19/01/2025 | 02:28 GMT+7, Hà Nội

Thu thuế từ chứng khoán, chuyển nhượng BĐS tăng đột biến

Cập nhật lúc: 09/06/2021, 10:30

5 tháng đầu năm, số thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng đột biến, tập trung vào các khoản thu từ chứng khoán (tăng 320% so cùng kỳ), từ chuyển nhượng bất động sản (tăng 183% so cùng kỳ).

Thu thuế từ chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản tăng mạnh so với cùng kỳ

Báo cáo tại hội nghị ngành thuế mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, trong tháng 5/2021, thu ngân sách Nhà nước do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 86.317 tỷ đồng, bằng 7,7% so với dự toán.

"Lũy kế thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2021 đạt 51,6% so với dự toán, bằng 114,5% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện, toàn ngành đã có 52/63 địa phương thu ngân sách đạt trên 45% dự toán", ông Cao Anh Tuấn cho hay.

Trong đó, thuế thu nhập cá nhân có tiến độ thu cao, đạt 60,2% dự toán và tăng 12,7% so với cùng kỳ.

Mặc dù từ 1/7/2020, ngành Thuế đã thực hiện tăng mức giảm trừ gia cảnh, nhưng số thu từ thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng và tập trung vào các khoản thu từ chứng khoán với mức tăng 320% so với cùng kỳ, thu từ đầu tư vốn của cá nhân với mức tăng 169% so với cùng kỳ, thu từ chuyển nhượng bất động sản tăng 183% so với cùng kỳ. Qua đó, góp phần làm số thuế thu nhập cá nhân tăng.

Thu thuế từ chứng khoán, chuyển nhượng BĐS tăng đột biến
Ảnh minh họa.

Bên cạnh những yếu tố khách quan, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, để có được kết quả trên là do toàn ngành Thuế đã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra thuế, qua đó đã kiến nghị xử lý truy thu qua thanh tra, kiểm tra hơn 11.709 tỷ đồng. Cũng trong 5 tháng đầu năm, ngành Thuế đã đẩy mạnh việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP.HCM.

Đồng thời, cơ quan thuế các địa phương đã tích cực phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để thực hiện các chuyên đề về miễn giảm, gia hạn, hoàn thuế. Đặc biệt, cơ quan thuế đang tích cực giải trình, triển khai tháo gỡ vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng của các dự án đầu tư ngành điện.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc nâng cấp ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế nộp giấy đề nghị gia hạn nộp tiền thuế đất theo Nghị định 52 bằng phương thức điện tử. Được biết, đến nay đã có 13.000 giấy đề nghị gia hạn đã thực hiện bằng phương thức này.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và lây lan trong các khu công nghiệp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, các chính sách gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong những tháng tới đây sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu ngân sách. Do đó, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, phân tích và đánh giá cụ thể số thu ngân sách của quý II/2021, từ đó kiến nghị các giải pháp thu những tháng cuối năm và xây dựng dự toán thu năm 2022.

5 giải pháp trọng tâm đảm bảo nhiệm vụ thu NSNN

Cũng tại hội nghị, nhấn mạnh về nhiệm vụ quản lý thuế trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu ngành Thuế cần tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng các văn bản pháp luật; hoàn thiện chiến lược phát triển hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030.

Bên cạnh đó, ngành Thuế cần phải rà soát, quản lý tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước. Mặc dù số thu ngân sách 5 tháng đầu năm đã đạt trên 50%, nhưng dự báo trong các tháng tới đây việc giãn hoãn thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu ngân sách Nhà nước, chưa kể diễn biến dịch bệnh Covid-19 có thể tiếp tục phức tạp. Do đó cần có kịch bản cho từng trường hợp, đảm bảo không bị động, bất ngờ.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã đề ra 5 giải pháp trọng tâm và yêu cầu cơ quan thuế các cấp tập trung triển khai thực hiện.

Thứ nhất, triển khai thực hiện tốt Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, khẩn trương đưa chính sách kịp thời vào cuộc sống.

Nâng cấp toàn diện hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý thuế để theo dõi số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn và dừng tính tiền chậm nộp, theo dõi và đôn đốc người nộp thuế nộp các khoản tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khi hết thời gian gia hạn.

Thứ hai, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe doanh nghiệp, hoạt động sản suất, kinh doanh của người nộp thuế. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Từ đó, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế theo phương thức điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế, giảm thời gian, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, hoàn thuế đúng đối tượng theo đúng chính sách pháp luật góp phần giúp người nộp thuế có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của Nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế. Bên cạnh đó, tập trung thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương hỗ trợ của Nhà nước để vi phạm pháp luật, đồng thời không gây phiền hà, sách nhiễu cho người nộp thuế.

Thứ năm, rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu ngân sách Nhà nước do dịch bệnh Covid-19 gây ra như thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản...

Tăng cường quản lý đối với các đối tượng được hưởng lợi trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra do tăng trưởng sản xuất hoặc thay đổi hành vi tiêu dùng như: Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet...

Kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán, Thanh tra...

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ về giá cả hàng hóa, quản lý hiệu quả hơn hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng internet, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, qua đó chống thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/thu-thue-tu-chung-khoan-chuyen-nhuong-bds-tang-dot-bien-20201231000002621.html