19/01/2025 | 13:26 GMT+7, Hà Nội

Kiên quyết xử lý chợ "cóc", chợ tạm

Cập nhật lúc: 14/05/2020, 14:23

Tình trạng chợ "cóc", chợ tạm họp vô tư ở lòng đường, vỉa hè... đã diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn Hà Nội. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng liên tục ra quân đã dẹp bỏ được...

Tình trạng chợ "cóc", chợ tạm họp vô tư ở lòng đường, vỉa hè... đã diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn Hà Nội. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng liên tục ra quân đã dẹp bỏ được nhiều chợ "cóc", chợ tạm, góp phần tránh lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội thì chợ "cóc", chợ tạm lại xuất hiện trở lại, đòi hỏi cơ quan chức năng phải quyết liệt trong xử lý nhằm duy trì kết quả đã đạt được.

Tiểu thương bày bán hàng hóa lấn chiếm lối đi tại chợ tạm ở ngõ 475 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân).

Nhiều "điểm đen" tái phạm

Ghi nhận tại chợ tạm ngõ 200 đường Âu Cơ (quận Tây Hồ) sáng 12-5 cho thấy, bao quanh chợ chính Tứ Liên là hàng chục hàng, quán khiến ngõ vốn nhỏ, nay càng chật chội. Người bán giết mổ gia cầm, cá tươi… đổ nước thải xuống ngay hè, đường. Bà Nguyễn Thu Trà, một người dân trong ngõ 200 Âu Cơ cho biết: Từ đầu tháng 5 trở lại đây, người bán hàng bày la liệt, tràn hết ra vỉa hè khiến ngõ trở nên nhếch nhác.

Một "điểm đen" nhức nhối khác tại quận Tây Hồ là chợ "cóc" tại ngõ 28 Xuân La. Chợ này hằng ngày cung cấp nhu yếu phẩm cho hàng vạn người dân trên địa bàn phường. Chị Trần Thị Xuân, Chung cư nhà F Xuân La (phường Xuân La, quận Tây Hồ) cho biết, trong giai đoạn dịch Covid-19 phức tạp thì lực lượng công an, bảo vệ dân phố của phường thường xuyên nhắc nhở các hộ bán hàng không bày hàng hóa lấn chiếm hè, đường, nên ngõ 28 Xuân La thông thoáng và sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, khi nới lỏng giãn cách xã hội, từ đầu ngõ đến cuối ngõ là hàng trăm quầy hàng tràn ra vỉa hè, người mua để xe máy, ô tô dưới lòng đường, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Tương tự, chợ "cóc" phố Cầu Mới, giáp ranh quận Thanh Xuân và Đống Đa trong những ngày này có dấu hiện tái vi phạm khi nhiều người bán hàng rong, xe thồ tập trung đứng hàng dài để mua, bán hàng. Hay chợ "cóc" tại ngõ 475 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), cũng diễn ra cảnh tương tự. Người bán và người mua tấp nập khiến con ngõ bị thu hẹp chỉ còn đủ cho 2 xe máy tránh nhau.

Ngoài các "điểm đen" nêu trên, địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều chợ "cóc", chợ tạm tồn tại gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông. Đó là chợ "cóc" ở đường Tân Xuân (quận Bắc Từ Liêm); chợ tạm đường Quang Tiến, phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm); chợ "cóc" phố Hoàng Mai (quận Hoàng Mai); chợ tạm đường Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân); ngõ 252 và 178 Tây Sơn, phường Trung Liệt (quận Đống Đa)…

Tại chợ “cóc” ở ngõ 28 Xuân La, người mua để xe máy, ô tô dưới lòng đường, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Duy trì kết quả, tiếp tục xóa bỏ "điểm đen"

Giải tỏa chợ "cóc", chợ tạm luôn là việc khó của chính quyền địa phương. Trong đó, nguyên nhân chính theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, việc giải tỏa chủ yếu do cán bộ các phường, xã thực hiện, nhưng lực lượng này mỏng, chế tài xử phạt nhẹ... Nguyên nhân khác là các quận nội thành thiếu chợ dân sinh, người tiêu dùng lại có thói quen tiện đâu mua đấy, ít chú trọng nguồn gốc hàng hóa, đã tiếp tay cho chợ "cóc", chợ tạm mọc lên. Đặc biệt, các "điểm đen" tại địa bàn giáp ranh càng dễ tái phạm do các tiểu thương hay di chuyển giữa các địa bàn để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Giải thích về tái vi phạm ở chợ "cóc" phố Cầu Mới, Đại úy Lê Ngọc Thanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận Thanh Xuân cho biết, chỉ vài ngày sau giãn cách xã hội, các tiểu thương lại lấn chiếm hè, đường để buôn bán dù lực lượng chức năng quận Đống Đa và Thanh Xuân vẫn cắm chốt và xử phạt từ 5h30 sáng hằng ngày. Song, khi vắng bóng lực lượng chức năng, tiểu thương lại tranh thủ bán hàng nên vi phạm chưa được giải quyết dứt điểm. Còn theo Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Bùi Huy Đức, về chợ "cóc" phố Cầu Mới, trước mắt, hai quận tiếp tục phối hợp, tăng cường quân số để xử lý vi phạm. Về lâu dài, quận Đống Đa đã đề xuất thành phố cho phép trồng cây hoặc trồng hoa tại vỉa hè phố Cầu Mới để người bán hàng rong, xe đẩy không có địa điểm hoạt động.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) Nguyễn Việt Cường thừa nhận: Công an phường thường xuyên kiểm tra, thu giữ phương tiện vi phạm tại chợ "cóc" ngõ 200 Âu Cơ. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên vi phạm tái diễn. Trong thời gian tới, lực lượng công an, bảo vệ dân phố sẽ tăng cường tuần tra để xử lý nghiêm vi phạm. Còn tại chợ "cóc" ngõ 28 Xuân La (quận Tây Hồ), Trung tá Đỗ Doanh Chiến, Đội trưởng Đội tham mưu Công an quận Tây Hồ cho biết, thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiếp tục cùng Hội Cựu chiến binh quận và phường Xuân La thực hiện mô hình “Tuyến phố cựu chiến binh phối hợp tự quản về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và văn minh đô thị” để giải tỏa "điểm đen" này.

Xóa bỏ chợ "cóc", chợ tạm là khó, nhưng không phải không làm được. Thực tiễn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều địa phương đã hạn chế được chợ "cóc", chợ tạm do kiên quyết trong xử lý vi phạm. Điểm chung ở những chợ này là chính quyền sở tại thiết lập và duy trì các chốt trực ở mọi thời điểm, nên vi phạm không có cơ hội phát sinh.

Thực tế này cho thấy, để xóa được chợ "cóc", chợ tạm, bên cạnh những giải pháp căn cơ như xây dựng đủ chợ dân sinh để phục vụ nhu cầu của người dân thì rất cần sự vào cuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng. Việc dẹp bỏ chợ "cóc", chợ tạm phải là việc làm thường xuyên, liên tục chứ không phải mang tính thời điểm hay phong trào... Có như vậy, việc giải tỏa loại hình chợ này mới đạt được hiệu quả lâu dài.