19/01/2025 | 15:59 GMT+7, Hà Nội

"Kết bè vượt bão": Giải pháp ứng phó, phục hồi du lịch trong "cơn bão" Covid-19

Cập nhật lúc: 16/08/2020, 08:00

Dịch Covid-19 trở lại, du lịch Việt như rơi vào "vòng xoáy tử thần". Thời điểm này, việc các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về "kết bè" để vượt "siêu bão" là điều vô cùng cần thiết.

Lời tòa soạn: Ngành du lịch Việt Nam là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước “cơn bão” Covid-19. Hiện, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang bị khủng hoảng và phải chịu thiệt hại vô cùng lớn.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nghiệp, chúng tôi khởi đăng tuyến bài liên quan đến tình hình thực tiễn, những chính sách hỗ trợ, tuyên truyền, giải pháp phục hồi du lịch hậu Covid-19 cũng như những chia sẻ ý kiến của các chuyên gia hàng đầu, luật sư nổi tiếng... để cùng chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Du lịch với đặc thù là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều nhóm ngành khác, như: Vận chuyển, lưu trú, dịch vụ ăn uống... và dịch bệnh Covid-19 “quét qua” thực sự là một cú sốc với ngành du lịch Việt Nam ngay từ những ngày đầu năm 2020 và kéo dài đến thời điểm hiện tại. Các nhà đầu tư dịch vụ du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không… và cả lãnh đạo ngành đồng quan điểm để không đổ vỡ hàng loạt, thời gian tới cần “kết bè vượt bão”, chuẩn bị cho đợt khôi phục mới.

"Kết bè vượt bão" vì một mối quan hệ "cộng sinh"

Toàn bộ các tour du lịch từ Việt Nam đi Trung Quốc hay các nước Đông Nam Á lân cận bị hủy; du khách lo sợ không dám đi các tour trong nước khiến các công ty lữ hành, các chủ khách sạn và hàng không đứng trước nguy cơ mất trắng nhiều tỷ đồng, thậm chí là phá sản. Hàng triệu lao động trong ngành du lịch có nguy cơ bị giảm thu nhập, thậm chí bị cắt giảm do thiếu việc. Điều này dẫn đến những tổn thất kéo dài cho ngành du lịch ngay cả sau khi dịch Covid-19 kết thúc.

Trước những áp lực mà doanh nghiệp đang phải gánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho rằng, phần lớn doanh nghiệp du lịch trong nước là vừa và nhỏ, sau đợt dịch đầu nhiều đơn vị đã kiệt quệ. Khi dịch bùng phát trở lại, vấn đề quan trọng là làm sao giữ cho số doanh nghiệp này không bị “khai tử” trước khi dịch được kiểm soát và phục hồi lại lần nữa.

Cần kích cầu du lịch nội địa để "vực dậy" ngành du lịch

Khi Việt Nam “thắng” được cuộc chiến Covid-19 đầu tiên, ngành du lịch, khách sạn vừa bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc khi lượng người dân du lịch nội địa tăng nhẹ thì “cơn bão” Covid-19 lại bất ngờ quay trở lại, đặt ngành du lịch vào tình thế “không thể căng thẳng hơn”. 

"Thực tế thời điểm này nhiều chủ khách sạn đã buộc phải rao bán hoặc chuyển nhượng. Đợt kích cầu vừa qua, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đã liên kết giảm giá dịch vụ sâu nhất có thể, nhờ đó khách hàng cũng được hưởng lợi. Song, nguồn thu sau chương trình kích cầu mới chỉ đủ giúp khởi động và duy trì lại bộ máy doanh nghiệp, chứ chưa kịp thu lợi nhuận" - Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết.

Do đó, lúc “sóng gió” này rất cần cả 2 phía là người đi du lịch và người làm du lịch cùng chia sẻ khó khăn: Khách hàng cảm thông cho doanh nghiệp, ngược lại lữ hành cũng cần cam kết rõ ràng thời gian hoàn, hủy, đảm bảo lợi ích cho khách; các doanh nghiệp du lịch cũng cần hỗ trợ nhau vượt “bão”.

Trên góc độ cơ quan quản lý nhà nước về hàng không, Phó Cục Trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Võ Huy Cường cho rằng: “Hàng không và du lịch luôn song hành với nhau. Nếu không có du lịch thì hàng không không thể duy trì được, ngược lại du lịch cũng vậy".

Ứng phó Covid-19 và phục hồi hoạt động du lịch

Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định, dịch Covid-19 tác động lớn đến du lịch, hàng không và nhiều lĩnh vực khác, nhưng so với đợt dịch lần 1, tín hiệu rất đáng mừng lần này là ngành du lịch đã chủ động đối phó dịch, có kịch bản phục hồi.

Theo trung tâm du lịch Việt Nam, để ứng phó trong tình hình dịch bệnh, gần 200 CEO của các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành (Sun Group, Hanoi tourist, AZA Travel, Hanoi tourism, Travelogy, Threeland Travel...) đã lập ra các nhóm trên Facebook để kết nối và trao đổi các vấn đề liên quan đến xây dựng sản phẩm, marketing, truyền thông, cung cấp dịch vụ, khách sạn, tàu lưu trú du lịch, vé máy bay, homestay…; thống nhất giá và cùng bán sản phẩm.

Như thế, những nhóm này sẽ cùng nhau đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, chia sẻ nguồn lực để giảm chi phí thấp nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Đó chính là lợi ích thiết thực nhất của việc “kết bè”: cùng chia sẻ lợi ích, cạnh tranh bằng chất lượng và cùng tương trợ nhau vượt “bão Covid-19”.

"Kết bè vượt bão" sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn này. (Ảnh: Internet)

Trong bối cảnh dịch bệnh trở lại, hầu hết các đơn vị lữ hành đều cam kết với khách hàng dù hoãn tour đến thời điểm khác cũng đảm bảo không phát sinh chi phí. Tùy hợp đồng, các đơn vị sẽ có ưu đãi khác nhau nhưng đều đang rất nỗ lực để giữ chân và chăm sóc khách bằng nhiều cách.

“Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đề xuất với Chính phủ các giải pháp, đây là việc không dễ và cần thời gian vì trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều lĩnh vực cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề” - Lãnh đạo Tổng cục du lịch cho biết.

Lãnh đạo ngành cho rằng, việc ưu tiên giai đoạn này là các sở quản lý, các doanh nghiệp hàng không, vận chuyển, lưu trú cần bắt tay giải quyết vấn đề trước mắt như hoãn hủy tour, chung tay chia sẻ vì mục tiêu lâu dài, phát huy ưu thế của ngành kinh tế tổng hợp.

Đặc biệt, các hãng hàng không cần có chính sách linh hoạt, xem xét hoàn tiền cho các doanh nghiệp lữ hành… Thời gian tới, tiếp tục thực hiện vừa chống dịch hiệu quả, vừa chuẩn bị các kịch bản đón khách quốc tế khi đủ điều kiện.

"Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó tập trung chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay ưu đãi gói 62.000 tỷ đồng, gia hạn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất…, giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú”, Tổng cục trưởng khẳng định.

Trước đó, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới ra thông cáo kêu gọi Chính phủ các nước hành động ngay để hỗ trợ ngành Du lịch. Trong đó, đề xuất 3 nhóm giải pháp nhằm bảo vệ hàng triệu người mà sinh kế dựa vào ngành Du lịch trong thời gian này gồm: Trợ cấp tài chính nhằm đảm bảo thu nhập cho những lao động trong các ngành nghề đang thiệt hại nghiêm trọng nhất; cung cấp những gói vay miễn lãi và dài hạn cho những doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ để tránh phá sản; áp dụng chính sách miễn các loại thuế, phí và những yêu cầu tài chính khác cho ngành du lịch, ít nhất trong 12 tháng sắp tới.