Khơi thông dòng vốn để tháo nút thắt nguồn cung nhà ở
Cập nhật lúc: 31/07/2022, 07:00
Cập nhật lúc: 31/07/2022, 07:00
Nguồn cung bất động sản nhỏ giọt, giá tăng nhanh sau Covid-19
Trên thị trường hiện nay, các kênh đầu tư phổ biến nhất vẫn là vàng, chứng khoán và bất động sản. Trong đó, bất động sản được xem như một kênh đầu tư an toàn, giúp tích trữ tài sản với tiềm năng tăng lợi nhuận trong tương lai. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, nguồn cung sẽ không nhiều với bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine vẫn diễn ra, xăng dầu sẽ tăng cao và không có nhiều thay đổi.
Bên cạnh đó, nguồn cung trên thị trường khá hạn chế dẫn đến việc tăng giá bất động sản từ 20 - 30% so với các năm trước. Việc tăng giá đến từ nhiều yếu tố khác nhau như giá xăng dầu, vật liệu xây dựng và nhân công đều tăng; xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine; lạm phát. Từ nay đến cuối năm, diễn biến thị trường sẽ không thay đổi nhiều so với 6 tháng đầu năm khi nguồn cung bị hạn chế, ngân hàng vẫn mạnh tay thắt chặt tín dụng.
Có thể nhìn nhận, giá bất động sản tăng trong thời gian vừa qua được coi là tăng theo tính tịnh tiến và tiệm cận. Điều đó có nghĩa giá bất động sản không tăng nóng như các năm trước (tăng một lúc từ 10 - 15%) mà sẽ tăng vài phần trăm hàng tháng.
Tuy nhiên, khi nhìn lại thị trường bất động sản thì giá đã tăng từ 20 - 25%, nhưng tính thanh khoản lại chậm do người có nhu cầu mua ở thực khó có khả năng chi trả. Mặt khác, ở những thời điểm mà giá bất động sản tăng, nhiều người vẫn muốn mua vào, nhưng đối với các nhà đầu tư F2, F3, họ sẽ rất cân nhắc trước khi mua bất động sản nếu phải sử dụng các đòn bẩy tài chính. Đối với người mua ở thực, giá thứ cấp cao sẽ là một trở ngại lớn, trong khi các nhà đầu tư thứ cấp không chịu hạ giá bán nên tỷ lệ lấp đầy sản phẩm bất động sản nhà ở trong 6 tháng cuối năm có khả năng sẽ thấp. Do đó, cần có bài toán về nguồn cung một cách lành mạnh để giá gia tăng nhưng thị trường vẫn phát triển một cách bền vững và không bị “sốt giá”…
Vay ngân hàng - nguồn vốn chính của bất động sản
Có 3 vấn đề mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng quan tâm, không riêng gì bất động sản, đó là vốn, con người và kỹ thuật. Lĩnh vực bất động sản sử dụng nguồn vốn rất lớn để thực hiện dự án. Việc ngân hàng siết chặt nguồn vốn sẽ làm cho thị trường gặp khó khăn.
Hiện nay các ngân hàng cũng đang rà soát khả năng cho vay với bất động sản. Nếu những chính sách vĩ mô như chính sách tài khóa, tiền tệ thay đổi và vướng mắc pháp lý của dự án được giải quyết thì thị trường mới có tín hiệu tích cực hơn. Các doanh nghiệp khác về xây dựng, dịch vụ cũng sẽ hưởng lợi từ doanh nghiệp bất động sản.
Để phát triển một dự án bất động sản, các chủ đầu tư cần vốn chủ sở hữu, vốn vay từ ngân hàng, vốn từ các đối tác và vốn nhận thu trước từ khách hàng. Đây là những nhóm vốn chính để triển khai các dự án bất động sản nhà ở. Trong đó, phần lớn nguồn vốn đến từ vay ngân hàng. Xu hướng siết dần dòng vốn tín dụng của nhiều ngân hàng sẽ làm thị trường khó khăn hơn. Tuy nhiên, các nhà phát triển sẽ xoay sở để giải quyết vấn đề này thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Bên cạnh nguồn vốn là vấn đề pháp lý của dự án vì yếu tố này tác động trực tiếp đến tiến độ của dự án bất động sản tại Việt Nam. Nhiều dự án đã được chuyển nhượng thành công nhưng để phê duyệt dự án từ bước có chủ trương cho đến khi có được giấy phép xây dựng lại mất từ 3 - 5 năm.
Đối với các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, căn hộ dịch vụ…, thời gian hoàn vốn nhanh nhất từ 8 - 10 năm. Còn các dự án bất động sản nhà ở nếu thuận lợi thì thời gian hoàn vốn 5 năm là nhiều. Chúng ta đang sử dụng hai công cụ chính sách tiền tệ và tài khoá để áp dụng quản lý cho bất động sản.
Vì vậy, Chính phủ cần đưa ra những hướng giải quyết để giúp doanh nghiệp bất động sản có cơ hội tạo ra giá trị và bổ sung nguồn cung mới, phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân.
Với những chính sách của Nhà nước như chính sách tài khóa, tiền tệ, pháp lý trong 3 - 5 năm tới, với giả định khó khăn như hiện nay thì nguồn cung sẽ không nhiều. Các đô thị lớn sẽ dần mất sức hút và tính cạnh tranh so với các vùng lân cận. Khi đó, bài toán nhà ở sẽ được phân bổ ở các đô thị vệ tinh, tạo nên một bài toán khó cho các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội.
Về bức tranh nhà ở trong dài hạn, bất động sản nhà ở tại đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng nhận được sự quan tâm của người dân đến sống và làm việc. Do đó, bài toán nhà ở sẽ đòi hỏi một nguồn cung rất lớn và cần được ưu tiên lên hàng đầu.
Mặt khác, lợi thế của thị trường Việt Nam là thị trường bất động sản rất nhỏ. Riêng bất động sản nhà ở, nguồn vốn và tiềm lực tập trung chủ yếu ở nhà đầu tư trong nước. Nhóm cần nguồn vốn thật sự để phát triển ngành công nghiệp không khói là bất động sản du lịch. Nhóm thứ hai quyết định rất lớn đến tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần tăng trưởng kinh tế là bất động sản công nghiệp. Hai lĩnh vực này sẽ tác động ngược lại đến bất động sản nhà ở. Đây là bức tranh mà tôi cho rằng dòng tiền cần nhìn lại ở góc độ vĩ mô là mức độ tăng trưởng nền kinh tế và lợi ích của doanh nghiệp./.
Nguồn: https://reatimes.vn/khoi-thong-dong-von-de-thao-nut-that-nguon-cung-nha-o-20201224000013377.html
09:27, 30/07/2022
13:42, 20/07/2022
10:05, 20/07/2022
13:30, 18/07/2022
09:18, 16/07/2022