Khát vọng thúc đẩy du lịch Việt Nam hậu Covid-19
Cập nhật lúc: 17/08/2020, 16:16
Cập nhật lúc: 17/08/2020, 16:16
Kết nối du khách với người dân địa phương, góp phần khôi phục và phát triển du lịch Việt Nam hậu Covid-19… là những điểm nổi bật trong ý tưởng khởi nghiệp của nhóm bạn trẻ thuộc Đội Traveloex. Với tên gọi "Cung cấp dịch vụ du lịch địa phương, du lịch trải nghiệm" dự án giành giải Nhất cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo - IStartup Innovation Ideas 2020”.
Dự án được xây dựng bởi 5 sinh viên ngành Quản lý của trường Keuka (Mỹ) liên kết với khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội gồm: Nguyễn Khánh Vân, Đặng Phúc Thịnh, Nguyễn Khắc Huy, Nguyễn Thanh Mai và Nguyễn Phan Anh
Theo bạn Nguyễn Khánh Vân, chúng ta đang hướng tới hội nhập với cộng đồng quốc tế. Cùng với sự phát triển, thế hệ trẻ từ 18 đến 30 tuổi đã có sẵn nền tảng ngoại ngữ tốt. Tuy nhiên, tâm lý tự ti trong giao tiếp của người Việt vẫn là một trở ngại rất lớn. Theo khảo sát, phần lớn người Việt Nam không tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài vì họ thiếu môi trường để rèn luyện, thực hành.
Trước những diễn biến phức tạp của Covid-19, ngành du lịch phải đối mặt không ít khó khăn. Tuy nhiên, dựa trên những dữ liệu khả quan trước đó có thể thấy Covid-19 lại là cơ hội để nhìn lại, nghiên cứu, tìm giải pháp khôi phục và phát triển ngành du lịch một cách nhanh chóng và khác biệt.
“Cùng chung mong muốn khôi phục ngành du lịch Việt Nam và tạo cơ hội việc làm, học tập, đào tạo kỹ năng bài bản chúng mình xây dựng dự án “Cung cấp dịch vụ du lịch địa phương, du lịch trải nghiệm. Trên phương diện hoạt động là bên thứ 3, dự án sẽ kết nối khách du lịch và người dân địa phương; Đồng thời, liên kết các chương trình đào tạo trong và ngoài nước cho đội ngũ hướng dẫn viên”, Vân chia sẻ.
Dự án không chỉ tạo môi trường liên kết quốc tế thân thiện mà còn giúp người dân địa phương nâng cao hiểu biết về đất nước, tạo ra trải nghiệm mới cho khách du lịch. Điểm nổi bật của dự án là đáp ứng cả 2 vấn đề: Nhu cầu tự do du lịch và được hỗ trợ khám phá, tìm hiểu địa phương của du khách; Đồng thời tạo sự thoải mái và an tâm trong quá trình du lịch tại Việt Nam.
Bên cạnh đó hướng dẫn viên du lịch có thêm cơ hội kết nối du khách, tăng thu nhập và được đào tạo kỹ năng bài bản. Mặt khác, đối với những người dân địa phương liên kết với dự án, sau khi đạt được những tiêu chí để làm hướng dẫn viên, sẽ được đánh giá, xếp hạng và định giá theo trình độ và vị trí địa lý phục vụ cho khách du lịch. Từ đó, du khách sẽ có sự lựa chọn và trả tiền theo các tiêu chí yêu cầu. Dựa vào điều này, bất cứ ai cũng có thể tăng thêm thu nhập và phát triển kinh tế với cơ hội mở rộng cho mọi người.
Theo bạn Đặng Phúc Thịnh, mô hình du lịch trải nghiệm khá quen thuộc với thế hệ trẻ hiện nay và dự án hướng đến việc hoàn thiện hơn với hướng đi này.
“Dự án đưa vào thực tế sẽ nâng cao khả năng tiếp cận khách du lịch cho người dân địa phương; Tạo động lực và cơ hội việc làm có thu nhập ổn định trong ngành du lịch sau Covid-19. Bên cạnh đó, hoạt động của dự án sẽ giúp du khách giảm lo lắng trong quá trình sắp xếp du lịch tại Việt Nam. Trình độ giao tiếp cũng như các kỹ năng mềm trong quá trình hỗ trợ du khách tìm hiểu và khám phá về Việt Nam của người dân địa phương cũng sẽ được nâng cao”, Thịnh chia sẻ.
Với những ưu điểm này, dự án đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo - IStartup Innovation Ideas 2020”. Trong đó, Ban giám khảo đánh giá cao tính ứng dụng thực tiễn.
“Qua cuộc thi thứ quan trọng nhất mà chúng mình nhận được đó là những ý kiến, nhận xét về mô hình đến từ ban giám khảo, thầy cô giáo - những người có chuyên môn, kinh nghiệm. Những kinh nghiệm đó vô cùng quý giá và không phải lúc nào nhóm cũng có cơ hội để lắng nghe”, Vân tâm sự.
Đó cũng là động lực để nhóm tìm kiếm nhà đầu tư để đưa ý tưởng vào thực tế trong tương lai gần. Tuy nhiên, trước khi đưa ý tưởng vào thực tế, nhóm sẽ khảo sát lại thị trường, lập kế hoạch tài chính rõ ràng hơn và nghiên cứu kỹ những vấn đề chuyên môn khác để tránh lãng phí và giảm thiểu rủi ro.
08:00, 16/08/2020
07:20, 07/08/2020
16:38, 04/08/2020