24/11/2024 | 07:12 GMT+7, Hà Nội

Hiểu đúng về tín dụng tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi người đi vay

Cập nhật lúc: 26/12/2018, 21:51

Thời gian gần đây, hàng loạt các vấn đề như lãi suất ngất ngưởng, đòi nợ ban đêm, quấy rối khách hàng… đang làm dấy lên cái nhìn tiêu cực về cho vay tiêu dùng. Phải chăng cho vay tiêu dùng đang bị hiểu sai hoặc biến tướng thành một dạng khác?

Ở Việt Nam, khi nói đến tín dụng tiêu dùng, người ta thường nghĩ ngay đến cho vay tín chấp, mua xe, mua điện thoại trả góp. Nhưng thực chất tín dụng tiêu dùng là một phạm vi rất rộng.

Tín dụng tiêu dùng bao gồm cho vay cá nhân và hộ gia đình... hình thức cuối cùng là cho vay trực tuyến qua internet.

Vấn đề đang nổi lên rất nóng thời gian gần đây là cho vay ngang hàng (Peer to Peer Lending, P2P Lending) - cho vay trực tuyến thông qua nền tảng công nghệ. Thực tế hoạt động của mô hình này trong thời gian qua cho thấy vẫn còn tồn tại như việc quảng cáo không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải; đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia. Nếu xảy ra tranh chấp do việc không đòi được các khoản đã cho vay, người cho vay có thể mất tiền, khó truy đòi trách nhiệm từ các công ty cung ứng nền tảng P2P Lending. Có công ty cho vay theo mô hình P2P ở Việt Nam chỉ mới thành lập từ cuối năm 2017 nhưng mỗi ngày có tới 2,000 đơn xin vay, cho thấy nhu cầu là rất lớn. Vấn đề đặt ra là Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên quản lý thế nào?

Các bảng quảng cáo cho vay trả góp nhận tiền ngay được dán khắp nơi.

Mới đây, NHNN đã lên tiếng cảnh báo về hoạt động P2P Lending với nhiều rủi ro tiềm ẩn như thông tin cá nhân của các bên tham gia có thể bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật, một số đối tượng ẩn danh và "núp bóng" giao dịch trên các nền tảng P2P Lending để trốn thuế, rửa tiền; hoặc biến tướng để huy động tài chính đa cấp khiến người cho vay, người đi vay trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp; hoặc nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen “núp bóng” các nền tảng P2P Lending để cho vay với mức lãi suất rất cao, vượt xa mức trần lãi suất 20%/năm của khoản tiền vay được quy định tại Điều 468 Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Ngoài ra, Điều 8 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, được bổ sung, sửa đổi năm 2017 quy định: “Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”. Như vậy, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng các nền tảng P2P Lending để thực hiện một trong các hoạt động ngân hàng mà không được NHNN cấp phép là vi phạm pháp luật.

NHNN cũng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ thông tin, thận trọng khi tham gia các nền tảng P2P Lending. Nhất là trong dịp giáp Tết như thế này, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trong dân cư càng cao, một số tổ chức, đối tượng có thể đánh vào nhu cầu đó với lãi suất cao, cho vay không minh bạch. Thay vào đó, người dân, doanh nghiệp nên tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng, công ty tài chính (CTTC).

Phải chăng người Việt ngại đi vay?

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia trong một lần chia sẻ với người viết cho rằng, tâm lý e ngại tiếp cận với các kênh cho vay tiêu dùng chính thức, một phần là do thiếu kiến thức về dịch vụ tài chính ngân hàng, thứ hai là do thủ tục cho vay hiện nay ở các ngân hàng hay CTTC tương đối phức tạp nên người dân có tâm lý e ngại. Bên cạnh đó, khi người dân muốn chọn ngân hàng hay CTTC để vay thì ngoài lãi suất, vấn đề họ quan tâm thứ hai đó là kinh nghiệm trong quá trình xử lý.

Có thể đó là một phần lý do dẫn đến các kênh cho vay không chính thức tràn lan.

Các kênh cho vay tiêu dùng không chính thức điển hình hiện nay ở Việt Nam là cầm đồ và cho vay chợ đen. Tín dụng không chính thức tại Việt Nam chiếm khoảng 20% tổng GDP của nền kinh tế, trong đó chủ yếu là vay mượn từ bạn bè, người thân khoảng 50-55%; thị trường chợ đen chiếm khoảng 20-35% tín dụng phi chính thức, quy ra quy mô khoảng 400,000 - 500,000 tỷ đồng, tuy không lớn nhưng sẽ dẫn đến hệ lụy xã hội lớn.

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, năm 2016, tín dụng tiêu dùng tăng 16%, nhưng sang năm 2017 tăng lên tới 65%, bởi vì NHTM đang gộp cho vay nhà ở hơn một nửa vào 65% này, nếu tách ra thì quy mô của tín dụng tiêu dùng không phải là 18% tổng dư nợ.

Ngoài thực trạng sản phẩm dịch vụ cho vay tiêu dùng của ngân hàng và CTTC còn ít, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng các kênh cho vay không chính thức tràn lan là pháp lý chưa đồng bộ từ thông tư 39 cho NHTM và thông tư 43 cho CTTC về cho vay.

Tuy không thể phủ nhận vai trò của tín dụng tiêu dùng, song để thị trường này phát triển một cách lành mạnh, vẫn cần có nhìn nhận đúng về vai trò của công ty tài chính từ người tiêu dùng. Một số tổ chức, cá nhân “núp bóng” CTTC để cho vay với lại suất "chợ đen" đang vô hình trung làm người dân có cái nhìn khác đi hoặc đánh đồng với CTTC qua kênh ngân hàng.

Bản chất CTTC hay cho vay tiêu dùng không xấu, họa chăng là cách chủ thể khai thác cũng như vận hành nó làm cho người dân hiểu sai. Vậy nên đừng để cho vay tiêu dùng đi theo lối mòn, mà phải minh bạch, vận hành công khai để người có nhu cầu có thể tiếp xúc với cho vay tiêu dùng một cách đúng nghĩa. Bởi vì rõ ràng, cho vay tiêu dùng đang đóng góp rất tốt cho sự phát triển xã hội.

Theo TS. Cấn Văn Lực đánh giá, tài chính tiêu dùng trước hết là đối với dân cư, cho vay tiêu dùng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, nhất là thế hệ trẻ và người thu nhập thấp. Đối với doanh nghiệp, khi kích thích tiêu dùng, sản xuất kinh doanh, hàng hóa xoay vòng nhanh hơn, dẫn đến doanh nghiệp phát triển. Còn đối với các tổ chức tín dụng, tín dụng tiêu dùng được xem là nghiệp vụ chiếm thị phần lớn và đem lại lợi nhuận lớn cho các TCTD. Đối với nền kinh tế, tín dụng tiêu dùng góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thị trường tài chính, giảm tệ nạn tín dụng đen và các hệ lụy xã hội đi kèm.