19/01/2025 | 12:02 GMT+7, Hà Nội

Bộ KH&ĐT đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai phục hồi nền kinh tế

Cập nhật lúc: 31/01/2022, 10:04

Tại chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Bộ KH&ĐT đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ

Thông tin liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế khoảng 350 nghìn tỷ, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ coi đây là nội dung hết sức quan trọng để thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, Bộ KH&ĐT đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan.

Theo ông Trần Duy Đông, ngay trong phiên họp Chính phủ sáng 28/1/2022, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ 1 Nghị quyết gồm 2 nội dung. Nội dung thứ nhất là chương trình phục hồi; Nội dung thứ hai, là triển khai Nghị quyết 43 – Quốc hội khóa XV về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi.

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra nhằm phục hồi, phát triển nền kinh tế.
5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra nhằm phục hồi, phát triển nền kinh tế.

"Trong chương trình này, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ và thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để triển khai phục hồi nền kinh tế", Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Cụ thể: Nhóm thứ nhất là, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực kinh tế, phòng chống dịch bệnh. Theo ông Trần Duy Đông, đây là nhóm giải pháp hết sức quan trọng bởi thời gian qua, dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là biến chủng Delta với số người nhiễm bệnh rất nhiều, chưa kịp tiêm chủng đầy đủ đã gây áp lực rất nhiều đến y tế dự phòng.

Thứ hai là đảm bảo an sinh xã hội, việc làm. Trong đó, sẽ tập trung cho người công nhân ở các khu công nghiệp, các khu trọng điểm, hỗ trợ thuê mua nhà xã hội…

Thứ ba là, hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. "Trong đó có nhiều giải pháp trước đây tiếp tục triển khai như miễn giảm tiền thuê đất, thuế trước bạ, cho vay hỗ trợ lãi suất ở một số ngành, lĩnh vực", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết.

Thứ tư là đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, nội dung này đã được thể hiện qua Nghị quyết 44 của Quốc hội khóa XV. Trong đó, sẽ tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thành dứt điểm 12 tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Cuối cùng là tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ông Trần Duy Đông cho biết, đây là nội dung hết sức quan trọng khi chúng ta mở cửa, các doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài quay trở lại hay mở cửa du lịch quốc tế…

"Trong Nghị quyết này, chúng tôi cũng tham mưu cho Chính phủ là cơ bản, trong điều kiện cấp bách cần triển khai ngay gói hỗ trợ và giải ngân trong 2 năm 2022 - 2023. Các nhiệm vụ giao các Bộ, ngành, cơ quan phải triển khai ngay, chậm nhất là quý I/2022. Một số nhiệm vụ giao các Bộ, ngành đã chủ động như: chính sách giảm thuế giá trị gia tăng", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Dự thảo Nghị quyết gồm 20 trang nhưng nhiệm vụ giao rất cụ thể cho các Bộ, ngành. Các Bộ, ngành trên tinh thần phối hợp rất nhịp nhàng.

Cùng với đó là có cơ chế giám sát, huy động thêm sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán nhà nước, VCCI, các tổ chức chính trị - xã hội để chống tiêu cực, tham nhũng.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, bên cạnh kết quả đạt được trong năm 2021, vẫn có những khó khăn, thách thức như kinh tế vĩ mô còn rủi ro, áp lực lạm phát đến từ cả bên trong và bên ngoài.

Một số hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tháng 1 ở mức cao. Xuất khẩu sang một số thị trường trọng điểm còn khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Nhận định tình hình sắp tới có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ, trong khi chưa dự báo hết được những diễn biến bất ngờ có thể xảy ra, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị tâm thế, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp ở mức cao hơn bình thường.

Các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, bảo đảm đúng tiến độ, nâng cao chất lượng và tiết kiệm. Bên cạnh đó đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tháo gỡ, xử lý kịp thời các vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực đầu tư công và tài nguyên môi trường, đặc biệt là trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, chỉ đạo quyết liệt triển khai ngay việc thực hiện các dự án đã được giao kế hoạch vốn, nhất là các dự án quan trọng, cấp thiết, đồng thời nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đầu tư với các dự án khởi công mới.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thể chế trong sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước kiểm soát dòng tín dụng đúng hướng, Bộ Tài chính kiểm soát việc thực hiện chính sách tài khóa có hiệu quả.
Bộ Công Thương chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện các giải pháp để bảo đảm cung – cầu hàng hóa, cung cấp đủ điện, an toàn, ổn định.

"Các Bộ, ngành luôn luôn chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình để tham mưu, điều chỉnh chính sách kịp thời khi xuất hiện tình huống không bình thường", Thủ tướng lưu ý.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/bo-khdt-de-xuat-5-nhom-nhiem-vu-giai-phap-de-trien-khai-phuc-hoi-nen-kinh-te-63822.html