19/01/2025 | 15:07 GMT+7, Hà Nội

Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng rất lớn, nhưng cần xem xét lại một số quy định

Cập nhật lúc: 15/01/2022, 06:37

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng là rất lớn, chưa từng có tiền lệ, thể hiện quyết tâm hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau đại dịch COVID-19.

Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, gói hỗ trợ được thông qua lần này lên tới 350.000 tỷ đồng, đây là gói hỗ trợ kinh tế - xã hội chưa từng có trong lịch sử.

Để làm rõ gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng sẽ tác động thế nào tới quá trình hồi phục kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới, phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi riêng với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính.

Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng là rất lớn, chưa từng có tiền lệ, thể hiện quyết tâm hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau đại dịch COVID-19.
Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng là rất lớn, chưa từng có tiền lệ, thể hiện quyết tâm hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau đại dịch COVID-19.

Ông Đinh Trọng Thịnh khẳng định: Nếu quá trình giải ngân hoàn thành một cách trọn vẹn, gói 350.000 tỷ đồng sẽ là một xung lực rất lớn, thúc đẩy cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng.

Mạnh tay giải cứu nền kinh tế

Trong 2 năm qua, rất nhiều gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua. Thế nhưng, các gói hỗ trợ trước đây có quy mô nhỏ, chiếm khoảng 2% - 4% GDP của Việt Nam và nó chưa đủ để tạo ra xung lực cho kinh tế hồi phục và tăng trưởng. Vậy theo ông, với gói hỗ trợ vừa được Quốc hội thông qua, lên tới 350.000 tỷ đồng, hơn 12% GDP của Việt Nam, liệu có đủ lớn không?

Tôi cho rằng, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng là rất lớn, chưa từng có tiền lệ. Đặc biệt, gói hỗ trợ lần này có rất nhiều điểm mới, giống như việc Quốc hội, Chính phủ “tất tay” để giải cứu nền kinh tế.

Thứ nhất, gói hỗ trợ này nằm ngoài kế hoạch tài chính ngân sách, cũng như ngoài vay nợ của ngân sách năm 2022-2023. Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội chấp nhận thâm hụt ngân sách vượt ngưỡng 4%, tăng 1,1% - 1,2 % so với giai đoạn trước.

Thứ hai, đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội chấp nhận tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trên ngân sách Nhà nước. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp có thể vượt mốc 25%, theo như giải trình sẽ lên đến 27,2% trong 2 năm 2022 - 2023. 

Đây là lần đầu tiên Chính phủ chấp nhận mất cân đối vĩ mô, mất bền vững của nợ công. Nên, rõ ràng đây là quyết tâm rất lớn của Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp hồi phục kinh tế và tăng trưởng. 

Như ông phân tích, gói hỗ trợ lần này có rất nhiều điểm “lần đầu tiên” chúng ta phải thực hiện. Điều này đồng nghĩa, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn trước khi chơi “tất tay”. Ông có quan điểm thế nào về nhận định này?

Đúng vậy. Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng rất lớn, lớn nhất từ trước đến nay. Đương nhiên, khi đưa ra gói hỗ trợ lớn như thế, chúng ta phải chấp nhận rủi ro. Rủi ro thứ nhất là thâm hụt ngân sách, thứ hai là thâm hụt nợ công. Tuy nhiên, nếu không có gói hỗ trợ như vậy, rất khó để nền kinh tế hồi phục trở lại sau giai đoạn hậu COVID-19.

Do đó, để hạn chế rủi ro, tôi cho rằng, cơ quan chức năng cần lưu tâm tới quá trình sử dụng gói hỗ trợ này. Đặc biệt, các gói hỗ trợ cần được cụ thể hóa hơn nữa và đưa vào thực tế một cách nhanh nhất, tốt nhất.

Nhiều quy định chưa rõ ràng

Vì sao cần phải cụ thể hóa hơn các gói hỗ trợ nhỏ, thưa ông?

- Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, là tổng hợp của 4 gói hỗ trợ nhỏ hơn. Trước hết, gói mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh, với giá trị lên tới 60.000 tỷ đồng, đây là gói quan trọng nhất.

Bởi vì, Việt Nam đã xác định sống chung với đại dịch, nên việc cố cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như tăng cường đầu tư cho lĩnh vực y tế là đòi hỏi rất cần thiết, cần phải được đầu tư bài bản và mới đem lại hiệu quả.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính.

Gói thứ hai liên quan tới an sinh xã hội, với giá trị hơn 53.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này rất quan trọng nhưng Quốc hội, Chính phủ cần xem xét lại một số quy định.

Trước đây, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, khiến người lao động rơi vào cảnh mất việc, hoặc mất thu nhập tạm thời. Vì vậy, gói hỗ trợ an sinh xã hội sẽ tập trung hỗ trợ cho người lao động đang gặp khó khăn. Đây là điều hợp lý. 

Thế nhưng, hiện nay chúng ta xác định sống chung với đại dịch, không còn giãn cách xã hội nữa, nên việc hỗ trợ người lao động đang gặp khó khăn sẽ không còn là trọng tâm. 

Điều người lao động cần ngay lúc này, nhất là lao động phổ thông chính là việc chuyển đổi nghề nghiệp và tìm việc làm mới, phù hợp với năng lực. 
Như vậy, mục tiêu của gói này tôi đề nghị phải hướng vào việc đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động, làm sao để người lao động có thể thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh mới của nền kinh tế, đặc biệt đang chuyển sang nền kinh tế số. 

Tiếp đến là việc hỗ trợ thuê nhà cho người lao động. Tôi cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cũng cần xem lại. Theo tôi, không nên phát tiền trực tiếp cho người lao động, thay vào đó, chúng ta nên cho doanh nghiệp có lực lượng lao động cần vay thuê nhà vay.

Lúc đó Nhà nước có thể bỏ ra một lượng tiền thông qua ngân hàng chính sách để cho vay lãi suất 0%, doanh nghiệp cho người lao động vay lại trong 3-6 tháng với lãi suất 0%. Như vậy, mới đảm bảo tính công bằng và bình đẳng. 

Bởi lẽ cũng hai người công nhân đi làm, nhưng nếu làm trong khu công nghiệp thì được hỗ trợ, còn không làm chính thức, không làm trong khu công nghiệp thì không được hỗ trợ. Như vậy, nó không công bằng. Rõ ràng, cần phải xem cho nó tốt.

Gói thứ ba, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, với giá trị 110.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, gói hỗ trợ này chưa rõ ràng, Quốc hội cũng chưa nói rõ doanh nghiệp nào, lĩnh vực nào, địa bàn nào được hỗ trợ. Điều này rất mờ hồ và sẽ phát sinh nhiều hệ lụy phá sau.

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ 110.000 tỷ đồng có rất nhiều bất ổn. Thứ nhất, ở vấn đề giảm thuế VAT 2%, cho tất cả loại thuế VAT có thuế xuất 10% xuống 8%, điều này đi không đúng hỗ trợ cho người cần hỗ trợ. Bởi vì, thuế VAT không đánh vào doanh nghiệp mà đánh vào người tiêu dùng.

Giới chuyên gia đặt kỳ vọng cao vào gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng.
Giới chuyên gia đặt kỳ vọng cao vào gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng.

Đồng thời, khi giảm 2% như vậy không chỉ sản phẩm hàng hoá trong nước, mà những hàng hoá cao cấp thì lại có lượng rất lớn là hàng hoá nhập khẩu cũng được giảm.

Như vậy, khi hàng hoá nhập khẩu giảm thuế có nghĩa là mở cửa thêm ra cho hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam mạnh hơn, như vậy những doanh nghiệp Việt Nam sản xuất mặt hàng đó sẽ khó cạnh tranh hơn là phải giảm bớt sản lượng, việc làm, người lao động chịu thiệt hại…

Ngoài ra, thị trường có nhiều mặt hàng thiết yếu, cần phải giảm thuế VAT tối đa, có thể giảm xuống 0% để hỗ trợ người tiêu dùng tại thời điểm này. Trong khi đó, các mặt hàng không khuyến khích sử dụng vẫn nên duy trì mức thuế cao nhất 10%.

Nói tóm lại, tôi cho rằng, chúng ta phải xem miễn giảm thuế VAT ở những ngành hàng nào, cần người dân đẩy mạnh tiêu thụ hàng nào từ đó sẽ khuyến khích người dân tiêu thụ, tạo ra sức hút để doanh nghiệp sản xuất họ sản xuất mạnh hơn và tăng trưởng. 

Thêm nữa, đối với hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và doanh nghiệp phải làm rõ hỗ trợ cái gì thì đây là điều rất quan trọng. 

Theo quan điểm của tôi, trước hết giãn hoãn thuế, rồi giãn hoãn tiền thuê đất, tái cấu trúc nợ vay, giảm lãi tiền vay… đó là những cái cần nghiên cứu, đưa vào hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cần phải miễn giảm 35 loại phí, lệ phí để tạo điều kiện giảm thấp chi phí. 

Cuối cùng, về gói phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, với tổng số tiền gần 114.000 tỷ đồng, đây cũng là gói rất quan trọng, nằm ngoài chương trình. Rõ ràng, điều quan trọng nhất của gói này là chưa xác định cụ thể đầu tư vào đâu, ngành nghề nào vào giao thông hay lĩnh vực nào, từ đó không xác định được hiệu quả… 

Rõ ràng, 350.000 tỷ đồng là con số rất lớn và sẽ tạo ra gánh nặng rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Vậy, thưa PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chúng ta có nên huy động kinh phí từ các nguồn khác hay không?

- Điều này hoàn toàn cần thiết, chúng ta cần huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng.

Xin chân thành cảm ơn ông! 

Nguồn: https://congluan.vn/goi-ho-tro-350000-ty-dong-rat-lon-nhung-can-xem-xet-lai-mot-so-quy-dinh-post177249.html