19/01/2025 | 02:45 GMT+7, Hà Nội

Đến năm 2020, khoảng 40% dân số Việt Nam sẽ sinh sống tại các đô thị

Cập nhật lúc: 25/04/2019, 13:31

Ngày 23-4, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam đã phối hợp tổ chức Diễn đàn BĐS công nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá, BĐS công nghiệp đang là phân khúc hấp dẫn nhất năm 2019. Thị trường BĐS công nghiệp đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển thành một trong những địa điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.

Điển hình như Samsung đã công bố đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam. Gói đầu tư này dã góp phần tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng của thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư trên khắp thế giới.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường BĐS công nghiệp là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu, sự tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp.

den nam 2020 khoang 40 dan so viet nam se sinh song tai cac do thi
Diễn đàn BĐS công nghiệp Việt Nam. 

Theo số liệu của Hội môi giới BĐS Việt Nam, thị trường đang ổn định, phát triển đồng đều trên mọi phân khúc. Riêng tại Hà Nội, lượng cung BĐS năm 2018 đạt 44.788 sản phẩm, tăng 123.7% so với năm 2017. Sản phẩm căn hộ vẫn là chủ đạo, chiếm 87,26% lượng hàng trên toàn thị trường. Trong đó, chung cư vượt 114.2% và sản phẩm biệt thự, liền kề, nhà phố vượt 2,9 lần.

Tính đến hết năm 2018, cả nước có 326 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần xấp xỉ 93 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động đạt 73%. Những số liệu trực quan trên phần nào đã thể hiện độ "hot" của phân khúc BĐS công nghiệp.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, sức hấp dẫn của BĐS công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thu thu nhập ưu đãi…

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều bất cập như hạ tầng kết nối đa phương tiện thiếu đồng bộ, hạ tầng nhà xưởng có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, đóng góp của KCN, khu chế xuất vào GDP chưa xứng với tiềm năng, định hướng chính sách của nhà nước đã có nhưng chưa rõ ràng và đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường phát triển.

Hiện, nhiều KCN tỷ lệ lấp đầy thấp, đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Bộ (như Cao Bằng, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Ninh Thuận) tỷ lệ này dưới 30%, nguyên nhân chủ yếu là do vị trí của các KCN này không thuận lợi, không kết nối tốt với thị trường, nhà cung cấp và hạ tầng giao thông nói chung, giá cho thuê đất quá cao.

Bên cạnh đó, tính đồng bộ ngay trong nội bộ KCN chưa cao như tỷ lệ KCN có nhà máy xử lý nước thải mới đạt 87,2% (trong 250 KCN đã đi vào hoạt động, có 218 KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung hoạt động với tổng công suất xử lý nước thải đạt trên 950.000 m3/ngày đêm)…

Đáng quan tâm, đa số DN trong lĩnh vực BĐS của Việt Nam quy mô vẫn còn khá nhỏ, nguồn vốn phát triển chủ yếu là vốn vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Trong khi đó, bắt đầu từ năm 2017, Chính phủ đã có biện pháp hạn chế dòng vốn vay cho thị trường BĐS, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS giảm mạnh, khiến các DN cũng gặp khó khăn nhất định. Do những vướng mắc về mặt pháp lý, một số phân khúc như condotel, officetel cũng đang điều chỉnh xuống – không còn sôi động như giai đoạn 2015 - 2017…

Để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng, qua đó tạo đà cho BĐS công nghiệp bứt phá cần đổi mới tư duy, đổi mới phương thức quản lý và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, trọng tâm là cần tuân thủ quy luật cung cầu để thị trường điều tiết. Bên cạnh đó, tập trung quy hoạch các KCN và cụm công nghiệp sạch, sinh thái, thân thiện môi trường và thu hút công nghệ cao với các mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài. Quy hoạch cần được lập đồng bộ và công bố công khai để cho các nhà đầu tư nghiên cứu, nắm bắt cơ hội và tham gia đầu tư sớm.

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, cần đẩy mạnh các hình thức hợp tác công tư, với sự quản lý và giám sát chặt chẽ, dựa trên cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch để thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là việc chú trọng phát triển hệ thống đường cao tốc, cảng biển và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, cần minh bạch hóa thông tin về thị trường BĐS, với những chính sách dài hạn, ổn định và có tính đảm bảo mức độ rủi ro chính sách, tạo tâm lý yên tâm, an toàn cho các nhà đầu tư.

Viện trưởng CIEM cũng cho hay, dự báo đến 2020, khoảng 40% dân số Việt Nam sẽ sinh sống tại các đô thị. Vì vậy, KCN cần gắn kết với các hạ tầng dịch vụ logistics, với hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, gắn kết KCN với quá trình đô thị hóa, hướng đến phát triển bền vững trong các KCN – xây dựng KCN cộng sinh sinh thái.

Theo ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và đầu tư, thị trường BĐS công nghiệp còn một số hạn chế như công tác bảo vệ môi trường KCN chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội và đời sống công nhân trong KCN chưa được cải thiện rõ rệt; Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với ngành nghề thu hút đầu tư trong các KCN còn thiếu; việc huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN còn khó khăn…
Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 500 KCN, diện tích cần khoảng 500.000 ha. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực BĐS công nghiệp là rất lớn đối với các nhà đầu tư.