21/11/2024 | 18:08 GMT+7, Hà Nội

Du lịch Hà Nội: Hợp lực thực hiện “mục tiêu kép”

Cập nhật lúc: 07/08/2020, 18:58

Sau đợt dịch Covid-19 đầu năm 2020, du lịch Hà Nội bắt đầu khởi sắc khi nhiều doanh nghiệp đón lượng khách lớn. Niềm vui vừa nhen nhóm, thì đợt dịch thứ hai xuất hiện vào cuối tháng 7...

Sau đợt dịch Covid-19 đầu năm 2020, du lịch Hà Nội bắt đầu khởi sắc khi nhiều doanh nghiệp đón lượng khách lớn. Niềm vui vừa nhen nhóm, thì đợt dịch thứ hai xuất hiện vào cuối tháng 7, ngành Du lịch Thủ đô một lần nữa “lao đao”. Trong hoàn cảnh khó khăn, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch Thủ đô xác định cùng chia sẻ, hợp lực ứng phó dịch Covid-19, thực hiện tốt "mục tiêu kép" - vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Các công ty du lịch, đơn vị lữ hành cần xây dựng sản phẩm du lịch mới, mang đặc trưng của Hà Nội để kích cầu trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Trong ảnh: Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sáng 6-8. Ảnh: Quang Thái

Cùng hỗ trợ, chia sẻ vượt khó

Theo Sở Du lịch Hà Nội, tính từ ngày 28-7 đến 4-8 (thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại), đã có hơn 30.000 khách của 33 doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội hủy tour du lịch nội địa. Tại một số điểm du lịch, lượng khách có xu hướng giảm dần từ 20% đến 60% so với thời điểm trước khi có ca nhiễm Covid-19 mới tại Đà Nẵng. Công suất phòng tại các khách sạn từ 3 đến 5 sao trên địa bàn Hà Nội chỉ đạt khoảng 22%.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, cuối tháng 7-2020, Sở Du lịch Hà Nội đã làm việc với các hãng hàng không, đơn vị lữ hành, điểm đến, lưu trú để cùng bàn giải pháp chia sẻ khó khăn, giữ ổn định thị trường du lịch Hà Nội.

Theo đó, các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air đã có chính sách hỗ trợ cho ngành Du lịch Thủ đô. Cụ thể, Vietnam Airlines cho phép khách bảo lưu vé đến hết tháng 6-2021; Vietjet Air áp dụng chính sách miễn phí đổi chuyến bay, giờ bay của khách có hành trình nội địa khởi hành từ ngày 1-8 trở đi; Bamboo Airways đồng ý cho khách có hành trình từ ngày 1-8 đến 15-9 được đổi thời gian bay đến ngày 24-12-2020.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ thông tin, để chia sẻ với các doanh nghiệp du lịch, Hiệp hội Du lịch Hà Nội đã gửi văn bản tới Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch 7 tỉnh, thành phố (Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Kiên Giang, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Hải Phòng) đề nghị các địa phương này hỗ trợ bằng hình thức: Bảo lưu tour du lịch, dịch vụ đến thời điểm thích hợp; không phạt đối với các trường hợp hủy tour du lịch hoặc có thể hoàn phí cho các doanh nghiệp lữ hành. “Các đơn vị kinh doanh du lịch đang tích cực chia sẻ, hỗ trợ nhau để giảm thiệt hại. Đó là điều cần nhất vào lúc này”, bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ nói.

Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết, đơn vị đang thực hiện chiến dịch tuyên truyền trên mạng xã hội kêu gọi du khách chia sẻ với ngành Du lịch bằng cách đồng ý chuyển hành trình dự kiến sang một thời điểm thích hợp, thay vì yêu cầu hủy. “Nên có cuộc vận động người Việt Nam chia sẻ khó khăn với ngành Du lịch”, ông Nguyễn Công Hoan gợi ý.

Theo Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong Phùng Xuân Khánh, trong lúc này các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành cần khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho du khách như: Khai báo y tế, trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn…; đồng thời, hướng dẫn du khách đổi tour du lịch, lịch trình di chuyển một cách hợp lý. Trong lúc khó khăn, bảo đảm quyền lợi và sự an toàn cho khách càng khiến khách nhớ tới thương hiệu mà họ sử dụng dịch vụ.

Cương quyết không “nằm im, bất động”

Du khách rửa tay sát khuẩn trước khi vào tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Quang

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại Hà Nội, Hội chợ Du lịch quốc tế (VITM Hà Nội 2020) đã tạm dừng tổ chức. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện, chương trình kích cầu mà các doanh nghiệp lữ hành đang chuẩn bị để “tung” ra trong tháng 8-2020 cũng phải hoãn lại. Tuy nhiên, tạm dừng hoạt động sự kiện không có nghĩa là “nằm im, bất động”. Các doanh nghiệp tranh thủ thời gian để hoàn thiện sản phẩm mới, sẵn sàng phương án ngay khi dịch được kiểm soát.

Theo Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng, kinh nghiệm cho thấy địa phương, đơn vị nào chủ động xây dựng sản phẩm du lịch từ sớm, sẽ đạt được kết quả tốt. “Trong thời gian hoạt động du lịch tạm lắng, các đơn vị lữ hành, điểm đến, cơ sở lưu trú nên nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng của Hà Nội để sẵn sàng kích cầu trở lại khi dịch bệnh được khống chế”, ông Trương Quốc Hùng nói. Chung nhận định, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, các đơn vị cần xây dựng những gói sản phẩm dành cho các nhóm gia đình, bạn bè; xác định những điểm đến chưa bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 để định hướng cho du khách.

Theo ông Trần Trung Hiếu, trong tình hình mới, ngoài việc chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để hoạt động du lịch không lâm vào tình trạng “bất động”, sẵn sàng đón đầu cơ hội, ngành Du lịch Thủ đô đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các đơn vị liên quan "kích hoạt" trở lại hệ thống phòng, chống dịch. “Sở Du lịch Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là. Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh xây dựng sản phẩm mới để đáp ứng thị trường, trong đó phát triển du lịch về đêm sẽ là một trong những điểm nhấn trong thời gian tới”, ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.

Du lịch Hà Nội một lần nữa đứng trước nhiều thử thách, vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại. Song, với kinh nghiệm ứng phó thành công từ đợt dịch xảy ra đầu năm và sự đoàn kết, hợp lực, hy vọng ngành Du lịch Thủ đô sẽ sớm vượt qua khó khăn, thực hiện tốt "mục tiêu kép" - vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.