19/01/2025 | 13:56 GMT+7, Hà Nội

HoSE nghẽn lệnh: Nhà đầu tư phẫn nộ và câu hỏi về người chịu trách nghiệm?

Cập nhật lúc: 13/06/2021, 10:49

Nhà đầu tư chứng khoán luôn gặp khó khăn khi giao dịch trước tình trạng nghẽn trên HoSE ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Hàng loạt các giải pháp tình thế được đưa ra nhưng chỉ khiến nhà đầu tư thêm phẫn nộ.

“Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam” đây là chắc hẳn là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư chứng khoán nhắc đến lúc này. Không chỉ là vấn đề nghẽn lệnh đơn thuần trên sàn của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) diễn ra từ cuối năm 2020. Sự việc đã dần trở nên trầm trọng hơn trong khoảng thời gian 2 tuần trở lại đây khi hàng loạt các vấn đề mới phát sinh như bảng giá hiển thị không rõ ràng, nhà đầu tư không thể theo dõi được giá đặt mua, đặt bán, sức mua thì bị treo do lệnh đặt không thể hủy, sửa. Nhà đầu tư khoảng thời gian này giao dịch trong trạng thái bị bịt mắt.

Nhiều người ví von nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam có những kỹ năng giỏi nhất thế giới khi ở trong trạng thái bị bịt mắt mà vẫn có thể giao dịch được và thị trường chứng khoán vẫn đi lên. Tuy nhiên, những vấn đề rủi ro đã xuất hiện ngay sau hàng loạt những yếu tố kể trên. Trong lúc bảng giá hiển thị không chính xác, hàng loạt các công ty chứng khoán bất ngờ ngừng việc hủy và sửa lệnh ở sàn HoSE. Lý giải cho vấn đề này được đưa ra nhiều là để hạn chế tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE.

Bảng giá hiển thị không chính xác cộng với không được hủy sửa lệnh chẳng khác nào đánh đố nhà đầu tư bởi việc để khớp lệnh được cổ phiếu ở mức giá hiện tại là điều rất khó khăn khi bảng giá lỗi. Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ không thể “sửa sai” nếu như không khớp được lệnh do việc hủy sửa lệnh đã bị ngừng lại. Như vậy, sức mua của nhà đầu tư đã bị treo - đây chính là điều đáng sợ nhất khi dẫn đến trạng thái “mua không mua được mà bán cũng không xong”. Chính vì vậy, lệnh thị trường MP (lệnh mua chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất hoặc lệnh bán chứng khoán tại mức giá mua cao nhất hiện có trên thị trường) ngay lập tức trở thành tính năng được ưa chuộng nhất lúc này do tối đa được khả năng khớp lệnh.

Tuy nhiên, việc chỉ sử dụng lệnh MP sẽ gây ra những rủi ro đáng kể đến thị trường chứng khoán nhất là khi thị trường rơi vào trạng thái lao dốc. Khi đó, nhà đầu tư có thể sẽ bán cổ phiếu bất chấp nhằm “thoát hàng” do không biết bên đặt bán ở mức giá nào, chính việc này sẽ làm tăng lên đà giảm của thị trường chứng khoán.

Thực tế cho thấy trong phiên 2 phiên giao dịch ngày 7 và 8/6, thị trường chứng khoán đã xảy ra tình trạng bán tháo và vấn đề lỗi hệ thống kể trên cũng góp một phần không nhỏ.

Nhiều nhà đầu tư tỏ ra bức xúc trước quyết định ngừng hủy và sửa lệnh trên HoSE. Nhà đầu tư cho rằng sửa/hủy lệnh là trái với quy chế do HoSE ban hành tại Điều 17 trong "Quy chế giao dịch chứng khoán". Vậy trách nhiệm của HoSE ở đâu khi để xảy ra tình trạng này.

Nhà đầu tư chứng khoán phẫn nộ vì HoSE nghẽn lệnh.
(Ảnh minh họa: Phạm Hưng)

Những sự trùng hợp lạ thường

Tuy nhiên, nhà đầu tư lại nhìn ra được những điểm trùng hợp ngẫu nhiên trong đợt giảm vừa qua. Tại phiên 1/6, HoSE quyết định ngừng phiên chiều do giá trị giao dịch trong phiên sáng vượt 21.700 tỷ đồng dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống.

Ngay sau đó, hàng loạt CTCK đã ngừng việc hủy sửa lệnh trên sàn HoSE. Theo số liệu từ Tổng giám đốc HoSE - ông Lê Hải Trà, tỷ lệ hủy, sửa lệnh giảm từ mức bình quân 33,5% xuống dưới 18% trong phiên 3/6 và xuống còn 10,64% trong phiên 4/6. Thanh khoản trên HoSE phiên đó đã vọt lên khoảng 28.000 - 29.000 tỷ thay vì chỉ ở quanh mức 21.000 tỷ trước đó.

Ông Trà còn tự hào và tuyên bố giá trị giao dịch trên HoSE ngày 3/6 đã vươn lên vị trí thứ 2 trong ASEAN, vượt Singapore dù tổng giá trị vốn hóa chưa bằng 1/3.

Thị trường chứng khoán sau đó tiếp tục đi lên và VN-Index đạt đỉnh 1.374,05 điểm ở phiên 4/6. Tuy nhiên, niềm vui của nhà đầu tư chưa duy trì được lâu thì “bỗng nhiên” một lãnh đạo của Ủy ban chứng khoán Nhà nước phát biểu trên các phương tiện truyền thông và nhận định “mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh”.

Không biết có phải do sự trùng hợp hay không nhưng thị trường chứng khoán ngay sau đó đã lao dốc ở phiên 7 và 8/6. Nhà đầu tư “dẫm đạp” lên nhau thoát hàng bất chấp việc bị “bịt mắt”.

Đáng nói hơn là ở phiên 9/6, một điểm đáng chú ý nữa xảy ra khi trong phiên chiều, một số CTCK đưa ra thông báo mở lại việc hủy sửa lệnh. Sự trùng hợp khác diễn ra là bảng giá “bỗng nhiên” bình thường trở lại. Chính 2 điểm này đã giúp thị trường có sự hồi phục mạnh vào phiên 9/6.

Các vấn đề trên diễn ra theo một cách mà nhiều nhà đầu tư phải đặt ra câu hỏi phải chăng đây là những sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có một “bàn tay” nào đó điều khiển tất cả?

Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?

Năm 2012, HoSE đã cùng với Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) ký kết hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin để triển khai gói thầu “Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin” trị giá 600 tỷ đồng cho thời hạn 5 năm. Gói thầu nhằm trang bị hệ thống công nghệ thông tin với một nền tảng cơ sở hạ tầng hệ thống đồng bộ và tích hợp cho toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hệ thống nhằm phục vụ các hoạt động nghiệp vụ giao dịch, giám sát, thông tin thị trường tại HoSE và HNX cũng như nghiệp vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Toàn bộ hệ thống nghiệp vụ này được tích hợp và đồng bộ hoàn toàn trên một nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, gồm 2 trung tâm dữ liệu chính và dự phòng thảm hoạ.

Tuy nhiên đến nay, thời gian đã kéo dài gần một thập kỷ mà hệ thống mới này chưa được áp dụng.

Hiện tại, hệ thống giao dịch của HoSE vẫn sử dụng từ những năm đầu thành lập thị trường chứng khoán VIệt Nam với công suất chỉ khoảng 900.000 lệnh. Trước đây, khi thị trường chứng khoán chưa sôi động, giá trị giao dịch trên sàn này chỉ vào khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, một lượng tiền lớn đã đổ vào thị trường chứng khoán. Từ đó, khái niệm nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư mới giao dịch) đã xuất hiện thị trường chứng khoán Việt Nam. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước liên tục lập kỷ lục. Nhiều chuyên gia cho rằng chính sự bùng nổ của dòng tiền nhà đầu tư F0 đã giúp TTCK liên tục lập kỷ lục cả về mặt điểm số lẫn thanh khoản.

Lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Giá trị khớp lệnh trên HoSE tăng vọt lên 14.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020 và bắt đầu gây ra tình trạng nghẽn lệnh ở sàn này. Chính những người đứng đầu HoSE dường như cũng bất ngờ và chưa có sự chuẩn bị cho sự bùng nổ như vậy. Hệ thống cũ nát không thể chịu được trước dòng tiền quá lớn của nhà đầu tư.

Sau đó, HoSE đã đưa ra giải pháp đầu tiên để hạn chế tình trạng nghẽn lệnh ở đây là nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 đơn vị, hay chuyển giao dịch tạm thời các cổ phiếu trên HoSE sang HNX… nhưng đây đều chỉ là giải pháp tình thế và chưa thể giúp khắc phục dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh. Cứ mỗi khi giải pháp tạm thời được đưa ra, thanh khoản thị trường đều tăng lên nhưng chỉ đến một mức độ nào đó hệ thống lại gặp vấn đề.

Hy vọng mong manh của nhà đầu tư về sự thông suốt giao dịch trên HoSE không phải từ dự án trễ hẹn đến cả thập kỷ KRX kể trên mà lại là hệ thống do FPT đứng ra xây dựng.

Trước đó, tại cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045" diễn ra chiều 6/3, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT của CTCP FPT đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty hệ thống thông tin FPT khẳng định chỉ cần 3 tháng để sửa lỗi nghẽn lệnh trên sàn HoSE.

Chính giải pháp do FPT đưa ra đã nhận được sự hưởng ứng của nhà đầu tư, nhưng từ đó đến lúc hệ thống này được vận hành còn rất lâu và nhà đầu tư vẫn phải “sống chung với lũ".

Điểm khiến nhà đầu tư bức xúc đó là kể từ khi HoSE gặp sự cố, không bất kỳ lãnh đạo nào của Sở lên tiếng cũng như xin lỗi. Phải đến sau 3 tháng, HoSE mới có phản hồi đầu tiên về vấn đề này khi đưa ra những lý do dẫn đến tình trạng lỗi hệ thống ở đây. Tuy nhiên một lời xin lỗi đến nhà đầu tư vẫn không có? Vậy những thiệt hại gây ra cho nhà đầu tư thuộc về ai và ai phải chịu trách nhiệm? Đây là những câu hỏi nhà đầu tư quan tâm nhất lúc này.

Điều nhà đầu tư mong mỏi nhất có sẽ là động thái của cơ quan quản lý để làm minh bạch những vấn đề xảy ra trên HoSE thời gian qua. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra đối với HoSE. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTr ngày 10/6, quyết định thanh tra hành chính tại HoSE. Căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19, đoàn thanh tra sẽ có kế hoạch làm việc cụ thể, phù hợp với các quy định về phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Nguồn: https://reatimes.vn/nha-dau-tu-phan-no-ve-viec-hose-nghen-lenh-20201224000004428.html?fbclid=IwAR2AXntsSzhLCVQvew65v7slo9hlONN1S0gCqw08zZFwBrrGhScTr2jkFIA