19/01/2025 | 11:59 GMT+7, Hà Nội

Hơn 10% hộ gia đình ở thành thị Việt Nam là những gia đình độc thân

Cập nhật lúc: 06/05/2019, 22:00

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ gia đình độc thân ở thành thị đã tăng từ 6,23% năm 2004 lên 9,1% năm 2014 và dự kiến tăng lên 10,1% vào năm 2019.

Nhu cầu sống độc thân tăng cao trên toàn thế giới

Theo Viện nghiên cứu thị trường của tổ chức quốc tế Euromonitor, hiện có trên 300 triệu người sống một mình trên toàn cầu, tăng lên khoảng 80% so với 15 năm trước. Ở khu vực châu Âu, Thụy Điển được coi là quốc gia có số độc thân cao nhất, chiếm khoảng  47% dân số, sau đó là Na Uy khoảng 40%, Anh khoảng 34%... Tại Mỹ, theo dữ liệu của Cencus Bureau, tình trạng công dân trẻ ở Mỹ, trên 18 tuổi đang sống một mình ngày càng nhiều. Có khoảng 1/4 người trẻ Mỹ chưa từng bao giờ trao cho ai hoặc nhận được của ai chiếc nhẫn cưới. 38% số người trong độ tuổi từ 18 đến 29 cho biết họ thích sống một mình.

Tại phương Tây, hiện tượng phụ nữ sống độc thân không phải xa lạ nhưng cho đến nay, nó trở nên phổ biến trên toàn cầu và đang lan rộng sang các nước châu Á, kể cả Việt Nam khi một số đông chị em khước từ hôn nhân và thiên chức làm vợ, làm mẹ.

Empty

5,6 triệu hộ gia đình một người - 29% tổng số hộ gia đình ở Hàn Quốc chỉ có 1 người

Mới đây, chính phủ Hàn Quốc công bố thống kê cho thấy, năm 2017 có 5,6 triệu hộ gia đình một người, chiếm 29% tổng số hộ gia đình ở Hàn Quốc. Năm 2000, tỷ lệ số hộ gia đình một nhân khẩu là 15,5%, con số này ước tính sẽ chạm mức 36% vào năm 2045.

Những con số trên đã khiến cho bất kỳ ai nghe thấy cũng giật mình về một sự chuyển hóa trong đời sống gia đình tại Hàn Quốc cũng như nhiều nước phát triển khác trên thế giới.

Dự báo 10,1% gia đình tại thành thị Việt Nam là những gia đình độc thân

Không chỉ ở Hàn Quốc hay bất cứ đất nước nào xa lạ, trào lưu sống độc thân ở các thành phố đang hình thành và có xu hướng gia tăng tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ gia đình độc thân ở thành thị Việt Nam đã tăng từ 6,23% năm 2004 lên 9,1% năm 2014 và dự kiến tăng lên 10,1% vào năm 2019.

Empty

Xu hướng độc thân đang tăng mạnh tại Việt Nam 

Cũng theo số liệu điều tra do Tổng cục Thống kê, tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở cả nam và nữ thanh niên hiện nay đều tăng, nghĩa là kết hôn muộn hơn so với 10 năm qua.

Cụ thể, tuổi kết hôn trung bình của nam tại Việt Nam hiện là 26,2 và con số này là 23 đối với nữ, so với năm 2005, độ tuổi này là 25,4 và 22,8. Các nhà nghiên cứu ở Việt Nam cũng đưa ra dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ, trong khi nam giới trong độ tuổi kết hôn sẽ “dư thừa”.

Tác giả Trần Xuân Tiến - Giảng viên Khoa KHXH&NV, Trường Đại học Văn Hiến cho rằng: “Độc thân, theo cách hiểu ngày nay, không chỉ là tâm thế của sự bị động do những lần đứt gánh duyên phận, do những lần trắc trở đường tình mà trong nhiều trường hợp, còn là kết quả của sự lựa chọn hết sức chủ động của người trong cuộc”.  

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hồng Mai, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, hiện nay, trong bộ phận cư dân là giới trẻ sống ở đô thị, bên cạnh việc tiếp tục noi theo những chuẩn mực của truyền thống coi hôn nhân là một giá trị phổ quát, một giá trị vĩnh viễn thì còn xuất hiện thêm những sự lựa chọn khác, tương hợp với sự lên ngôi của giá trị cá nhân. Họ là thế hệ hoàn toàn sinh ra sau đổi mới, tiếp cận với nhiều cái mới. Internet, tiếng Anh, công nghệ… đã trở thành giấy thông hành của họ trong cuộc sống.

Empty

Có thể thấy, sống độc thân tạm thời là một nhu cầu hiện nay mà theo nhiều người nhu cầu này nếu được thoả mãn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích.

Có thể thấy, sống độc thân tạm thời là một nhu cầu hiện nay mà theo nhiều người nhu cầu này nếu được thoả mãn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, chính những người trong cuộc cũng đã nhận thức rất đầy đủ về những hạn chế của nó, song họ vẫn lựa chọn vì nó đem lại rất nhiều lợi ích khác nhau, nó thoả mãn được nhu cầu vật chất, nhu cầu an toàn, nhu cầu được công nhận, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu phát triển cá nhân, tự khẳng định mình.

Những điều gì sẽ xẩy ra nếu như nhu cầu sống độc thân tạm thời tiến đến thành nhu cầu sống độc thân suốt đời hoặc trở thành “mốt sống”, “thú sống” như ở các nước phát triển hiện nay. Chắc chắn điều này sẽ kéo theo một loạt vấn đề như ngày càng ít trẻ em được ra đời, tháp dân số chênh lệch, lực lượng lao động thì nhiều mà người già và trẻ em thì ít, giá trị hôn nhân bị đánh mất, một lối sống “gấp”, sống cho riêng mình, sống chỉ biết hưởng thụ sẽ ra đời.