23/11/2024 | 00:12 GMT+7, Hà Nội

Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở đang diễn ra hôm nay có những gì đặc biệt?

Cập nhật lúc: 02/04/2019, 01:01

Từ 0 giờ hôm nay (1/4), cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 với quy mô toàn quốc đã chính thức bắt đầu. Đây được xem là cuộc tổng điều tra lớn nhất từ trước đến nay với rất nhiều điều đặc biệt.

Kinh phí “khủng” với hơn 1.100 tỷ đồng

Theo Quyết định 722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 chính thức bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/4/2019 và kéo dài trong 25 ngày.

Đây là lần thứ 5 Việt Nam tiến hành cuộc Tổng điều tra này. 4 lần trước đó là vào các năm 1979, 1989, 1999 và 2009.

Nội dung điều tra bao gồm: Thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động - việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được bắt đầu từ hôm nay, 1/4. Ảnh Internet

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được bắt đầu từ hôm nay, 1/4. Ảnh Internet

Kết quả sơ bộ cuộc Tổng điều tra được công bố vào tháng 7/2019, kết quả điều tra mẫu được công bố vào quý IV năm 2019, kết quả điều tra toàn bộ được công bố vào quý II năm 2020. Các báo cáo phân tích chuyên đề công bố vào quý IV năm 2020.

Nguồn kinh phí đầu tư cho Tổng điều tra dân số và nhà ở năm nay là hơn 1.100 tỷ đồng.

Hơn 122.000 điều tra viên tham gia

Cuộc Tổng điều tra năm nay nhằm mục đích: Thu thập thông cơ bản về dân số và nhà ở trên toàn quốc để phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam; đáp ứng nhu cầu thông tin để đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2011-2020. Đây cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, kết quả cuộc Tổng điều tra sẽ phục vụ cho công tác giám sát thực hiện nghị quyết Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đồng thời giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc mà Chính phủ đã cam kết và cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp của quốc gia về dân số trong giai đoạn hiện nay.

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh, huyện, xã là Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh, huyện, xã.

Đến nay, đã có 3 Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp Bộ (Quốc phòng, Công an và Ngoại giao), 63 Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh; 712 Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp huyện; 11.165 Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã đã được thành lập để chỉ đạo, chuẩn bị và thực hiện Tổng điều tra. Nhân sự được huy động để thực hiện cuộc Tổng điều tra lên đến hơn 122.000 người

Thu thập thông tin bằng thiết bị điện tử thông minh

Hiện nay, trình độ phát triển kinh tế xã hội và công nghệ thông tin ở nước ta đã được nâng cao, do đó, Tổng điều tra dân số và nhà ở lần này sẽ có điều đặc biệt là áp dụng hình thức thu thập thông tin bằng các thiết bị điện tử thông minh.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê), nếu cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở cách đây 10 năm (2009) chỉ sử dụng phương pháp điều tra trực tiếp, cụ thể là, điều tra viên thống kê phỏng vấn trực tiếp đối tượng điều tra và ghi chép thông tin thì đến Tổng điều tra lần này, áp dụng cả 2 phương pháp là điều tra trực tiếp (điều tra viên thu thập tại các hộ dân) và điều tra gián tiếp (hộ dân cư tự cung cấp thông tin qua Internet).

Trong điều tra trực tiếp, điều tra viên sẽ thu thập thông tin và nhập thẳng vào phiếu điện tử điều tra trên thiết bị di động (còn gọi là CAPI). Còn điều tra gián tiếp, hộ dân sẽ trả lời các câu hỏi điều tra về dân số và nhà ở bằng phiếu trực tuyến sử dụng Internet (còn gọi là webform).

Việc cải tiến này đem lại những lợi ích thiết thực trong nâng cao chất lượng số liệu, tăng tính minh bạch và chặt chẽ của quy trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian công bố kết quả Tổng điều tra, giảm kinh phí điều tra thống kê trong dài hạn và phù hợp với xu hướng tổ chức điều tra của thế giới.

Áp dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng 2 giai đoạn

Bên cạnh điều tra toàn bộ nhằm thu thập thông tin cơ bản về tình hình dân số và nhà ở của dân cư, Tổng điều tra 2019 sẽ thu thập thông tin chuyên sâu về dân số, nhân khẩu học và nhà ở thông qua điều tra mẫu nhằm bảo đảm tính đại diện của các chỉ tiêu đến cấp huyện, đồng thời giảm tải khối lượng công việc và tiết kiệm chi phí Tổng điều tra. Cụ thể, Tổng điều tra 2019 áp dụng phương pháp phân tầng hai giai đoạn.

Trong đó, bước 1: Phân bổ và chọn mẫu phân tầng theo huyện; trong mỗi huyện, các địa bàn điều tra mẫu được chọn theo phương pháp xác suất tỷ lệ với quy mô.

Bước 2: Trong từng địa bàn điều tra mẫu, các hộ mẫu được chọn ngẫu nhiên hệ thống theo khoảng cách. Theo đó, số lượng địa bàn mẫu là khoảng 40% tổng số địa bàn và quy mô mẫu chiếm khoảng 9% tổng số hộ trên cả nước.

Lồng ghép thông tin đáp ứng các chỉ tiêu phát triển bền vững

Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và bảo đảm rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình, thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc.

Để đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, ngoài thông tin cơ bản về tình hình dân số, nhân khẩu học và nhà ở, một số thông tin phục vụ đánh giá thực hiện các chỉ tiêu SDGs đã được thiết kế để thu thập trong Tổng điều tra 2019.

Thực tế Tổng điều tra 2019 sẽ cung cấp thông tin phục vụ tính toán và đánh giá khoảng 10% các chỉ tiêu SDGs của Việt Nam. Cải tiến quy trình vẽ sơ đồ nền xã/phường và phân chia địa bàn điều tra để giảm kinh phí thực hiện Tổng điều tra.

Địa bàn điều tra sử dụng trong công tác thống kê là khu vực địa lý nơi có dân cư sinh sống, có ranh giới rõ ràng hoặc tương đối rõ ràng.

Về cơ bản, địa bàn điều tra là các thôn, buôn, xóm, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, tiểu khu. Tổng điều tra 2019 quy định mỗi địa bàn điều tra có quy mô trung bình khoảng 120 hộ dân cư. Mỗi xã/phường gồm nhiều địa bàn điều tra và ranh giới các địa bàn điều tra ghép lại sẽ thành bản đồ của xã/phường đó.

Theo phương pháp luận quốc tế, sơ đồ sử dụng trong Tổng điều tra gồm sơ đồ nền xã/phường và sơ đồ chi tiết đến từng ngôi nhà/đơn vị nhà ở (sơ đồ chi tiết địa bàn điều tra) nhằm bảo đảm không tính trùng hoặc bỏ sót dân số trong quá trình điều tra thực địa.

Mai Thùy