://congluan.vn/kinh-te-viet-nam-2022-ky-vong-khoi-sac-voi-chuong-trinh-phuc-hoi-chua-tung-co-trong-lich-su-post178407.html