19/01/2025 | 07:26 GMT+7, Hà Nội

Hơn 1.500 người nhiễm HIV do dùng máu nhiễm bệnh của các tù nhân, con nghiện: Bê bối ngành y nước Anh

Cập nhật lúc: 13/08/2018, 22:10

Để điều trị cho những bệnh nhân bị rối loạn đông máu, các công ty dược tại Anh đã nhập máu từ Mỹ, trong số đó có cả máu nhiễm bệnh của các tù nhân, con nghiện, những người bán máu.

Nhiễm virus HIV, viêm gan sau khi được điều trị bằng các chế phẩm máu nhiễm bệnh - bê bối lịch sử của ngành y tế Anh Nhiễm virus HIV, viêm gan sau khi được điều trị bằng các chế phẩm máu nhiễm bệnh - bê bối lịch sử của ngành y tế Anh.

Ngày 13/8/2018 là hạn cuối cùng để nạn nhân của bê bối “Dùng máu nhiễm độc điều trị cho bệnh nhân” tại Anh nộp hồ sơ cho một cuộc điều tra công khai quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Vụ bê bối gây nên “thảm kịch kinh khủng”

Vào năm 2017, Thủ tướng Anh Theresa May đã miêu tả vụ bê bối này là “một thảm kịch kinh khủng”. Những thông tin đầu tiên về vụ bê bối đã phát lộ từ năm 1990, khi có bệnh nhi bị rối loạn đông máu, sau khi được điều trị lại qua đời vì... nhiễm HIV.

Tuy nhiên, hậu quả của vụ việc chỉ được thống kê đầy đủ vào năm 2015.  Bộ Y tế Anh ước tính hơn 30.000 người có thể đã mắc viêm gan C nhưng chỉ 6.000 trường hợp được xác minh danh tính, hơn 1.500 ca nhiễm HIV do bị truyền máu nhiễm độc trong quá trình điều trị chứng rối loạn đông máu.

Đến nay, con số bệnh nhân đã tử vong do thảm kịch này đã là 2.500 người. Hàng ngàn bệnh nhân khác đang chiến đấu chống lại HIV và chứng bệnh viêm gan C, thường xuyên phải đến các cơ sở điều trị và tiêu tốn số tiền điều trị khổng lồ.

Nguyên nhân của thảm kịch được cho là do các công ty dược phẩm Anh đã quá chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua nguyên tắc đảm bảo an toàn.

Cụ thể, để điều trị cho những bệnh nhân bị rối loạn đông máu, các công ty dược đã nhập máu từ Mỹ, trong số đó có cả máu nhiễm bệnh của các tù nhân, con nghiện, những người bán máu.

Sau khi tách yếu tố đông ra khỏi huyết tương, đóng băng khô thành bột, các công ty dược có một loại chế phẩm (có tên gọi là Yếu tố VIII) giúp hạn chế cơn đau, ngăn nguy cơ tổn thương nội tạng của bệnh nhân bị rối loạn đông máu.

Ngay từ đầu thập kỷ 1980, chính phủ Anh đã ngừng thu mua toàn bộ sản phẩm máu chưa qua xử lý nhiệt vì nghi vấn về mức độ an toàn, tuy nhiên những chế phẩm đã có thì vẫn được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân gần 10 năm sau đó.

Sau nhiều năm bị công chúng, các nhà hoạt động xã hội... chỉ trích mạnh mẽ vì không có giải pháp quyết liệt để xử lý vi phạm của các công ty dược, ngày 11/7/2017, chính phủ Anh tuyên bố sẽ tổ chức điều tra công khai về vụ việc.

Cuộc điều tra dự kiến tiến hành vào Tháng Chín tới được các quan chức chính phủ hứa hẹn là “phát hiện mọi hành vi che giấu” liên quan đến vụ việc.

Các cơ quan tư pháp sẽ xem xét về bản thân vụ việc truyền máu nhiễm độc cho các bệnh nhân trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước, cùng với đó là những hậu quả để lại cho các gia đình bệnh nhân.

Ông Simon Hamilton (bìa phải) là người mắc bệnh viêm gan sau khi được điều trị bệnh máu khó đông

Ông Simon Hamilton (bìa phải) là người mắc bệnh viêm gan sau khi được điều trị bệnh máu khó đông

“Chúng tôi cần công lý”

Ông Simon Hamilton, 57 tuổi, chủ tịch Hiệp hội Haemophilia Northern Irland (Hội người mắc bệnh máu khó đông Northern Irland) khẳng định cuộc điều tra là một sự kiện quan trọng để đảm bảo đem lại công lý cho các nạn nhân.

“Điều mà tất cả mọi người mong muốn là công lý – chúng tôi muốn biết ai là người đã đưa ra quyết định. Không người nào trong số chúng tôi có một tương lai ổn định. Đây là lúc cần minh định rõ vì sao điều đó xảy ra” – ông Simon khẳng định.

Theo ông Simon, việc lật lại vụ bê bối này không phải là để trả thù, nó đơn giản là nhằm hiểu rõ lý do vì sao những quyết định sai lầm, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng ngàn người lại được đưa ra.

Ông Simon cùng với người anh trai song sinh của mình cũng đã bị truyền máu nhiễm độc và mắc bệnh viêm gan. Anh trai ông đã bị chẩn đoán mắc ung thư vào tháng 12/2017 và đã phải ghép gan. Một số người khác trong gia đình Hamilton đã qua đời vì nhiễm độc máu sau khi điều trị.