"Ô nhiễm trắng" từ túi nilon: Vấn nạn môi trường đô thị
Cập nhật lúc: 23/04/2019, 16:32
Cập nhật lúc: 23/04/2019, 16:32
"Ô nhiễm trắng" đó là cái tên mà nhân loại đã đặt cho thảm họa nilon trong sự phát triển hiện đại ngày nay, một thảm họa chính con người đang tự gây nên cho chính bản thân mình và đồng loại từng ngày, từng giờ. Chiếc túi nilon tuy nhỏ bé nhưng lại có tác hại khôn lường.
Hiện, túi nilon khó phân hủy đã bị cấm sử dụng tại 91 quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, ở Việt Nam, mới chỉ có công cụ kinh tế là thuế nhằm hạn chế sản xuất và sử dụng túi nilon.
Tình trạng sử dụng túi nilon một cách dễ dãi, không kiểm soát, không chỉ gây lãng phí mà còn tạo áp lực lớn cho công tác thu gom, xử lý rác thải và ảnh hưởng nặng nề, lâu dài tới môi trường đô thị.
Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, túi nilon cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... như vậy hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày.
Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm đến 7 - 8%. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 5 - 9 triệu túi nilon/ngày từ các hộ dân. Đáng chú ý là lượng túi nilon này tăng theo từng năm.
Túi nilon khó phân hủy đã bị cấm sử dụng tại 91 quốc gia trên thế giới
Các nhà khoa học cho biết, trong môi trường tự nhiên, túi nilon cần vài trăm năm đến một nghìn năm mới phân hủy hết. Nếu không được thu hồi hoặc chôn lấp, túi nilon sẽ gây ô nhiễm đất và nước, từ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người, còn khi đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch…
Mặc dù gây hại cho cả môi trường và sức khỏe con người nhưng ý thức, thói quen dùng túi nilon của người tiêu dùng chưa có sự cải thiện. Dường như, việc sử dụng túi nilon đã ăn sâu vào thói quen của người tiêu dùng Việt Nam.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những giải pháp mạnh để giải quyết vấn đề này như ban hành lệnh cấm sản xuất túi nilon khó phân huỷ, đánh thuế nặng đối với sản xuất túi nilon…
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, đến 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.
Bên cạnh đó, theo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon sẽ tăng lên 50.000 đồng/kg. Đây được cho là giải pháp sẽ góp phần hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon không thân thiện môi trường.
Điều nghịch lý là dù phải chịu thuế môi trường từ 30.000 – 50.000 đồng/kg nhưng hiện loại túi nilon thông thường bán ở các chợ lại có giá rẻ hơn hẳn so với túi nilon thân thiện, chỉ từ 23.000 đồng đến 50.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, vấn đề hạn chế sử dụng túi nilon lại không thực sự nằm ở chính sách thuế. Để đẩy lùi việc sử dụng túi nilon tràn lan như hiện nay, bên cạnh những biện pháp về tăng thuế, điều quan trọng nhất là nâng cao ý thức người tiêu dùng trong việc hạn chế sử dụng túi nilon, khuyến khích, ưu tiên sử dụng các túi tự hủy, túi thân thiện môi trường với những ưu thế như chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại đề xuất giải pháp mạnh hơn, đó là cấm triệt để các loại túi nilon không thân thiện với môi trường. Theo họ, khi cấm túi nilon, thị trường sẽ tự khắc tìm sản phẩm thay thế. Qua đó, sẽ kích thích sản xuất và sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường hơn, như việc sử dụng lá chuối bọc rau thời gian gần đây là một ví dụ về sản phẩm thay thế.
Ngược lại, nếu túi nilon vẫn tồn tại, cả hai đối tượng sản xuất và tiêu dùng đều không có động cơ tìm kiếm sản phẩm thay thế thì sẽ không giải được bài toán hạn chế túi nilon.
Giờ đây, việc sử dụng túi nilon đã trở thành thói quen khó bỏ của người dân, thì những vật dụng thay thế cho túi nilon phù hợp với môi trường vẫn chưa được người tiêu dùng biết tới. Do vậy, để giảm thiểu túi nilon, song song với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tăng cường các giải pháp tiết giảm, tái chế, tái sử dụng tại nguồn, cần phổ biến rộng rãi các loại túi thân thiện với môi trường cho người dân. Từ đây, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, tiến tới mọi người cùng nói không với túi nilon.