19/01/2025 | 07:08 GMT+7, Hà Nội

Thị trường chứng khoán Việt \"sục sôi\" trong tháng 5

Cập nhật lúc: 03/06/2021, 14:30

5 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài mở mới 633 tài khoản chứng khoán tại Việt Nam, nhà đầu tư trong nước mở mới 480.490 tài khoản - vượt qua cả số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản).

Số tài khoản mở mới trong tháng 5 vượt qua kỷ lục của tháng 3

Số liệu công bố mới đây bởi Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho hay, trong tháng 5, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 113.674 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 3.000 so với tháng trước đó và vượt qua con số kỷ lục trước đó đạt được vào tháng 3/2021. Trong số 113.674 tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước có tới 113.543 tài khoản cá nhân và 131 tài khoản của các tổ chức.

Ở chiều ngược lại, làn sóng mở mới tài khoản đến từ khối ngoại lại có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 433 tài khoản trong tháng 5, thấp hơn khoảng 100 tài khoản so với tháng 4 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với con số từng tháng trong năm 2020 trước đó.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài mở mới 633 tài khoản chứng khoán tại Việt Nam, nhà đầu tư trong nước mở mới 480.490 tài khoản chứng khoán - vượt qua cả số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản). Đáng chú ý khi số tài khoản mở mới trong năm 2020 cũng là một con số kỷ lục từ trước tới nay.

Như vậy, tính tới 31/5, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước đạt hơn 3,2 triệu, tương đương khoảng 3,2% dân số. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, tỷ lệ nhà đầu tư chứng khoán trên dân số có thể thấp hơn đáng kể so với con số trên bởi rất nhiều nhà đầu tư có từ 2 tài khoản chứng khoán trở lên.

Các chuyên gia đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến cho nhà đầu tư trong nước ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây: Một, do lãi suất huy động đang ở mức thấp; hai là kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại vì Nghị định 81 có hiệu lực vào đầu tháng 9; ba là Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và là điểm sáng tăng trưởng kinh tế thế giới; thứ tư là định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực và thứ năm là triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi trong 2 năm tới.

Dẫn chứng tiêu biểu là tại báo cáo cập nhật ngành chứng khoán vừa công bố, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đã đưa ra những kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong bối cảnh thị trường sôi động. Theo đó, các công ty chứng khoán niêm yết ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2021. Cụ thể, theo thống kê 31 trong tổng số 35 công ty chứng khoán niêm yết có lợi nhuận trước thuế đạt tổng cộng 3.716 tỷ đồng, tăng gần 46 lần so với mức 81,4 tỷ đồng đạt được trong quý I/2020.

SSI Research cho biết, doanh số giao dịch toàn thị trường trong quý I/2021 tăng mạnh 283% so với cùng kỳ lên mức 1,1 triệu tỷ đồng. Trong nửa đầu quý II, doanh số giao dịch thị trường tăng 22% so với quý trước và tăng 306% so với cùng kỳ.

"Thị phần các cập nhật ngành chứng khoán lớn cải thiện so với quý IV/2020, các cập nhật ngành chứng khoán lớn trong top đầu thị phần môi giới trên sàn HoSE đã tích cực triển khai nhiều giải pháp cạnh tranh và nhờ vậy thị phần môi giới đã có cải thiện so với quý IV/2020", báo cáo nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tài chính lưu ý về hiện tượng nghẽn lệnh trên sàn chứng khoán

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Với việc số tài khoản mở mới trong tháng 5 lên mức kỷ lục đã giúp thanh khoản trên thị trường chứng khoán liên tục lập đỉnh mới. Theo đó, toàn bộ cả 20 phiên giao dịch của tháng 5 đều có giá trị khớp lệnh ở trên mốc 20.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tổng giá trị khớp lệnh bình quân 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM đạt mức kỷ lục 24.145 tỷ đồng/phiên. Riêng trên HoSE, con số này cũng ở mức kỷ lục với 20.486 tỷ đồng, tăng 22% so với tháng 4.

Tuy nhiên, thanh khoản lên cao lại khiến hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) ngày 1/6 bị quá tải và không thể hoạt động trong phiên chiều. Đại diện HoSE cho biết, chỉ tính riêng phiên giao dịch sáng 1/6, đã có hơn 21.700 tỷ đồng giá trị giao dịch chứng khoán khớp lệnh trên thị trường. Điều này dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống.

Được sự chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE đã ra quyết định ngừng giao dịch phiên chiều. Theo đó, giá đóng cửa của chứng khoán phiên đầu tiên tháng 6 là giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng.

Đến ngày 2/6, HoSE tiếp tục xảy ra tình trạng đơ, nghẽn lệnh. Do đó, trong khoảng thời gian từ 10h25 đến 11h25, hầu như không có lệnh nào được khớp trên HoSE.

Tại buổi làm việc với các đơn vị khối thị trường tài chính thuộc Bộ Tài chính mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá cao sự phát triển nhanh, mạnh của thị trường chứng khoán và cho rằng, thị trường chứng khoán những năm vừa qua đã tăng rất nhanh trên cả 3 lĩnh vực là cổ phiếu, trái phiếu và thị trường phái sinh. “Điều này đòi hỏi chúng ta phải vươn lên trong công tác quản lý, cả về năng lực, phương tiện mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn”, Bộ trưởng lưu ý.

Theo Bộ trưởng, hiện tượng nghẽn lệnh vừa qua phải được đặc biệt quan tâm, “phải khắc phục, phải làm hết sức quyết liệt và dùng biện pháp mạnh”, bởi vì, “ách tắc là thiệt hại”.

Đối với công tác quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: Công tác quản lý Nhà nước đã tương đối tốt, từ khâu hoàn thiện thể chế, giám sát hoạt động đến điều hành linh hoạt. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng thao túng giá, giả mạo giấy tờ, vi phạm trong hợp đồng, cần tập trung thanh tra, kiểm soát.

Theo Bộ trưởng, thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ gắn liền với nhau, do đó, trong quản lý điều hành, phải hạn chế tác động tiêu cực khi chính sách được ban hành, đảm bảo cân đối tài chính, cũng như các cân đối lớn trong nền kinh tế.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/thi-truong-chung-khoan-suc-soi-trong-thang-5-20201231000002527.html