19/01/2025 | 11:52 GMT+7, Hà Nội

Quản chặt chất lượng nông sản

Cập nhật lúc: 14/05/2020, 13:59

Dù dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế, tuy nhiên, nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân Thủ đô vẫn rất lớn. Việc giám sát chặt chẽ chất lượng hàng hóa, nông sản là bài toán đặt ra với ngành NN&PTN.

Thực hiện kế hoạch hành động an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đầu năm 2020 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua giám sát, phát hiện có 2 cơ sở vi phạm về quản lý vật tư, an toàn thực phẩm với lỗi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn, vệ sinh kho bảo quản chưa đảm bảo.
 
 Đoàn liên ngành Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra một cửa hàng bán lẻ nông sản, thực phẩm.

Đoàn thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã tiến hành kiểm tra 98 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, phát hiện 39 đơn vị vi phạm. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử phạt vi phạm với tổng số tiền gần 236 triệu đồng. Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội cho biết thêm, từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các địa phương lấy 33 mẫu giám chất lượng thực phẩm. Trong tổng số 23 mẫu đã có kết quả, có 10 mẫu không đảm bảo an toàn về các chỉ tiêu vi sinh vật, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong bối cảnh nhu cầu lương thực, thực phẩm cho 10 triệu dân cư trú tại Thủ đô rất lớn, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm được đặt ra hết sức quan trọng. Chính vì vậy, thời gian tới, công tác quản lý, giám sát các cơ sở cung ứng hàng hóa, nông sản vẫn sẽ được ngành NN&PTNT quan tâm, chỉ đạo trên tinh thần xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.

Cùng với siết chặt xử lý vi phạm, ngành NN&PTNT cũng sẽ tập trung mở rộng các vùng rau an toàn. Đẩy mạnh phát triển vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP năm 2020”.

Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, ông Tường đề nghị các địa phương chủ động phối hợp với đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội trong việc quản lý chặt chẽ công tác giết mổ gia súc, gia cầm, cũng như vận chuyển, lưu thông thịt động vật. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với việc ngăn chặn kịp thời nguy cơ thực phẩm không an toàn đi vào hệ thống cửa hàng, siêu thị cung ứng và đến tay người tiêu dùng.