22/11/2024 | 01:33 GMT+7, Hà Nội

Fintech: Xu thế tất yếu của tài chính tiêu dùng

Cập nhật lúc: 27/09/2018, 08:59

“Một quốc gia thông minh cần một trung tâm tài chính thông minh” là thông điệp mà Ken Chua, Phó Vụ trưởng Vụ Fintech, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) gửi đến những người tham dự hội thảo về công nghệ tài chính vừa được tổ chức tại Việt Nam.

Toàn cảnh thị trường fintech Việt Nam

Theo các số liệu được ông Ngô Văn Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát các hệ thống thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tại hội thảo “Kinh nghiệm Quốc tế về xây dựng Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm trong lĩnh vực Công nghệ tài chính (Fintech)” thì thị trường fintech Việt nam đang phát triển với tốc độ vô cùng ấn tượng.

Cụ thể, tính tới thời điểm hiện nay, sau khoảng 4 năm chính thức được công nhận, hiện đã có 27 tổ chức được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Thanh toán di động dần trở thành xu hướng trong thời đại hiện nay với các phương thức thanh toán mới ra đời trên cơ sở ứng dụng các công nghệ, giao diện hiện đại như mã QR, số hóa thông tin thẻ, ví điện tử…

Hiện tại, đã có 12 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code với số lượng các điểm chấp nhận thanh toán bằng hình thức này lên tới hơn 5.000 điểm. 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 tổ chức đã cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng khẳng định, Fintech đã mang tới những sự đổi mới, sáng tạo làm thay đổi bộ mặt của hệ thống ngân hàng - tài chính truyền thống; nhờ đó có thể có thể giải quyết tính thiếu hiệu quả của các sản phẩm, dịch vụ tài chính truyền thống (vốn bị giới hạn về thời gian, không gian cũng như quy trình, thủ tục giao dịch phức tạp...).

Fintech cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phổ cập tài chính thông qua tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính tới những người chưa có tài khoản ngân hàng hoặc khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính – ngân hàng truyền thống; hỗ trợ các quốc gia nhanh chóng đạt được mục tiêu phổ cập tài chính qua đó thúc đẩy sự phát triển cũng như công bằng xã hội.

Chia sẻ về lĩnh vực này, từ góc nhìn của mình, ông Ken Chua, Phó Vụ trưởng Vụ Fintech, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) cho rằng “một quốc gia thông minh cần một trung tâm tài chính thông minh” mà rõ ràng, trung tâm tài chính thông minh đấy phải được xây dựng dựa trên nền tảng fintech. 

Xu thế tất yếu

Còn nhớ, cách đây khoảng 4-5 năm, khi fintech bắt đầu “manh nha” trên thị trường tài chính, nhiều ngân hàng, công ty tài chính (CTTC) tỏ ra khá thờ ơ, thậm chí phản ứng có phần tiêu cực khi cho rằng loại hình sản phẩm mới này là đối thủ cạnh tranh của mình.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, fintech đã chứng minh rằng mình không phải đối thủ cạnh tranh của các tổ chức tài chính nói chung, đặc biệt là các CTTC với đối tượng khách hàng vi mô nói riêng.

Ngược lại, fintech hiện còn được coi là cánh tay phải, là đòn bẩy để các tổ chức tài chính, đặc biệt là các CTTC với đối tượng khách hàng vi mô có thể tiếp cận khách hàng một cách rộng rãi, nhanh chóng, hiệu quả với chi phí thấp hơn rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến FE Credit, sự phát triển của công nghệ đặt ra cả thách thức và cơ hội cho các CTTC Việt Nam nhưng việc phát triển tài chính tiêu dùng trên nền tảng công nghệ số là xu thế tất yếu của ngành tài chính hiện đại. 

“Việc đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là các giải pháp giúp cải thiện quy trình nghiệp vụ nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ sai sót do yếu tố con người, thất thoát dữ liệu và tăng cường hiệu quả của toàn bộ hệ thống cho vay”.

Fintech được coi là xu thế tất yếu của tài chính tiêu dùng.

Fintech là xu thế tất yếu của tài chính tiêu dùng.

Cũng theo ông Tâm, việc đầu tư vào công nghệ, hay nói cách khác là sự phát triển của fintech sẽ giúp giảm lãi suất cho vay nhờ việc giảm chi phí vận hành và tính rủi ro của các khoản vay. Nền tảng công nghệ cũng sẽ giúp các CTTC tiêu dùng tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng tại khu vực nông thôn (chiếm đến 60% dân số cả nước) nhằm nâng cao thị phần và duy trì tăng trưởng trong tương lai.

Bên cạnh đó, vị đại diện FE Credit, CTTC lớn nhất hiện nay với hơn 50% thị phần cũng nhấn mạnh rằng, việc các CTTC tận dụng sức mạnh của công nghệ sẽ mang lại các trải nghiệm thú vị cho khách hàng, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin của khách hàng, dẫn đến việc khách hàng ra quyết định vội vàng và chịu nhiều thiệt thòi trong các giao dịch tài chính.